Tờ The Wall Street Journal đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua ra lệnh cho Không quân (USAF) làm mọi cách để bảo đảm an toàn cho phi công điều khiển máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor. Chiến đấu cơ hiện đại này bị cho là có thể khiến một số phi công bị chóng mặt và các triệu chứng khác liên quan đến thiếu hụt ô xy trong khi bay. Việc ông Panetta đích thân thúc giục USAF nhanh chóng tìm ra nguyên nhân đằng sau hội chứng bí ẩn trên là dấu hiệu cho thấy sự việc đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Lâu nay, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ không thường xuyên can thiệp vào những vấn đề liên quan đến an toàn trừ trường hợp nghiêm trọng.
|
Nỗi ám ảnh nơi buồng lái
Kết quả điều tra mới đây của đài ABC News phát hiện đã có ít nhất 25 sự cố xảy ra bên trong buồng lái của chiến đấu cơ siêu thanh của Mỹ. Các phi công miêu tả cảm giác khủng khiếp khi bất thần bị ngộp thở lúc đang bay. Các triệu chứng cho thấy họ thiếu ô xy lên não, dẫn tới chóng mặt và mất phương hướng. Vì thế, Bộ trưởng Panetta ra lệnh cho USAF cải thiện hệ thống ô xy dự phòng tự động khẩn cấp trên chiến đấu cơ F-22, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng George Little cho hay.
Hiện những phi công gặp sự cố khi đang lái F-22 phải dùng tay với được một chiếc vòng nằm sâu trong buồng lái để kích hoạt hệ thống ô xy dự phòng. Bản thân vòng kích hoạt cũng từng gặp trục trặc, buộc USAF phải cho thiết kế lại để có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Hồi tháng 11.2010, đại úy không quân Jeff Haney đã thiệt mạng khi chiếc F-22 của ông đâm thẳng xuống mặt đất giữa lúc đang bay huấn luyện tại Alaska. ABC News dẫn kết quả điều tra cho hay ông Haney mất lái do bất ngờ ngộp thở. Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây của Đài CBS News, một phi công khác kể lại rằng anh bất ngờ xây xẩm mặt mày khi đang bay và phải chật vật lắm mới mở được hệ thống ô xy dự phòng.
“Trùm mền”
Bất chấp mọi biện pháp điều tra, đến nay USAF vẫn không thể xác định nguyên nhân bệnh “lạ” của F-22 Raptor dù từng phải cho toàn bộ phi đội trị giá tổng cộng hơn 70 tỉ USD “trùm mền” trong 5 tháng hồi năm ngoái. Điều này dẫn đến vô số đồn đoán. Có người cho rằng chính công nghệ tàng hình và siêu thanh của máy bay làm ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp ô xy, thậm chí có ý kiến nói máy bay bị “ma ám”. Theo AP, Lầu Năm Góc đã yêu cầu không quân phải hợp tác với các chuyên gia của hải quân và Cơ quan hàng không không gian Mỹ (NASA) để tìm hiểu. Một trong những lý do Bộ trưởng Panetta phải vào cuộc là đã xuất hiện tình trạng phi công từ chối leo lên máy bay hoặc thậm chí rời khỏi chương trình F-22.
Bên cạnh đó, ông Panetta còn yêu cầu giới hạn hoạt động bay của F-22. Theo đó, máy bay phải ở gần điểm tập kết để có thể hạ cánh và xử lý ngay trong trường hợp khẩn cấp. Tại Alaska, F-22 sẽ không được tham gia các chuyến tập huấn đường dài, mà thay vào đó sẽ là các chiến đấu cơ thế hệ cũ như F-15 và F-16, tờ The Washington Post dẫn lời phát ngôn viên USAF John Dorrian cho hay. Tuy nhiên, lệnh hạn chế không áp dụng cho vài chiếc
F-22 đang được triển khai đến UAE. Trả lời câu hỏi liệu toàn bộ phi đội có bị cấm bay lần nữa hay không, Lầu Năm Góc hôm qua tuyên bố: “Mọi biện pháp đều đang được tính tới”.
Máy bay đắt nhất F-22 Raptor do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất có giá tới 420 triệu USD/chiếc và là máy bay tiêm kích đắt nhất của Mỹ hiện nay. Với thiết kế tàng hình, F-22 dễ dàng biến mất khỏi radar địch và sở hữu các động cơ tối tân cho phép bay gấp 2,25 lần tốc độ âm thanh (làm tròn khoảng 2.400 km/giờ). Cách đây 2 tuần, USAF vừa bổ sung thêm 17 chiếc. Phi đội trước đó gồm 170 chiếc đang được phân bổ tại 6 căn cứ: Elmendorf-Richardson ở Alaska, Pearl Harbor-Hickam (Hawaii) Langley-Eustis (Virginia), Nellis (Nevada), Holloman (New Mexico) và Tyndall (Florida). Đáng chú ý, đến nay chưa có chiếc F-22 nào tham gia các chiến dịch quân sự thực tế của Mỹ, theo ABC News. |
Thụy Miên
>> Mỹ với chiến lược đánh phủ đầu trên không gian mạng
>> Mỹ hạn chế các chuyến bay của F-22
>> Máy bay, tên lửa vây Iran
>> Mỹ triển khai chiến đấu cơ tàng hình gần Iran
>> Đội bay tiêm kích F-22 sẽ cất cánh trở lại
>> F-22 Raptor đắt giá nhưng vô dụng
>> Chiến đấu cơ thế hệ 6
>> Nguy cơ "hạ cánh" của F-35 Lightning II
>> Tranh cãi về chương trình sản xuất F-35
>> “Đại bàng” F-15 gãy cánh
Bình luận (0)