Năm 2011, sau một thời gian khởi nghiệp ở TP.HCM, Phục trở về gây dựng phòng tranh gạo đầu tiên và hiện là duy nhất tại Quy Nhơn. Những bức tranh được làm từ nguồn vật liệu dân dã, gần gũi này đã tạo nên một nét tươi mới cho làng nghệ thuật Bình Định. Phục kỳ vọng đây sẽ là “một món ăn tinh thần mới mẻ, thú vị cho người dân Quy Nhơn”.
|
Để có được một bức tranh gạo hoàn chỉnh phải trải qua 8 bước cơ bản: chọn gạo, rang gạo, vẽ phác thảo trên mặt gỗ, dán gạo tạo hình, dán keo, phơi nắng, xử lý hóa chất tránh mốc và ráp tranh vào khung.
Gạo được chọn để làm tranh chủ yếu là gạo nếp, tẻ, tấm... Thay vì dùng hóa chất, Phục rang gạo để tạo màu. Bước này có thể dùng chảo để rang hoặc nồi điện hẹn giờ để nướng gạo. “Sau 30 phút gạo sẽ đổi màu. Tùy vào độ đậm nhạt của hạt gạo mà hẹn giờ, tối đa khoảng 60 phút gạo sẽ có màu sậm nhất”, Phục cho biết.
Phục cũng nói thêm khi rang gạo phải chú ý đừng để gạo bị nổ, vì để có một bức tranh đẹp hạt gạo phải đều và chắc. Khi dán gạo vào mặt gỗ theo nét phác thảo sẵn đòi hỏi nghệ nhân phải có con mắt thẩm mỹ, kỹ thuật phối màu sao cho hài hòa. Nếu trời nắng tốt, chỉ cần phơi 2 ngày, lớp keo dán sẽ giúp gạo kết dính chặt hơn. “Gặp thời tiết xấu tôi phải sấy khô tranh, tuy nhiên phơi nắng vẫn tốt hơn nhiều”, Phục nói.
Bước cuối cùng, chỉ cần sơn một lớp bóng lên bề mặt sẽ làm tăng độ óng, bảo vệ khỏi mối, mọt và giúp tranh có tuổi thọ cao hơn. Một bức tranh gạo được hoàn thiện ngoài năng khiếu, người làm cần phải có tính kiên nhẫn và sự tỉ mỉ cao độ.
Đề tài xuất hiện trong tranh gạo ngoài cảnh đẹp ở mọi miền đất nước hay đặc trưng của Bình Định như tháp Đôi, cầu Nhơn Hội, tượng đài Quang Trung, Phục còn dùng gạo để tạo nên những bức chân dung hớp hồn người xem. Anh chia sẻ cái khó nhất của tranh gạo là tạo hình mặt người, trong đó đôi mắt là điểm nhấn cực kỳ quan trọng vì bức tranh có hồn hay không chính là nhờ nó. Khó là vậy nhưng Phục vẫn nhận những đơn đặt hàng tạo hình cưới bằng tranh gạo theo ảnh mẫu của khách. Hiện nay, giá của một tranh gạo theo tùy kích cỡ và thể loại mà dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một bức.
Hầu như những buổi triển lãm tranh nghệ thuật hay lễ hội văn hóa ở Bình Định đều không thiếu sự góp mặt gian hàng tranh gạo của Phục. Anh tâm sự: “Mong muốn của tôi là sẽ đưa tất cả những cảnh đẹp, di tích lịch sử nổi tiếng ở Bình Định vào trong tranh gạo, giới thiệu cho bạn bè trong nước và cả quốc tế biết đến quê hương của mình”.
Minh Úc
>> Triển lãm ký họa chiến trường của Lê Duy Ứng
>> Triển lãm tranh cắt vải và xé giấy
>> Kiều nữ tranh cát
>> Gần gũi trên nền tảng bí ẩn (*)
>> Sến hay không sến
>> Khai mạc trại sáng tác Mỹ thuật Miền Trung - Tây Nguyên
>> Vẽ tranh giao lưu hữu nghị Việt - Hàn
>> Trại sáng tác mỹ thuật ba miền
Bình luận (0)