Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh

01/06/2012 10:30 GMT+7

(TNO) Nhiều thông tin bất lợi được công bố cùng lúc đã gây áp lực nặng nề lên thị trường dầu thô thế giới. Giá dầu thô tại New York (Mỹ) và London (Anh) tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 (kết thúc rạng sáng 1.6, giờ VN).

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 31.5, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 7.2012 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 86,53 USD/thùng, giảm 1,29 USD, tương đương mức giảm 1,5% so với mức chốt phiên trước đó. Đây cũng là mức chốt phiên thấp nhất kể từ 20.10.2011 tới nay.

 Nhiều thông tin xấu, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh
Thị trường dầu thô, chứng khoán đều ảm đạm trong phiên cuối tháng - Ảnh: Reuters

Với phiên giảm giá này, giá dầu thô tại NYMEX đã giảm tổng cộng 17% trong tháng 5 vừa qua, được ghi nhận là mức giảm lớn nhất trong một tháng kể từ thời điểm tháng 12.2008. Giá dầu thô tại đây hiện thấp hơn 12% so với mức giao dịch hồi đầu năm 2012.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tại London cũng cho thấy xu thế lùi nhanh về mốc 100 USD/thùng.

Chốt phiên 31.5, giá dầu loại này đạt 101,87 USD/thùng, giảm 1,6 USD, tương đương mức giảm 1,5% so với phiên trước đó. Giá dầu tại đây cũng đã giảm tới 15% trong tháng này, mức giảm tháng mạnh nhất trong hơn ba năm qua.

Theo các chuyên gia phân tích, báo cáo dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng cao trong khi khủng hoảng nợ công châu u tiếp tục đe dọa làm giảm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này là nguyên nhân chính khiến giá dầu thô giảm trong phiên cuối của tháng 5.2012.

Cùng với đó, nhiều thông tin kinh tế Mỹ không mấy khả quan được công bố càng tạo thêm áp lực giảm đối với giá dầu thô.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) (công bố tối 31.5, giờ VN), dự trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần trước (tính tới 25.5) đã tăng thêm 2,21 triệu thùng, lên thành 384,7 triệu thùng, cao hơn gấp đôi so với dự đoán tăng 1 triệu thùng trước đó (theo khảo sát của Bloomberg). Đây là tuần tăng thứ 10 liên tiếp của kho dự trữ dầu thô tại Mỹ.

Dự trữ dầu thô tại kho Cushing (Oklahoma) tăng 54.000 thùng, lên thành 46,8 triệu thùng, mức dự trữ kỷ lục. Tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu các loại tại Mỹ giảm xuống còn 18,3 triệu thùng/ngày, mức tiêu thụ thấp nhất kể từ hồi tháng 3.2012. So với một năm trước, mức tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ giảm 4,3%.

Sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu (OPEC) tăng lên mức cao nhất kể từ hồi 2008 trong tháng 5 vừa qua, đạt mức trung bình 31,595 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ đưa lại thông tin bất lợi khi Bộ Lao động nước này công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã tăng thêm 10.000 hồ sơ trong tuần trước (tính tới ngày  26.5), lên thành 373.000 trường hợp.

Hãng điều tra thị trường lao động ADP Employer Services (Mỹ) cũng đồng thời đưa ra số liệu cho thấy trong tháng 5 vừa qua, toàn nước Mỹ đã có thêm 133.000 việc làm mới. Con số này tuy cao hơn số liệu hồi tháng 4 trước đó (113.000 việc làm) nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng 150.000 việc làm mà các chuyên gia đề ra.

Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 1/2012 đạt 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng dự kiến 2,2% đưa ra trước đó.

Tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh tại Mỹ trong tháng 5 ở mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Số liệu công bố từ Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho thấy chỉ số đo tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này giảm xuống 52,7 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9.2009, thấp hơn mức 56,2 điểm hồi tháng 4.2012.

Từ châu u, các nhà đầu tư quan ngại khi nhiều khả năng Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư của khu vực eurozone, cũng sẽ phải nhận trợ giúp tài chính từ bên ngoài khi ngày càng lún sâu vào khủng hoảng nợ công.

Khủng hoảng nợ công lan rộng sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ bị cắt giảm mạnh.

Chuyên gia Chip Hodge thuuộc công ty quản lý tài sản Manulife Asset Management (Mỹ) nhận định “các số liệu công bố cho thấy kinh tế đang phát triển chậm và tình hình tại châu u có thể tiếp tục xấu đi. Lực cản đối với nền kinh tế đang rất mạnh mẽ".

* Trên thị trường chứng khoán, chỉ số thị trường S&P 500 của Mỹ giảm nhẹ 0,2% trong phiên cuối cùng của tháng, xuống chốt phiên ở mức 1.310,33 điểm. Tổng cộng trong tháng 5.2012, chỉ số này để mất 6,3% tổng số điểm, là tháng giảm mạnh nhất kể từ hồi tháng 9.2011.

Chỉ số STXE 600 chung cho toàn châu u giảm nhẹ 0,5% trong phiên cuối tháng, nâng tổng mức giảm trong tháng 5 lên con số 7%.

Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific để mất tới 10% tổng số điểm trong tháng 5 vừa qua.

Thu Hạnh

>> Giá dầu thô rơi tự do
>> Iran xây cảng dầu mới bên ngoài vịnh Persian
>> Giá dầu thô mất mốc 90 USD/thùng
>> Giá dầu thô xuống dưới 100 USD/thùng
>> Giá xăng tăng 900 đồng/lít 
>> Giá dầu thô giảm mạnh, chứng khoán tăng giảm đan xen
>> Đầu cơ “thổi” giá xăng dầu thế giới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.