Mỹ sẽ chuyển phần lớn hạm đội sang Thái Bình Dương

02/06/2012 11:47 GMT+7

(TNO) Mỹ sẽ dịch chuyển phần lớn hạm đội hải quân đến Thái Bình Dương từ nay cho đến năm 2020, như một phần trong chiến lược hướng về châu Á, theo phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Diễn đàn An ninh châu Á - TBD mang tên Đối thoại Shangri-la ở Singapore vào tối 1.6.

Quyết định triển khai thêm nhiều tàu chiến đến Thái Bình Dương cùng với việc mở rộng mạng lưới hợp tác quân sự là một phần nỗ lực có tính toán nhằm củng cố vai trò của Mỹ trong khu vực, được đánh giá là quan trọng với tương lai nước Mỹ, theo ông Panetta.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói “đến năm 2020, hải quân sẽ tái bố trí lực lượng từ tỷ lệ khoảng 50 - 50 hiện nay giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sang tỷ lệ 60 - 40 giữa hai đại dương, bao gồm sáu tàu sân bay, đa số tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến ven biển và tàu ngầm”, theo AFP.

Hải quân Mỹ hiện có hạm đội gồm 285 tàu, với khoảng một nửa được triển khai hoặc phiên chế tại khu vực Thái Bình Dương.

Mặc dù tổng quy mô hạm đội có thể giảm trong các năm tới tùy thuộc vào áp lực ngân sách nhưng các quan chức Lầu Năm Góc cho biết số tàu hải quân ở Thái Bình Dương sẽ gia tăng.

Mỹ cũng dự tính gia tăng số lượng các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương và thực hiện thêm nhiều chuyến thăm các hải cảng trong một khu vực mở rộng đến Ấn Độ Dương.

Ông Panetta đưa ra phát biểu với các quan chức quốc phòng đến từ khu vực tại Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-la do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London (Anh) tổ chức.

Bài diễn văn có vẻ như nhằm mục đích tái cam kết với các đối tác và đồng minh đang lo lắng về sự trỗi dậy cùng lập trường quả quyết hơn của Trung Quốc tại biển Đông rằng chiến lược trở lại châu Á của Mỹ sẽ được ủng hộ bằng hành động cụ thể, theo AFP.

Những khó khăn về ngân sách tại Washington sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch hướng về châu Á, ông Panetta cho biết.

Lầu Năm Góc dự tính sẽ đầu tư vào “những năng lực cần thiết để thể hiện sức mạnh và hoạt động tại châu Á - Thái Bình Dương”, bao gồm các máy bay chiến đấu có khả năng lẩn tránh radar, một loại máy bay ném bom tầm xa mới, chiến tranh điện tử và phòng thủ tên lửa, theo ông Panetta.

Tuy nhiên, dự án cần phải có thời gian bén rễ, dưới hình thức học thuyết và vũ khí mới.

Mặc dù tuyên bố Mỹ muốn đối thoại và tránh đối đầu với Trung Quốc, ông Panetta nói Mỹ chống đối mọi nỗ lực hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh các quyền chủ quyền tại biển Đông khi vạch ra những nguyên tắc cốt lõi của Mỹ tại khu vực.

Tranh chấp phải được giải quyết thông qua những quy định đã được đồng thuận giữa mọi quốc gia, dựa trên luật quốc tế và không có sự áp bức hoặc sử dụng vũ lực, theo ông Panetta.

Ông Panetta cũng nói Mỹ “đang theo dõi sát sao tình hình tại bãi cạn Scarborough ở biển Đông”, nơi Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp về quyền chủ quyền.

Sơn Duân

>> Đối thoại Shangri-La và điểm nóng biển Đông
>> Mỹ nâng tầm ảnh hưởng quân sự tại châu Á với chiến lược mới
>> Số lượng đại biểu kỷ lục tham dự Đối thoại Shangri-la 2012
>> Vì nền hòa bình, hợp tác của khu vực
>> Mỹ cân nhắc UNCLOS trước sóng gió biển Đông
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: An ninh châu Á là tương lai của nước Mỹ
>> Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ủng hộ COC
>> Tàu chiến đổ đến Tây Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.