Ngày nay, chủ đề thường thấy trong các cuộc trò chuyện giữa bạn bè, đồng nghiệp không gì khác ngoài chuyện than thở về sức khỏe. Cuộc sống căng thẳng trong xã hội đầy đua tranh đã đẩy vô số cá nhân vào vòng xoáy mệt mỏi triền miên, khi công việc và gia đình gặm nhấm hết thời gian riêng tư của từng người. Nếu người này than chỉ ngủ được vỏn vẹn 1-2 giờ đồng hồ đêm qua vì con khóc quấy, người đối diện ắt hẳn sẽ lôi chuyện mình chưa chợp mắt được đến 60 phút vì phải hoàn tất các báo cáo đến hạn. Chuyện than thở kiểu này còn xuất hiện nhiều trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, tạo nên một bầu không khí u ám về thế hệ những con người hết sức khốn khổ.
|
Trên thực tế, các chuyên gia tâm lý đã đặt tên cho tình trạng này là hội chứng tranh đua mệt mỏi (CTS). “CTS là sản phẩm của sự biến đổi các mô hình văn hóa làm việc thời hiện đại, cũng như thể hiện nhu cầu bức thiết để trội hơn các thành viên khác trong bầy”, theo bác sĩ Sachin Patkar, chuyên gia tư vấn về tâm thần thuộc Bệnh viện Masina Parsi ở Mumbai. “Nó tạo ra vô số áp lực lên các chất dẫn truyền xung động thần kinh và hệ hormone của cơ thể. Theo thời gian, CTS có thể dẫn đến các vấn đề tâm thần nghiêm trọng như bệnh trầm cảm”, bác sĩ Sachin Patkar giải thích. Ông còn đánh đồng CTS với hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS). Đây là tình trạng diễn ra do stress, làm việc nhiều giờ liên tục trong thời gian dài...
Dù xã hội đánh giá cao sự cần cù và hy sinh, việc chứng tỏ mình đuối sức không phải là cách khẳng định lành mạnh, theo báo Daily Mail dẫn lời bác sĩ Andrew Reeves của chuyên san Counselling and Psychotherapy Research (Anh). Than thở cách mấy cũng không giúp con người thoát khỏi tình trạng trên trừ phi bắt đầu ngủ đủ giấc. Ngủ là cách hồi phục tốt nhất, theo giới chuyên gia. Ngủ ít cũng giống như không sạc pin điện thoại đủ thời gian, gây ảnh hưởng đến hoạt động trong ngày kế tiếp. Sau một thời gian dài, thiếu ngủ sẽ tạo ra cơn mệt mỏi kinh niên, đẩy con người vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Số giờ ngủ trung bình cũng tùy theo người, và mỗi cá nhân cần xác định thời lượng phù hợp, thường khoảng 7 giờ/ngày là tốt nhất, theo tạp chí Time. Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ cũng hết sức quan trọng, cho phép cơ thể hồi phục cả tinh thần lẫn thể chất. Có thể bắt đầu với những thói quen trước khi ngủ như thư giãn bằng nước ấm, uống ly sữa nóng và tạo không gian ngủ êm ái, dễ chịu.
Phi Yến
>> Mất ngủ ở người lớn tuổi
>> Giảm mệt mỏi khi đi máy bay
>> Phụ nữ cần dưỡng chất gì?
>> Mệt mỏi, kẻ thù nguy hiểm của sức khỏe
Bình luận (0)