Cuộc khai quật dưới lòng đất khu vực xây nhà QH năm 2008-2009 do Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đã phát hiện 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ. Chúng phản ánh lịch sử phát triển liên tục lâu dài của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long suốt 1.300 năm. Nó cũng cho thấy đây chính là bộ phận quan trọng phía tây nam của khu trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long. Ngay từ những ngày đó, ý tưởng về một nhà trưng bày di vật khảo cổ tại tòa nhà QH đã ra đời.
Hiện, những phác thảo chính đề án trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà QH của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã được thông qua. Hai tầng hầm 1, 2 của tòa nhà QH sẽ được sử dụng với tổng diện tích trưng bày lên tới 3.700 m2. Việc trưng bày được xây dựng quanh 3 chủ đề chính: lịch sử, kiến trúc và đời sống hằng ngày của 5 giai đoạn lịch sử: thời kỳ Đại La, thời Đinh - Tiền Lê, thời Lý, thời Trần, thời Lê.
“Về di tích, dự kiến sẽ tái phục dựng trưng bày khoảng từ 9-11 di tích mang tính tiêu biểu của các thời kỳ”, TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, chủ nhiệm đề án trưng bày cho biết.
Chẳng hạn, theo đó, 2 di tích thời Đại La sẽ được tái phục dựng để trưng bày là một mặt bằng hoàn chỉnh của nền móng công trình kiến trúc gỗ, cột âm và một giếng nước xây gạch. Thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10) có thể sẽ trưng bày một di tích mộ táng nhằm tái hiện táng thức của người Việt cổ. Giếng nước thời Lê vẫn còn nước tới tận giờ cũng sẽ được tái hiện trong trưng bày, cùng với một đoạn cống nước xây bằng gạch vồ.
|
Những tái hiện này đều được thực hiện dựa trên những hiểu biết đã có khi nghiên cứu khảo cổ học tầng văn hóa nối tầng văn hóa. “Các vật liệu kiến trúc khác nhau như gạch vuông, gạch vồ, đầu ngói, đầu phượng… đã tìm thấy và nghiên cứu sẽ giúp tái hiện không gian của người xưa”, TS Trí cho biết.
TS Trí cũng cho biết dự kiến có khoảng 450 - 500 hiện vật được lựa chọn trưng bày tại đây. Vật liệu kiến trúc có. Đồ gốm sứ có. Đồ sành cũng có mặt bên cạnh đồ kim loại và di cốt động vật. Chúng phản ánh về nghệ thuật kiến trúc và đời sống sinh hoạt trong Hoàng cung Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử. “Tuy nhiên, do đây là di vật khảo cổ, phần lớn đã bị vỡ, nên muốn đáp ứng việc trưng bày thì cần phải tiến hành công tác gắn chắp, phục chế hình dáng và hoa văn hiện vật. Đây là công việc tỉ mỉ, mất rất nhiều thời gian công sức”, TS Trí nói.
Một phòng chiếu phim tư liệu dự kiến sẽ đặt cạnh lối ra vào của một tầng hầm để giới thiệu về quá trình khai quật và phát hiện các di tích, di vật dưới lòng đất của tòa nhà QH. Như thế giải pháp trưng bày sẽ đa dạng và sinh động hơn. Phòng chiếu phim được trang bị thiết bị âm thanh và ánh sáng hiện đại, có sức chứa khoảng 50 người.
Bên cạnh đó, đề án trưng bày còn thực hiện một phim tài liệu khoa học có thời lượng 10-15 phút, một cuốn catalog dày khoảng 240 trang và các loại tài liệu truyền thông khác.
“Tư liệu về lịch sử QH, các hiện vật, tư liệu phim và mô hình Hội trường Ba Đình (cũ) cũng được bố trí trong phòng truyền thống của nhà QH”, TS Trí nói, “Phòng được kết nối trong tổng thể với khu trưng bày khảo cổ ở tầng hầm. Như vậy, tòa nhà sẽ trở thành bảo tàng sống động, là hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống”.
Trinh Nguyễn
>> Khai quật khảo cổ vùng thung lũng sông Tang
>> Angelina Jolie vào vai nhà khảo cổ
>> Mở rộng khai quật khảo cổ vùng thung lũng sông Tang
>> Nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh qua đời
Bình luận (0)