AFP dẫn truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết, tàu Thần Châu 9 đã đáp xuống vùng thảo nguyên xa xôi ở khu tự trị Nội Mông thuộc miền bắc Trung Quốc, nơi cũng từng đón sự trở về của các con tàu Thần Châu trước đó, vào lúc 10 giờ sáng nay (giờ địa phương, tức 9 giờ cùng ngày theo giờ VN).
Cũng theo AFP, sau khi tàu Thần Châu 9 từ từ đáp xuống Trái đất bằng dù thì lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã ngay lập tức tiếp cận, tuy nhiên tình trạng của ba phi hành gia hiện chưa được thông báo.
|
Như vậy, sau gần hai tuần chu du trong không gian, tàu Thần Châu 9 đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình một cách trọn vẹn.
Trước đó, tàu Thần Châu 9 đã được Trung Quốc phóng vào không gian hôm 16.6, từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (ở vùng sa mạc Gobi thuộc tây bắc Trung Quốc), trong sứ mệnh lịch sử của nước này là lần đầu tiên đưa một nữ phi hành gia bay vào quỹ đạo.
Ba phi hành gia của tàu gồm Cảnh Hải Bằng, Lưu Vượng và nữ phi hành gia Lưu Dương đã bay đến thực hiện hai cuộc kết nối bằng chế độ tự động và chế độ điều khiển bằng tay với mô-đun Thiên Cung 1 để kiểm tra công nghệ lắp ghép trong vũ trụ và đã đạt được những thành công quan trọng.
Vào 5 giờ sáng qua 28.6, tàu Thần Châu 9 đã tách khỏi Thiên Cung 1 thành công cũng bằng thao tác điều khiển bằng tay của phi hành gia Lưu Vượng cùng với sự hỗ trợ của hai phi hành gia còn lại, bắt đầu cho chuyến trở về kéo dài hơn một ngày.
Những thành công trên đã chứng tỏ Trung Quốc hoàn toàn nắm được công nghệ lắp ghép trên quỹ đạo để có thể thực hiện những chuyến bay vận chuyển người và hàng hóa trong không gian. Đồng thời biến tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ riêng cho mình vào năm 2020 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Trong khi đó, Thiên Cung 1 sẽ trở lại quỹ đạo cũ của nó để chờ đợi cho việc kết nối với một tàu vũ trụ khác. Theo Tân Hoa xã thì mô-đun thí nghiệm này được thiết kế cho hai năm hoạt động trên quỹ đạo với khả năng sáu lần kết nối với tàu vũ trụ. Hiện Thiên Cung 1 đã bay trên quỹ đạo 272 ngày và thực hiện được bốn lần kết nối với hai tàu Thần Châu 8 và Thần Châu 9.
|
Được biết, Thiên Cung 1 được đất nước đông dân nhất hành tinh phóng vào vũ trụ hồi tháng 9.2011. Sau đó, nước này còn phóng tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 lên thực hiện sứ mệnh lịch sử là lần đầu tiên kết nối với Thiên Cung 1 trên quỹ đạo vào đầu tháng 11.2011.
Như vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến to lớn.
Năm 2003, đất nước đông dân nhất hành tinh đã ghi tên vào danh sách những quốc gia có khả năng tự đưa người vào không gian (cùng với Nga, Mỹ) bằng tàu Thần Châu 5 với một phi hành gia.
Hai năm sau, Trung Quốc nâng số lượng phi hành gia theo tàu Thần Châu 6 lên hai người. Năm 2008 đánh dấu một bước tiến của ngành công nghệ vũ trụ Trung Quốc bằng việc phóng tàu Thần Châu 7 mang theo ba phi hành gia.
Với chuyến bay này, Trung Quốc trở thành một trong ba nước (cùng với Mỹ, Nga) có khả năng tự đưa người vào vũ trụ và thực hiện việc đi bộ ngoài khoảng không vũ trụ.
Ngoài ra, trong hai năm 2007 và 2010, Trung Quốc cũng hai lần phóng tàu thăm dò Chang'e (Hằng Nga) đến quỹ đạo Mặt trăng để chuẩn bị cho việc đưa tàu đáp xuống bề mặt chị Hằng vào năm 2013 và tiếp theo là đưa người đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất vào năm 2017.
Tiến Dũng
>> Tàu Thần Châu 9 tách khỏi Thiên Cung 1
>> Phi thuyền Trung Quốc lắp ghép thành công với Thiên Cung 1
>> Tàu Thần Châu 9 bay vào quỹ đạo
>> Trung Quốc sắp phóng tàu Thần Châu 9
>> Trung Quốc phấn khích với hai nữ phi hành gia đầu tiên
>> Trung Quốc ấn định ngày phóng tàu Thần Châu 9
>> Trung Quốc sắp phóng phi thuyền có người lái
>> Trung Quốc bắt đầu xây trạm vũ trụ
>> Trung Quốc sẽ phóng 30 vệ tinh trong năm 2012
>> Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu thăm dò Mặt trăng
>> Tàu Thần Châu 7 hoàn thành sứ mệnh
>> Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên trong năm nay
Bình luận (0)