Việc Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam khiến giới chuyên gia quốc tế vô cùng quan tâm. Nhận định với Thanh Niên, chuyên gia Tetsuo Kotani, thuộc Học viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, cho rằng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành động ngang ngược như trên.
Theo đó, Trung Quốc từng đồng ý với Nhật Bản về việc hợp tác khai thác chung trên vùng biển Hoa Đông nhưng rồi Bắc Kinh vẫn đơn phương khai thác và triển khai tàu chiến. Ông Kotani khẳng định việc CNOOC mời thầu 9 lô dầu khí trên là thông điệp cho thấy Trung Quốc không quan tâm đến cơ sở hợp tác, giải quyết công bằng.
|
Cũng liên quan đến diễn biến này, tờ The Diplomat vừa đăng bài phân tích của ông Taylor Fravel, Phó giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị và là thành viên Chương trình nghiên cứu an ninh của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Phó giáo sư này khẳng định 9 lô dầu mà CNOOC mời thầu đều nằm trong EEZ của Việt Nam nên Trung Quốc thừa hiểu khó có đối tác quốc tế nào muốn tham gia. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn hành động như thế nhằm tìm cách tăng quyền tài phán đối với biển Đông.
|
Trước đây, Trung Quốc chỉ tìm cách cản trở Việt Nam khai thác hợp pháp nguồn lợi trên biển Đông. Điển hình như việc tàu Trung Quốc cắt cáp, đe dọa các tàu thăm dò của phía Việt Nam. Khi ấy, những động thái trên của Bắc Kinh chỉ nhằm thể hiện sự có mặt trên biển Đông. Giờ đây, Trung Quốc đang muốn tiến thêm một bước để tăng quyền tài phán và tạo sự mập mờ về pháp lý trong các tranh chấp với Việt Nam. Dễ hiểu hơn, lâu nay Trung Quốc chỉ can thiệp một cách không chính thức thì nay họ bất chấp luật pháp quốc tế để chính thức can thiệp, ngăn không cho Việt Nam khai thác dầu ở khu vực này.
Việc công bố mời thầu 9 lô dầu khí thuộc vùng EEZ của Việt Nam còn là cách mà Trung Quốc dùng để đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền bản đồ đường lưỡi bò (9 đoạn) trên biển Đông. Thông qua đó, Trung Quốc cũng có thể cản trở các dự án mà Việt Nam đang xúc tiến.
Ngoài ra, ông Fravel còn nhận định Bắc Kinh tiến hành động thái trên ngay trước thềm cuộc họp thường niên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 12.7, là có ý đồ. Theo đó, Trung Quốc muốn đẩy tranh chấp lên cao trào căng thẳng song phương nhằm vô hiệu hóa những ý định bàn thảo vấn đề trên trong hội nghị ARF. Bằng cách này, Trung Quốc có thể né tránh thảo luận đa phương để áp đặt đàm phán song phương nhằm tăng cường cơ sở pháp lý trong tranh chấp. Đây là điều mà Bắc Kinh luôn theo đuổi từ bấy lâu nay. Khi không thảo luận đa phương thì Trung Quốc có thể hạn chế sức ép từ cộng đồng quốc tế về việc nước này vi phạm luật pháp và quy tắc quốc tế.
Hải quân Trung Quốc tham gia leo thang
Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên thành lập TP.Tam Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 28.6, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Nhạn Cảnh Sinh tuyên bố nước này đang xem xét thiết lập trung tâm chỉ huy quân sự cho TP.Tam Sa và tiến hành tuần tra hải quân ở vùng tranh chấp trên biển Đông. Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn chuyên gia Swee Lean Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), nhằm phân tích rõ hơn động thái trên. Ông nghĩ thế nào về việc Trung Quốc tiến hành tuần tra hải quân khu vực các đảo tranh chấp trên biển Đông và thiết lập bộ chỉ huy quân sự TP.Tam Sa? Nước này sẽ có những động thái gì tiếp theo? Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường triển khai lực lượng tuần tra dân sự, bán quân sự như tàu hải giám, ngư chính trên biển Đông. Bắc Kinh đang làm tương tự trên vùng biển Hoa Đông chứ không riêng gì biển Đông. Đây có thể là cách Trung Quốc tiếp tục theo đuổi trong tương lai để tránh bị mang tiếng khi căng thẳng leo thang trong các vùng tranh chấp. Thế nhưng Trung Quốc thiết lập bộ chỉ huy quân sự TP.Tam Sa cũng như tổ chức tuần tra hải quân nhằm dự phòng cho mọi trường hợp căng thẳng leo thang. Tất nhiên, Bắc Kinh trong thời gian tới vẫn sẽ tập trung sử dụng các lực lượng bán quân sự, dân sự để tuần tra biển Đông. Trước các diễn biến đó, Việt Nam cần thiết đưa ra tuyên bố ngoại giao mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc không làm tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Thứ hai, Việt Nam có thể kiềm chế triển khai tàu chiến đến biển Đông nhưng cần phát huy tối đa, càng nhiều càng tốt, lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền. Nhấn mạnh biện pháp ngoại giao nhưng phải được hỗ trợ bằng việc sử dụng lực lượng dân sự để tuần tra trên biển Đông. Cách thức này công khai giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không bị xem là một phản ứng mang tính quân sự. Điều này phù hợp với chính sách lâu dài của Việt Nam cũng như luật quốc tế. Thực tế, Trung Quốc vẫn luôn bỏ qua những nguyên tắc quốc tế. Vì thế, ông nghĩ rằng đâu là cách để giải quyết tình trạng này? Rõ ràng, các sự kiện gần đây cho thấy Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), được ký hồi năm 2002, phát huy hiệu quả rất hạn chế. DOC chẳng đủ sức bảo đảm việc đối đầu quân sự không xảy ra trên biển Đông. Vì thế, Việt Nam cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy soạn thảo và thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Ngoài ra, Việt Nam từng ủng hộ ý tưởng hình thành Khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (ZoPFF/C) do Philippines đề xuất (khu vực ZoPFF/C bao gồm những vùng mà các bên đang tranh chấp trên biển Đông để phân định đâu là khu vực tranh chấp và đâu là khu vực không tranh chấp - NV). Việt Nam nên tăng cường thúc đẩy sáng kiến này được thông qua, trở thành cơ sở chung cho các bên tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, như tôi đã nói, Việt Nam trước mắt nên tăng cường đấu tranh ngoại giao kết hợp tuần tra biển bằng lực lượng dân sự. Ngô Minh Trí |
Ngô Minh Trí
>> Cần kíp cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông
>> Bão số 3 gây gió giật cấp 11 ở bắc biển Đông
>> Trung Quốc tổ chức tuần tra hải quân trên biển Đông
>> Bão Chim Ưng vào đông bắc biển Đông
>> Sáng mai, bão Chim Ưng đổ bộ vào biển Đông
>> Đội tàu hải giám Trung Quốc trên biển Đông
>> Trung Quốc đưa đội tàu tuần tra xuống biển Đông
Bình luận (0)