(TNO) Để lập lại trật tự thị trường, hạn chế tình trạng bán phá giá, vừa qua, liên tiếp các hiệp hội lương thực, thủy sản đều đưa ra kiến nghị giảm đầu mối doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, kiến nghị này cũng gặp nhiều phản ứng, thậm chí là lo ngại từ phía doanh nghiệp. Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề này.
|
* Xin bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về kiến nghị của các hiệp hội liên quan đến việc giảm đầu mối doanh nghiệp xuất khẩu?
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta như gạo, thủy sản trong những năm qua tăng đáng kể về khối lượng và giá trị. Đó là sự nỗ lực và thành quả của người sản xuất, doanh nghiệp và hiệp hội. Việt Nam đã trở thành nước đứng hàng đầu về xuất khẩu những mặt hàng này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tình trạng cần sớm khắc phục. Đó là có quá nhiều doanh nghiệp tham gia tiêu thụ một loại sản phẩm nhưng thiếu sự điều hành, phối hợp đồng bộ.
Thậm chí, do lợi ích cục bộ của đơn vị này, đơn vị kia mà dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá xuất khẩu làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác và thị trường sản xuất trong nước. Tình trạng hạ giá đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hàng nông sản Việt Nam không đảm bảo chất lượng sản phẩm, uy tín hàng hóa kém.
Cho nên, tôi cho rằng các kiến nghị của hiệp hội lương thực, thủy sản là có cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta cần phải khắc phục tình trạng quay trở lại cơ chế hành chính. Thêm tầng nấc trung gian trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn.
|
* Kiến nghị này có phù hợp với quy định quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới hay không?
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi cho rằng phù hợp với thông lệ quốc tế bởi quy định quốc tế không hạn chế vai trò cũng như sự tham gia của các hiệp hội. Hiệp hội chính là đại diện cho các hội viên. Tuy nhiên, hiệp hội không làm thay cho cơ quan Nhà nước cũng như không làm thay cho các doanh nghiệp.
* Nhưng, thưa bộ trưởng, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định doanh nghiệp nào đủ điều kiện về kho bãi, nhà máy xay xát… thì được quyền xuất khẩu gạo. Nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam lại kiến nghị giảm đầu mối xuất khẩu. Điều này liệu có đang làm khó doanh nghiệp?
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đầu tiên, phải thực hiện theo tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo theo Nghị định 109. Tức là anh phải có năng lực về kho bãi, tài chính và tiêu thụ sản phẩm… thì mới được xuất khẩu. Có được những doanh nghiệp như thế này thì hàng hóa nông sản của Việt Nam mới giữ được chất lượng, chữ tín đối với bên ngoài.
Hiện cả nước có tới 153 doanh nghiệp trong nước và 4 doanh nghiệp nước ngoài được Bộ Công thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, số doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ nên ở mức 100 để ổn định thị trường. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng kiến nghị giảm từ mức 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như hiện nay xuống còn 65 doanh nghiệp. 65 doanh nghiệp này là các doanh nghiệp có nhà máy chế biến và đang chiếm gần 80% sản lượng cá tra xuất khẩu. |
Trung Hiếu
(thực hiện)
>> Số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
>> Doanh nghiệp xuất khẩu suy yếu
>> Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kiến nghị về lệ phí
>> Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro về thanh toán
>> Bí đầu ra, doanh nghiệp gạo có nguy cơ lỗ nặng
>> Sẽ không chủ động mua gạo tạm trữ
Bình luận (0)