Ngân hàng lại lách trần lãi suất

28/07/2012 03:20 GMT+7

Tận dụng tối đa những kẽ hở của chính sách, các ngân hàng NH thương mại bằng nhiều chiêu trò lại lách trần, bẻ cong kỳ hạn huy động để vượt trần LS.

>> Phải thực giảm lãi suất cho vay mới cứu được doanh nghiệp
>> Lãi suất sẽ “ổn định” ở... mức cao ?
>> Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa? - Kỳ 2: Xử lý các ngân hàng không chịu chia sẻ

Gửi ngắn hạn, lãi dài hạn

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ đầu năm đến hết tháng 6.2012 chưa đầy 1%, nghĩa là hệ thống NH đang dư thừa tiền. Tuy nhiên, tình trạng tiền thừa lại chỉ rơi vào một số NH nằm trong nhóm G14 (14 NH chiếm 90% thị phần toàn hệ thống), còn các NH nhỏ vẫn đói vốn.

lách trần  
Chiêu lách trần của các ngân hàng là bẻ cong kỳ hạn - Ảnh: Ngọc Thằng

Nguyên nhân sâu xa của nó bắt nguồn từ việc NHNN áp trần LS huy động 9%/năm, tiến tới thành lập câu lạc bộ G14. Uy tín lớn của nhóm này đã khiến cho những thành viên còn lại rơi vào thế yếu, không đủ sức cạnh tranh khi khách hàng muốn lựa chọn địa chỉ an toàn để gửi tiền. Cơn khát thanh khoản của các NH này càng trở nên ngột ngạt hơn khi NHNN tiếp tục xây đập chắn trên thị trường 2 (thị trường liên NH), không cho các NH gửi tiền lẫn nhau mà chỉ được phép vay mượn. Muốn vay thì phải có uy tín, tài sản thế chấp nhưng tài sản thì không, uy tín thì suy giảm nên vay không dễ. Đói vốn và không còn kênh nào để huy động, các NH này đành phải liều mạng tìm mọi cách trả thêm LS để “dụ” khách hàng.

 

Các ngân hàng đã lợi dụng chính sách để lách một cách hợp pháp khiến NHNN khó mà kiểm soát được

Ông Cao Sĩ Kiêm

 Chiêu mà các NH dùng để "lách" trần là bẻ cong kỳ hạn. Cụ thể, làm hợp đồng kỳ hạn dài, trả LS kỳ hạn dài lên tới 11 - 12% (lợi dụng cơ chế LS thuận cho kỳ hạn trên 12 tháng) nhưng thực tế là gửi kỳ hạn ngắn. Tại một NH cổ phần cỡ nhỏ trên phố Hai Bà Trưng, trong vai khách hàng với khoản tiền gửi chỉ vài trăm triệu đồng, chúng tôi không quá khó để tiếp cận được với các nhân viên ở đây. “Nếu anh có khoản tiền trên 300 triệu đồng muốn gửi kỳ hạn ngắn, LS trên 9%/năm chúng em vẫn có thể nói chuyện riêng với anh”, cô giao dịch viên tại chi nhánh NH cổ phần ở phố Hai Bà Trưng nhanh nhảu nói. Cô giải thích thêm rằng khách hàng muốn có nhu cầu gửi tiền kỳ hạn ngắn 3 tháng, NH sẽ làm hợp đồng kỳ hạn dài trên 12 tháng với LS thỏa thuận 12%/năm. Đúng 3 tháng sau khi đáo hạn, NH sẽ trả 9%/năm theo quy định của NHNN, còn 3% chi thêm trực tiếp bằng tiền mặt cho khách hàng.

Nguy cơ chạy đua lãi suất

Tổng giám đốc một NH thuộc nhóm G14 cho rằng kể từ khi áp trần huy động LS 9%/năm, dòng tiền gửi tại các NH đang có xu hướng  sụt giảm và có sự dịch chuyển sang một số NH nằm ngoài câu lạc bộ của mình. Ông ám chỉ đang có hiện tượng không ít NH lợi dụng cơ chế thỏa thuận LS để chạy đua huy động. Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm tỏ ra không ngạc nhiên với hiện tượng lách trần thông qua bẻ cơ cấu kỳ hạn của các NH. Bởi theo ông, không khó để các NH thực hiện khi chính cơ chế cho phép NH thương mại được thỏa thuận với khách hàng. Với cách này, trên hệ thống NH vẫn hạch toán kỳ hạn trên 12 tháng, tức trung - dài hạn với LS thỏa thuận, nhưng thực tế hầu hết các nguồn vốn vẫn là ngắn hạn. “Như vậy các NH đã lợi dụng chính sách để lách một cách hợp pháp khiến NHNN khó mà kiểm soát được. Nó sẽ làm méo mó bản cân đối tài sản cũng như phản ánh không đúng cơ cấu vốn huy động thị trường 1 của hệ thống NH”, ông nói.

 Cũng theo một chuyên gia tài chính, bản chất của thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) chỉ để đảm bảo thanh khoản cho các NH, không phải là nơi dùng để sử dụng cho vốn tín dụng. Nhưng quy định tại Thông tư 13 của NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn, cho phép các NH thương mại sử dụng cả vốn từ thị trường 2 vào nguồn vốn huy động khiến NH nhỏ không lo huy động trên thị trường dân cư, tổ chức, không lo mở rộng chi nhánh, tìm kiếm khách hàng mà lại phụ thuộc quá nhiều từ thị trường 2. Nên khi nguồn này bị đóng lại, họ càng khốn đốn hơn. “Sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn vô cùng nguy hiểm vì tính bất ổn của nó. Ngoài ra, khi các NH không còn tin nhau, vay mượn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp khiến nguồn vốn trên thị trường 2 ứ đọng. Vốn thừa tại NH lớn, nhưng lại thiếu tại NH nhỏ. Vì vậy, LS liên NH có lúc rẻ hơn LS huy động trên thị trường nhưng NH nhỏ vẫn không vay được nên phải lao ra thị trường này để lách trần”, chuyên gia này nói.

 Để xảy ra tình trạng trên, cũng theo chuyên gia này, là do NHNN thiếu sự tính toán, cân nhắc thận trọng trước khi ban hành chính sách. Lẽ ra trước khi ban hành trần LS huy động, hay siết lại kỷ luật trên thị trường 2, cần phải hỗ trợ các NH đang thiếu thanh khoản để tạo sự ổn định. Nhưng NHNN không làm như vậy, khiến chính sách vừa không phát huy được hiệu quả, lại càng đẩy số NH nhỏ, dù chỉ chiếm 10% thị phần đang khó khăn phải bóp méo cơ chế, lách trần LS. “Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, giám sát thường xuyên thì rất dễ dẫn tới việc các NH lớn vì sợ mất khách, mất thị phần lại lao theo cuộc đua LS gây rối loạn cả thị trường” - ông nói

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.