Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 12: Những đóa hồng bất tử

05/08/2012 03:05 GMT+7

Hôm nay (5.8) gọi là ngày “mở cửa mả” siêu độ tro tàn của đạo diễn Lê Hoàng Hoa và loạt bài này cũng xin khép lại tại đây...

Mấy lời thưa trước

Như đã nói từ đầu, loạt bài này dựa vào bút ký Những tháng ngày làm phim do đạo diễn Lê Hoàng Hoa viết, chưa xuất bản và được đăng một phần trên tạp chí Kịch Ảnh ở Mỹ năm 2002 - 2003. Nhằm giới thiệu một số nét chính về hoạt động nghề nghiệp và đời sống của một trong những đạo diễn nổi tiếng ở Sài Gòn một thuở nên chúng tôi mạn phép trích dẫn bút ký trên là chính, công việc còn lại của chúng tôi chỉ như người thư ký sắp xếp văn bản sao cho bạn đọc dễ theo dõi. Dẫu đã hết sức cố gắng thể hiện hai vế “điện ảnh và tình yêu” tồn tại song song trên những chặng đường hoạt động nghệ thuật của Lê Hoàng Hoa, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót so với chuyện thực ngoài đời của ông.

Vì thế kỳ cuối này chúng tôi muốn nhắc thêm một số nhân vật khác được ông nêu qua bút ký, hoặc nói ra trong các buổi gặp gỡ. Ông kể: “Hồi làm phim trước năm 1975, Ban giám đốc Liên Ảnh Công ty có đến tiếp xúc với Bộ Tổng tham mưu và với ông Nguyễn Cao Kỳ - Tư lệnh lực lượng Không quân Sài Gòn - để họ đáp ứng phương tiện làm phim như “mượn đỡ” 25 máy bay trực thăng, 6 chiến đấu cơ, 2 máy bay do thám L19, 20 chiếc xe tăng, 20 chiếc GMC, 6 xe jeep và 2 xe cứu thương...  Nghe yêu cầu yểm trợ như trên, nhiều người trong họ do dự, nhất là khi được biết thêm hãng phim nhờ điều động 6.000 binh lính nữa để làm diễn viên phụ. Riêng ông Nguyễn Cao Kỳ vui vẻ, còn cấp cho tôi một thẻ cá nhân đặc biệt để ra vào Bộ Tư lệnh Không quân mà làm phim cho thật hay”...

Từ chuyện ấy cộng với những điều được biết sau đó, Lê Hoàng Hoa nhận xét: “Ông Nguyễn Cao Kỳ có tâm hồn nghệ sĩ nhiều hơn là tính cách cứng rắn của một ông tướng hoặc thủ đoạn của một nhà chính trị, vì thế nên nghĩ đến ông ấy ở góc độ đó thì đúng hơn...”. Bút ký nhắc đến đại tá Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh quân nhảy dù Sài Gòn - người đã cầm quân tấn công dinh Độc Lập của ông Diệm - Nhu năm xưa và là người đã dạy võ cho Lê Hoàng Hoa thời nhỏ, lúc ông Thi còn mang lon trung úy. Nhưng viết đến nhiều hơn qua bút ký dĩ nhiên là  về những đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, ca sĩ Sài Gòn, đôi khi bất chợt nhớ ai đó vì nghe một bài hát, hoặc đứng trước một không gian còn xanh kỷ niệm...

 Lê Hoàng Hoa và vợ Trúc Quỳnh tại Warsaw (Ba Lan) - Ảnh: gia đình cung cấp
Lê Hoàng Hoa và vợ Trúc Quỳnh tại Warsaw (Ba Lan) - Ảnh: gia đình cung cấp

“Ga Lyon đèn vàng - cầm tay em muốn khóc”

Như một lần vào vũ trường Tulip Noir ở Đà Lạt nghe ca sĩ cầm micro hát trong làn gió lạnh: “Lên xe tiễn em đi - Chưa bao giờ buồn thế - Trời mùa đông Paris - Suốt đời làm chia ly”, ông chợt muốn nghe lại tiếng hát của ca sĩ Lệ Thanh từng làm “tâm hồn tôi xao xuyến và nhớ đến những năm tháng thời phòng trà Anh Vũ còn hưng thịnh của Sài Gòn by night”. Người ngồi cạnh ông hỏi: “Anh Hoa, ga Lyon có buồn như ga Đà Lạt không?”.

Ông đáp buồn hơn nhiều, ở ga Đà Lạt có những hàng lệ liễu rưng rưng với hoa màu đỏ như “nước mắt hồng” tạo nét buồn hiu hắt, nhưng vẫn không buồn bằng ga Lyon những hôm đầy tuyết phủ. “Nếu không một lần đưa tiễn người yêu ở ga Lyon trong mùa đông lạnh giá thì không thể nào hình dung được nỗi buồn thấm thía trong những câu thơ Cung Trầm Tưởng và điệu nhạc Phạm Duy”.

Về Sài Gòn, qua đường Cao Thắng, ông nhớ Phạm Mạnh Cương - nhạc sĩ của “thu ca” Việt Nam - cùng vợ là bà Như Hảo, đã thân thiết dọn cho ông những món ăn Huế gợi niềm hoài cảm. Hoặc một đêm tình cờ ông và người yêu trong vòng tay nhau với điệu nhạc Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, bản đó cùng Mấy dặm sơn khê là hai bản bị cấm phổ biến dưới thời Ngô Đình Diệm. Lê Hoàng Hoa đã chiếu lên tường nhà, cho chúng tôi xem một số đoạn phim khá bay bướm do ông tự quay phim ghi lại cảnh đẹp trong “biệt thự nghệ sĩ” (chữ ông dùng) của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trên Đà Lạt.

Có người đẹp khác ông đã viết đến trong bút ký mà chúng tôi cũng muốn trích kể như Hồng Hạnh, Paulette, Mộng Lan, Kim Hoàng, Tiểu Phụng, Tố Trinh và Kiều... Nhưng cuối bài này, chúng tôi muốn nhắc thêm về Hà Tú Anh - cô diễn viên 19 tuổi nổi danh của điện ảnh Đài Bắc - đã đón Lê Hoàng Hoa lần thứ hai (sau ngày ông lấy vợ được vài tháng).

Lần đó, dưới ánh sáng của hai chiếc đèn lồng, của những ngọn hoa đăng, ông đã thấy “một giọt nước mắt rơi xuống trên gương mặt xinh đẹp của Tú Anh - tôi thật khổ sở và không biết mình phải làm gì cho đúng”. Tối đến “trong vòng tay của nhau qua những điệu nhạc êm dịu, Hà Tú Anh đã không một lần hỏi tôi tại sao không thư từ cho nàng... có còn thương nhớ nàng không... mà chỉ hỏi vợ tôi có đẹp không, trẻ không”. Khi tiễn ông ra phi trường Đài Bắc về lại Sài Gòn, đợi đến phút chót trước lúc chia tay, Hà Tú Anh mới đưa tặng ông một chiếc hộp nhỏ bằng gấm rồi quay đi lặng lẽ. Ngồi trên máy bay, Lê Hoàng Hoa mở ra xem - thấy món quà của Hà Tú Anh là một cái ly pha lê nhỏ trong suốt, có gắn 9 bông hồng nhỏ bằng đầu đũa, với một dòng chữ kèm theo: “Mối tình em dành cho anh cũng bất tử như những đóa hoa này”...  

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 11: Những ngày phôi thai
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 10: Câu thơ trên mộ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 9: Đến với Đại hội Điện ảnh Á Châu
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 8: Hai điều “đầu tiên” ấn tượng
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 7: Đạo diễn đào hoa
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.