Để khỏi thất nghiệp

08/08/2012 03:00 GMT+7

Không được ở không và chủ động dự phòng chỗ làm mới ngay cả khi bạn đang ở trong điều kiện thuận lợi và doanh nghiệp đang ăn nên làm ra. Đó là lời khuyên của các chuyên gia để người lao động tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Mất việc làm tiếp tục tăng

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29% (khoảng 1,2 triệu người).

Nhiều chuyên gia về lao động cho rằng, số doanh nghiệp giải thể hoặc đình đốn sản xuất gia tăng, nhất là những doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản, chế biến, gia công... khiến tình trạng mất việc làm tiếp tục tăng.

Ngày 2.8, chúng tôi nhận thấy có khá đông người lao động đến làm thủ tục tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM. 11 giờ, anh V.N (24 tuổi, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa) còn hí hoáy ghi vào tờ đơn đăng ký thất nghiệp. N. kể, liên tiếp trong hai năm nay, do công việc bấp bênh nên anh đã trải qua hai đợt làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Gần đây, anh là nhân viên bảo vệ kho vận cho một trung tâm điện máy lớn trên địa bàn Q.Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi tháng chỉ có 1 ngày nghỉ, nhưng tổng thu nhập của anh gói gọn 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống. Sắp tới, N. định chuyển sang làm thợ hàn cho phù hợp với ngành học của mình. “Mặt bằng lương còn quá thấp nên buộc chúng tôi cứ phải nhảy việc. Làm nghề hàn vất vả, độc hại mà cũng chỉ ở mức 120.000 đồng - 150.000 đồng/ngày”,  N. bộc bạch.

Chị Kim Phụng, nhân viên Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM, nhận xét: “Hiện nay, người lao động khó tìm việc phù hợp với chuyên ngành đã học hoặc với mức lương như mong muốn. Bên cạnh đó, có những người mặc dù sở hữu nhiều kinh nghiệm, rất giỏi nghề nhưng cũng khó tìm việc theo đúng nhu cầu...”. Được biết, số lượng đăng ký tuyển dụng tại cả 5 cơ sở của trung tâm này đã giảm hơn 30% so với trước đây.

 Bạn trẻ tìm việc tại một ngày hội việc làm diễn ra ở TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

 Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Bạn trẻ tìm việc tại một ngày hội việc làm diễn ra ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Không lệ thuộc

Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các địa phương phải tổ chức thực hiện chi trả đúng thời hạn đối với các chế độ về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… Bên cạnh chính sách tạo điều kiện học nghề và tìm kiếm việc làm trong lẫn ngoài nước, người lao động bị mất việc làm còn được xét vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm khuyến khích họ tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động.

Không hoàn toàn trông đợi vào các giải pháp từ bên ngoài, có những người chủ động tự tìm cách khắc phục khó khăn và thích nghi hoàn cảnh. Mặc dù bị nhiều trung tâm giới thiệu việc làm “điểm danh” thuộc những ngành nghề khó kiếm việc ở giai đoạn hiện nay (kế toán, hóa, xuất nhập khẩu, xây dựng…), anh Đặng Hữu Phước (28 tuổi), tốt nghiệp bậc CĐ chuyên ngành xây dựng - mới đây vẫn tìm được chỗ làm khá ngon lành ở một công ty có 100% vốn của Nhật. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Phước nói: “Hãy siêng đăng ký, ghé thăm những đầu mối chuyên cung ứng việc làm trên internet và ngoài đời. Mặt khác, chúng ta cũng nên linh động điều chỉnh đôi chút “điểm chuẩn” của mình cho phù hợp hoàn cảnh thực tế”.

Phước giải thích, thay vì đòi hỏi thu nhập phải 10 triệu đồng/tháng mới xứng với công sức bỏ ra (nhiều khi làm cả ban đêm), anh chấp nhận mức 8 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ làm, Phước vẫn kiên trì theo đuổi chương trình liên thông lên ĐH, nhằm chuẩn bị cho những chỗ làm tốt hơn trong tương lai.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có số người đăng ký thất nghiệp cao nhất

Theo ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), trong 6 tháng đầu năm cả nước có 203.183 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 64.880 người so với cùng kỳ năm 2011). Riêng quý 1/2012, số người đăng ký thất nghiệp là 116.620 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số người thất nghiệp tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn, có những khu công nghiệp, khu chế xuất. 3 địa phương đứng đầu cả nước về số người đăng ký thất nghiệp là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai - chiếm 60% tổng số người đăng ký trong cả nước.

Như Lịch

Người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề

Theo chính sách trợ cấp BHTN, hỗ trợ học nghề và tìm việc làm là một trong những giải pháp nhằm đưa người lao động sớm trở lại thị trường lao động sau khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng. Tất cả những người có đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, có nhu cầu học nghề  có thể liên hệ tại trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB-XH) và được tạo điều kiện ở mức cao nhất. Hiện mức hỗ trợ học nghề là 300.000 đồng/tháng. Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 127 về BHTN trong đó có đề nghị tăng tiền hỗ trợ học nghề cho NLĐ.

Thu Hằng

Ý kiến

Tự quảng bá giá trị bản thân

Thời nào cũng vậy, những người làm được việc thường hay được trọng dụng. Bởi, điều doanh nghiệp kỳ vọng khi tuyển dụng là ứng viên mang lại giá trị nào đó cho họ. Vì vậy, muốn trụ lại và tìm được vị trí phù hợp, bạn phải chứng tỏ năng lực, miễn sao mang lại lợi ích cho doanh nghiệp ngay trong cả giai đoạn khó khăn.

Cái yếu nhất ở nhiều người lao động là khả năng chủ động tự quảng bá giá trị thực của bản thân. Kênh thông tin của họ hơi bị hẹp, nên nếu không xin được việc làm chỗ này thì họ không biết xoay xở ở những chỗ khác. Trong khi đó, nếu có mối quan hệ đủ rộng và nhận biết giá trị bản thân, chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, dễ dàng tìm việc làm hơn. Cần lưu ý rằng, phải chủ động dự phòng chỗ làm mới ngay cả khi bạn đang ở trong điều kiện thuận lợi và doanh nghiệp đang ăn nên làm ra.

Nguyễn Quang Ngọc
Giám đốc điều hành Công ty Cơn bão triệu phú

Đừng chấp nhận ở không

Có nhiều lý do dẫn đến thất nghiệp, như: học nghề không phù hợp; thiếu kỹ năng, kinh nghiệm; công ty bị giải thể… Không chỉ những nhân viên bình thường, ngay cả một bộ phận quản lý cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tôi nhận thấy, đa số bạn trẻ thường có thói quen tìm việc thông qua sự quen biết, dẫn dắt của người khác mà thiếu sự chủ động lùng kiếm của chính mình. Nếu không tìm được việc phù hợp trong thời điểm khó khăn, bạn có thể chấp nhận cả những việc trái nghề. Bởi vì, chỉ có làm việc, chúng ta mới có điều kiện rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm. Còn nếu ở không, bạn rất dễ bị mài mòn kiến thức, kỹ năng, tâm lý nặng nề, chịu nhiều áp lực…

Trần Anh Tuấn
Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM

Nhiều công việc đang đợi

Nếu như bạn trẻ đang gặp khó khăn chưa tìm được công việc thích hợp có thể đến sàn giao dịch việc làm mở cửa vào ngày thứ năm hằng tuần tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội - số 285 Trung Kính, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy. Tại đây, có nhiều công việc đang chờ đợi. Bên cạnh đó, Phòng Tư vấn quan hệ lao động còn tổ chức các buổi bồi dưỡng miễn phí kỹ năng phỏng vấn, xin việc cho người lao động.

Vũ Trung Chính
Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội

Như Lịch - Thu Hằng

>> Lao động không nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp
>> Quá tải đăng ký trợ cấp thất nghiệp
>> Thêm một điểm tiếp nhận đăng ký trợ cấp thất nghiệp
>> Người thất nghiệp thờ ơ học nghề
>> Báo động tỷ lệ thất nghiệp ở eurozone
>> “Đại gia” cũng nhận trợ cấp thất nghiệp
>> Lỗ hổng từ thất nghiệp “ảo”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.