Người thất nghiệp thờ ơ học nghề

30/06/2012 11:23 GMT+7

Từ năm 2010 đến nay, cả nước có 660.000 người được hưởng chính sách hỗ trợ thất nghiệp nhưng chỉ trên 2.100 người học nghề do chính sách này tài trợ.

Phần lớn người thất nghiệp không mặn mà với việc học nghề. Tại sao như vậy khi mà chính sách này ưu đãi họ học nghề?

 Người thất nghiệp thờ ơ học nghề
Phần lớn người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, có rất ít người đến xin đăng ký
tư vấn học nghề tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Lèo tèo người học nghề

 
Mức hỗ trợ học nghề quá thấp, liệu có theo học xong để thành nghề?
Anh N. băn khoăn

Ngày nào cũng vậy, phòng tư vấn học nghề Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh Bình Dương luôn vắng bóng người, trong khi cách đó không xa là hàng trăm người chen chúc đăng ký thất nghiệp. Khi hỏi: "Có quan tâm đến học nghề hay không?" thì chúng tôi chỉ nhận được cái cười trừ hoặc lắc đầu của nhiều người. Theo ông Ngô Nguyễn Thái Hằng, trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp, đến nay Bình Dương có trên 96.000 người được hỗ trợ thất nghiệp nhưng chủ yếu nhận trợ cấp thất nghiệp, chỉ 15 người được học nghề. Công việc trước đó của những người này là lao động phổ thông.

Tương tự tại Trung tâm GTVL TP.HCM, ô cửa số 8 tư vấn học nghề cũng hiu hắt do người thất nghiệp không tìm đến. Ông Nguyễn Cao Thắng, phó giám đốc Trung tâm GTVL TP, cho biết chỉ có 183 người học nghề trong tổng số 180.000 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp ở Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Hằng, quê Nghệ An, đang làm thủ tục đăng ký thất nghiệp cho biết không quan tâm đến học nghề. "Thất nghiệp, không kiếm việc làm thì lấy gì sống với mức trợ cấp trên 1,2 triệu đồng/tháng?" - chị Hằng than thở. Tương tự anh N.H.N., quê Bình Định, cho biết qua tìm hiểu thời gian học nghề sáu tháng, trong khi anh chỉ được hưởng ba tháng trợ cấp nên có học nghề cũng đành chịu vì ba tháng còn lại không biết lấy gì để sống.

Chính sách chưa phù hợp

Chính sách hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp được xã hội ủng hộ. Tuy nhiên trên thực tế khi áp dụng thì xem ra các chế độ hỗ trợ không phù hợp.

Ông Ngô Nguyễn Thái Hằng cho biết người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông nên khi thất nghiệp họ phải nhanh chóng tìm việc làm mới vì với mức trợ cấp hiện nay (trên 1,2 triệu đồng/tháng) không đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Ngoài ra, theo ông Hằng, mức hỗ trợ học nghề quá thấp (300.000 đồng/tháng), người thất nghiệp không thể học nghề gì với mức tiền này.

Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết người nào sau khi học nghề sẽ được chứng nhận bằng nghề sơ cấp. Với chứng chỉ này, họ có xin được việc mới thì mức thu nhập chênh lệch không bao nhiêu so với mức của lao động phổ thông. Do vậy, người thất nghiệp chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp. Một bất cập khác là người thất nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 36 tháng, chỉ được hưởng trợ cấp ba tháng, trong khi phải học nghề sáu tháng. Điều này cũng là rào cản người thất nghiệp tìm đến học nghề.

Ông Nguyễn Cao Thắng cho biết người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có tích lũy, khi thất nghiệp họ cần trang trải cuộc sống nên tìm việc làm chứ không quan tâm đến học nghề.

Tuy nhiên, không chỉ đổ lỗi cho người người thất nghiệp mà cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng có phần trách nhiệm. Theo ông Thắng, thời gian qua các nơi đã đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, ghi nhận tại nơi tiếp nhận đăng ký thất nghiệp ở Trung tâm GTVL TP chỉ dán một mẫu đơn học nghề. Còn chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp ở Q.Thủ Đức, từ khi hoạt động đến nay không có thông báo về thủ tục, mức hưởng, các ngành nghề... để người thất nghiệp tìm hiểu. Một cán bộ ở đây cho biết ai có nhu cầu vào phòng hỏi mới được tư vấn. Đồng thời việc phát tờ rơi về học nghề cũng chỉ mới thực hiện từ đầu năm 2012.

Được biết, trước bất cập về hỗ trợ học nghề, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo nâng mức hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp. Ông Thắng cho rằng quan trọng là cần kéo dài thời gian học nghề trên sáu tháng để nâng cao tay nghề người lao động. Nếu không, người thất nghiệp vẫn không thể học nghề để giải quyết căn cơ cuộc sống của mình.

Cơ hội để đào tạo cho lao động, ổn định xã hội

TS Nguyễn Đức Lộc, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết ở Mỹ người thất nghiệp được hưởng trợ cấp sáu tháng, sau đó nếu chưa xin được việc làm thì cơ quan phụ trách về an sinh xã hội buộc người thất nghiệp học nghề và giới thiệu việc làm. Trong thời gian học nghề, họ tiếp tục được hưởng trợ cấp và ngược lại sẽ bị cắt khi không học nghề.

Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM, cho biết Singapore năm 2008 gặp khó khăn về kinh tế, người thất nghiệp gia tăng thì lượng người đi học nghề rất nhiều. Theo ông Quân, việc học nghề đem lại cho người lao động kỹ năng tốt hơn, đáp ứng thị trường lao động, có thu nhập và năng suất lao động hiệu quả. Như vậy doanh nghiệp phát triển, kéo theo cả xã hội ổn định.

Theo Trung Cường / Tuổi Trẻ

>> “Đại gia” cũng nhận trợ cấp thất nghiệp
>> Thất nghiệp nhiều ở độ tuổi từ 15 đến 24
>> Lỗ hổng từ thất nghiệp “ảo”
>> Trợ cấp thất nghiệp: Khó bảo đảm chi đúng đối tượng
>> Thất nghiệp dễ chết sớm
>> Công việc không hợp còn hại hơn thất nghiệp
>> Lối ra cho người thất nghiệp
>> Gỡ rối cho bảo hiểm thất nghiệp
>> Từ 4.1.2010, chi trả trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM
>> Kiện trường học vì thất nghiệp
>> Làm gì khi bị thất nghiệp?
>> Các sao tiêu xài như nước liệu họ có lo hết tiền vì thất nghiệp?
>> Hỗ trợ người thất nghiệp học nghề tối đa 300 ngàn đồng/tháng
>> Xoay xở trong mùa thất nghiệp
>> Thanh niên thất nghiệp gia tăng
>> Muốn hạnh phúc nên lấy vợ thất nghiệp ?
>> Những người mong... thất nghiệp!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.