Để khỏi thất nghiệp: Đừng mong việc nhẹ, lương cao

10/08/2012 03:05 GMT+7

Tự vận động tạo việc làm cho mình là lời khuyên của các chuyên gia dành cho bạn trẻ trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Ông Ngô Xuân Liễu, Phó trưởng phòng Việc làm và thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH) nói: “Trong bối cảnh hiện nay, đừng trông chờ ai đó mang việc làm đến cho mình, theo tôi kênh tự tạo việc làm vô cùng quan trọng. Có thể tự thành lập doanh nghiệp hoặc kết hợp với bạn bè, người thân để lập nghiệp. Điều này cũng thể hiện tính chủ động của lao động trẻ, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì. Tuy nhiên, cũng cảnh báo các bạn trẻ, tự tạo việc làm không có nghĩa là bất chấp mọi công việc, thấy sai nhưng vẫn làm như lao vào bán hàng đa cấp, làm việc phi pháp…”.

 Để khỏi thất nghiệp: Đừng mong việc nhẹ, lương cao 1
Nhiều bạn trẻ tìm việc làm tại ngày hội ở TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Còn theo ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, hiện nay một bộ phận không nhỏ giới trẻ có xu hướng thích hưởng thụ, muốn làm việc nhẹ nhàng, thu nhập cao. Tuy nhiên, trong thời buổi này, người gặp may mắn hoặc có nền tảng tốt do bố mẹ để lại không nhiều. Đại bộ phận những người thành công, có thu nhập cao đều từ khó khăn, thất bại đi lên. “Muốn lương cao, thì không có thể việc nhàn. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, các bạn trẻ nên tự chấp nhận làm việc mình chưa hài lòng hoặc không đúng ngành nghề. Hãy lấy đó là bài học để có những kinh nghiệm trong công việc, cũng như trong cuộc sống. Sau này, khi có cơ hội tốt hơn, các bạn sẽ toại nguyện được ước mơ của mình. Biết đâu qua một thời gian gắn bó với công việc tạm thời, người sử dụng lao động sẽ nhìn ra được khả năng tiềm ẩn trong bạn. Và biết đâu, chính ở công việc mà bạn có ý định làm tạm thời, bạn lại thấy yêu và muốn gắn bó lâu dài với nó”, ông Vũ Trung Chính chia sẻ.

 

Bên cạnh thông tin thị trường lao động, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, Bộ LĐ-TB-XH cũng có chính sách ưu tiên tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường phù hợp, đối với những người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thông tin chi tiết liên hệ Văn phòng hỗ trợ lao động (Cục Quản lý lao động ngoài nước), ĐT: 04 39366633.

Đồng tình ý kiến khuyến khích bạn trẻ tự tạo việc làm, anh Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên (Thành đoàn Hà Nội), cho rằng thời điểm này, thị trường lao động đang gặp khó khăn, cơ hội nghề nghiệp cũng bị cạnh tranh nhiều hơn. Do đó, có bằng cấp “ổn” thôi thì chưa đủ. Trước khi gia nhập thị trường lao động, bạn trẻ phải củng cố cả kiến thức lẫn kỹ năng. Bên cạnh đó, tự tạo việc làm cũng là hướng đi mà các bạn nên thử sức. Anh Lê Anh Tuấn gợi ý: “Hãy bắt đầu từ việc tạo việc làm cho chính mình. Tôi biết, có rất nhiều bạn trẻ ấp ủ những ý tưởng, hoài bão nhưng lại thiếu vốn và chưa hoạch địch cho mình một kế hoạch kinh doanh dài hơi. Tiếc là, nhiều bạn chưa biết đến hệ thống tư vấn của các tổ chức đoàn thể hoặc của CLB trực thuộc các trường đại học. Nếu các bạn có ý tưởng, hãy đến với Trung tâm hỗ trợ thanh niên Hà Nội (website: hanoiadc.org.vn), chúng tôi sẽ tư vấn, giới thiệu các địa chỉ vay vốn, đặc biệt “thổi” niềm đam mê kinh doanh cho các bạn. Khi ý tưởng kinh doanh được thực hiện, không những giải quyết việc làm cho bản thân mà còn cho bạn bè và nhiều người trong xã hội. Còn với những bạn thừa hưởng lợi thế kế thừa truyền thống gia đình, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, cũng nên đầu tư tham gia các khóa học nâng cao năng lực quản lý marketing, quản trị chiến lược, tài chính và nhân sự…”.

Ngã rẽ của anh thợ hồ

Ít ai ngờ anh thợ hồ lam lũ ngày nào nay đã trở thành giám đốc một công ty chuyên thiết kế trang web và lập trình phần mềm.

Tốt nghiệp lớp 12, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hồ Văn Ánh (năm nay 26 tuổi) đành gác lại giấc mơ vào ĐH, khăn gói từ Gia Lai đến TP.HCM mưu sinh. Những năm đầu, Ánh làm “thợ đụng” (ai kêu gì làm nấy) nhưng chủ yếu là thợ hồ. Một dạo, khi đang phụ hồ trong một khách sạn, Ánh nghe những người tiếp tân bàn tán về chuyện lập trình phần mềm. “Lúc đó, tôi chưa biết phần mềm là cái chi, nên cứ đi hỏi người này người kia” - Ánh kể. Tò mò, thích thú về những điều mới lạ xung quanh chiếc máy vi tính, Ánh quyết tâm theo đuổi khóa học kéo dài 9 tháng về công nghệ thông tin (IT) tại một trung tâm tin học ở Q.5, TP.HCM. Và đây là nền tảng cho bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Ánh. 

Trong 3 năm, Ánh lần lượt trải qua 4 chỗ làm về IT. “Từ lúc chuyển sang làm ở công ty thứ hai, tôi đã âm thầm nung nấu ý hướng lập doanh nghiệp riêng. Ban đầu, tôi định mở tại TP.HCM nhưng sau khi đi khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ về chi phí, tôi đã chọn Đà Nẵng để khởi nghiệp” - anh Ánh chia sẻ. Tháng 9.2011, Công ty TNHH phát triển công nghệ Ngôi Sao Việt Media của anh đã ra đời, có trụ sở trên địa bàn Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Tháng 3.2012, Ánh lập một chi nhánh ở Quy Nhơn. Không những vậy, anh còn dự định mở thêm một số cơ sở ở khu vực phía bắc. Được biết, hiện công ty có hơn 20 nhân viên (đa số có trình độ ĐH, CĐ) và thu nhập bình quân của mỗi người trên 5 triệu đồng/tháng.

Khởi nghiệp kinh doanh trong thời kỳ kinh tế khó khăn, Giám đốc Hồ Văn Ánh nhìn nhận, thời gian đầu công ty đã vất vả chống chọi với rất nhiều thử thách phát sinh do số vốn ít ỏi, nhân sự chưa đủ, kinh nghiệm hiểu biết để quản lý không nhiều… Tuy nhiên, theo anh Ánh, để doanh nghiệp có thể trụ lại và mở rộng quy mô như bây giờ, anh phải luôn khắc phục những điểm yếu cũng như nâng cấp chất lượng sản phẩm - dịch vụ.

Như Lịch

Thành công từ cà phê mang đi

Đang là sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Phạm Tú Hải Uyên đã chủ động mở quán cà phê Buzz.

Thời gian đầu, quán Buzz (Q.3, TP.HCM) có hai người quản lý. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, người bạn thân góp vốn với Uyên đột ngột muốn rút ra. Dù bất ngờ pha lẫn chút hoang mang, Uyên vẫn quyết định trụ lại với quán. Anh tìm cách xoay xở, dần dần giải quyết được “thử thách đầu tiên” này.

Anh chàng này nhận ra: “Trước nay ở nước ta, dịch vụ cà phê mang đi hầu như chỉ dành cho những người đi làm. Trong khi đó, ít ai chú ý thành phần khách hàng đông đảo là sinh viên”. Đến khi dành dụm được 20 triệu đồng từ những tháng ngày làm thêm trước đó, Uyên dốc hết vốn liếng vào việc mở quán Buzz, phục vụ cà phê xay, thức uống xay giá rẻ chủ yếu cho giới sinh viên. Hải Uyên giải thích, từ “buzz” ở đây mang nghĩa nhanh nhạy, giao hàng liền cho khách mang đi. Quán này mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày.

 Để khỏi thất nghiệp: Đừng mong việc nhẹ, lương cao 2
Phạm Tú Hải Uyên tự tin với hướng khởi nghiệp của mình - Ảnh: Như Lịch

Uyên tự tin cho hay, sau 3 tháng thành lập, quán đã có bộ máy nhân sự khá chuyên nghiệp. Không chỉ đơn thuần biết xay cà phê, pha chế thức uống, cả 5 nhân viên trong quán còn có điều kiện thể hiện tiềm năng của mình ở lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị hoặc viết lách. Bản thân “ông chủ” Hải Uyên cũng kiêm nhiều việc: điều hành chung, tự viết bài và chụp hình quán Buzz để đưa lên quảng bá trên Facebook, thậm chí lúc cần cũng vào quầy pha chế thức uống cho khách…

“Chủ động mở quán cà phê này, tôi muốn tự tạo nền tảng vững chắc cho mình để khi ra trường, không sợ bị lệ thuộc vào hoàn cảnh hay vào người khác”, Uyên bày tỏ. Theo Uyên, một khi quá cần tiền, có những người làm thiết kế  - kiến trúc dễ chiều theo mọi yêu cầu của khách hàng, từ đó cho ra đời những sản phẩm xấu xí, dễ dãi. “Nếu chuẩn bị tài chính ổn định, chúng tôi có thể tự tin nói không với những sản phẩm xấu và giữ được cái tâm của mình” - Uyên nói.

Được biết, sau khi tốt nghiệp ĐH, Hải Uyên sẽ dành 1-2 năm để phát triển hệ thống Buzz lên mức độ kỳ vọng: ít nhất có thêm 4 quán tương tự hình thành tại TP.HCM.

Như Lịch

Thu Hằng

>> Để khỏi thất nghiệp: Tự tạo việc làm
>> Để khỏi thất nghiệp
>> Lao động không nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp
>> Quá tải đăng ký trợ cấp thất nghiệp
>> Thêm một điểm tiếp nhận đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.