Ngày 11.9, chính phủ Nhật Bản ký hợp đồng trị giá 2,05 tỉ yen (26 triệu USD) với gia tộc Kurihara để mua lại 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp cùng Trung Quốc, theo Kyodo News. Tokyo khẳng định việc mua đảo là nhằm tăng cường bảo vệ, quản lý cũng như bảo đảm tự do đi lại ở các vùng biển lân cận trong hòa bình. Ngoại trưởng Koichiro Gemba nhấn mạnh: “Chúng ta không nên để bước tiến này gây trở ngại cho tiến trình ổn định của quan hệ Nhật - Trung”.
|
Đáp lại, tờ China Daily dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư là “phần không thể tách rời của Trung Quốc” và nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ “không nhượng bộ trong các vấn đề chủ quyền”. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì thì triệu tập Đại sứ Nhật Uichiro Niwa để phản đối. Đến sáng 11.9, Bắc Kinh tung 2 tàu hải giám đến tuần tra xung quanh Senkaku/Điếu Ngư để “bảo vệ chủ quyền”, theo Tân Hoa xã. Sau đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình và giữ quyền đưa ra biện pháp đáp trả”. Cùng ngày, hàng trăm người ở nhiều thành phố của Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối và kêu gọi tẩy chay hàng Nhật.
Cũng trong ngày 11.9, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda lên tiếng cảnh báo tình trạng không chắc chắn về an ninh xung quanh nước này đang “ở mức cao chưa từng có”. Đài NHK dẫn lời ông Noda kêu gọi lực lượng phòng vệ chuẩn bị ứng phó mọi biến cố bằng cách theo dõi, phân tích các hoạt động quân sự của CHDCND Triều Tiên, Nga và Trung Quốc.
Không quân Trung Quốc liên tục tập trận Ngày 11.9, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa hình ảnh về 2 cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển của không quân Trung Quốc trong tuần rồi, nhưng không nói rõ địa điểm. Theo đó, không quân thuộc Quân khu Tế Nam tập trận vào ngày 4.9 với sự tham gia của nhiều chiến đấu cơ ném bom, theo Nhân Dân nhật báo. Đến ngày 6.9, đơn vị không quân của Quân khu Quảng Châu diễn tập tấn công bằng đạn thật. Theo Tân Văn xã, cuộc tập trận này nhằm nâng cao khả năng phòng vệ và tấn công trên biển ở tầm thấp cho chiến đấu cơ. Cũng trong ngày 11.9, tờ China Daily ngang nhiên đưa tin chuyến khảo sát phi pháp kéo dài 34 ngày của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã “kết thúc tốt đẹp”. Theo đó, nhóm chuyên gia Trung Quốc đã thu thập thông tin về hệ sinh thái tại các đảo ở Hoàng Sa nhằm “góp phần vào chiến lược quy hoạch” cái gọi là TP. Tam Sa. Hành động này vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Những động thái đơn phương, ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông tiếp tục gây quan ngại cho nhiều bên. Tờ Inquirer dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm qua nói việc Trung Quốc dự tính mở tuyến du lịch đến Hoàng Sa và Trường Sa sẽ là một mối lo ngại về an ninh trong khu vực. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ilena Ros-Lehtinen tuyên bố: “Không thể chấp nhận chiến lược đe dọa hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Chúng ta phải nhắc Trung Quốc rằng biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung không phải của họ mà muốn lấy là lấy”, theo tờ Indian Express. Dự kiến trong ngày 12.9, ủy ban trên sẽ nhóm họp để thảo luận về các động thái của Trung Quốc tại biển Đông. Minh Trung |
Văn Khoa
>> Nhật tập trận đối phó tên lửa và tranh chấp đảo
>> Nhật - Hàn hủy nhiều kế hoạch hợp tác vì tranh chấp đảo
>> Rắc rối vì tranh chấp đảo Dokdo
>> Hàn, Nhật đua nhau quảng bá đảo tranh chấp
>> Nhật Bản quốc hữu hóa đảo tranh chấp
>> Nhật sẽ sớm ký hợp đồng mua đảo tranh chấp
>> Hàn Quốc tập trận gần đảo tranh chấp
>> Chính phủ Nhật mua được quần đảo tranh chấp?
Bình luận (0)