“Con dao hai lưỡi” của biểu tình tại Trung Quốc

21/09/2012 03:15 GMT+7

Giới quan sát cho rằng các cuộc biểu tình quá khích, được thổi bùng bởi chủ nghĩa dân tộc, đang trở thành con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc.

Ngày 20.9, AFP dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho hay nước này sẽ yêu cầu Trung Quốc bồi thường những thiệt hại do người biểu tình gây ra đối với Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh và lãnh sự quán tại các thành phố khác. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần xử lý các vụ đập phá tài sản của người Nhật theo luật pháp của mình, ông Fujimura nói. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc 50 người Trung Quốc bao vây xe của Đại sứ Gary Locke hôm 18.9. Đến hôm qua, đợt biểu tình chống Nhật hùng hổ mấy ngày qua ở Trung Quốc hầu như đã chấm dứt, ngoại trừ một cuộc tụ tập nhỏ trước cửa Lãnh sự quán Nhật tại Thượng Hải. Các chuyên gia phương Tây đánh giá có vẻ như chính quyền Trung Quốc đã nhận ra mọi việc có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

“Con dao hai lưỡi” của biểu tình tại Trung Quốc  
Xe Nhật bị người quá khích đập phá tại Thâm Quyến hồi tuần trước - Ảnh: Asiadailywire

Bạo lực và quá khích

Từ cuối tuần trước đến ngày 18.9, hàng chục ngàn người Trung Quốc đổ ra đường tại 125 thành phố phản đối các động thái củng cố tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây không phải là những cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước ôn hòa, mà là những cuộc đập phá xe hơi nhãn hiệu Nhật, phóng hỏa cửa hàng, tiệm ăn của người Nhật, đốt cờ và ảnh Thủ tướng Yoshihiko Noda, ném chai lọ, gạch đá vào cơ quan ngoại giao Nhật... Trên các diễn đàn sôi sục với những lời phỉ báng và đòi “Đánh Nhật giành lại đảo”. Trong khi đó, ở Nhật chỉ mới xảy ra vụ một thanh niên ném bom khói vào Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Fukuoka và người này nhanh chóng bị bắt. Ngày 20.9, Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Noda lên tiếng kêu gọi công chúng bình tĩnh và hành động “đúng với phẩm giá”.

Tờ The Bangkok Post dẫn đánh giá của giới phân tích cho rằng có vẻ như dòng người trên đường phố Trung Quốc đã chảy theo lời kêu gọi của những nhà bình luận và viện nghiên cứu có ảnh hưởng mạnh, với sự “bật đèn xanh” của nhà chức trách. Một lần nữa, chủ nghĩa dân tộc và tâm lý “nạn nhân bị chèn ép” được thổi bùng lên. Tuy nhiên, như AFP dẫn lời chuyên gia Joseph Cheng thuộc ĐH Hồng Kông nhận định: “Chủ nghĩa dân tộc có thể là con dao 2 lưỡi”. Những hình ảnh bạo lực nói trên chỉ khiến người ngoài càng nhận rõ hơn về một Trung Quốc ngày một hung hăng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, không chỉ trên biển Hoa Đông. Chưa kể, theo The Bangkok Post, rất nực cười và mỉa mai khi Trung Quốc tự cho mình là nạn nhân khi mà các động thái của nước này ngày càng gây nhiều quan ngại trong khu vực.

 

Trung Quốc lo Ấn độ giúp Nhật

Theo tờ The Times of India, giới chuyên gia Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng Ấn Độ có thể ủng hộ Nhật Bản trong căng thẳng hiện nay khi quan hệ giữa 2 nước đang ngày càng được thắt chặt. Trong khi đó, Ấn Độ cũng “đứng ngồi không yên” khi chứng kiến binh lính Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, với lý do bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại đây.

Mặt khác, theo giới phân tích, phía bất lợi trong tình huống hiện tại không phải là Nhật mà là giới lãnh đạo Trung Quốc, nhất là khi nước này đang chuẩn bị quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo quan trọng. Reuters dẫn lời một số người biểu tình giấu tên cáo buộc chính quyền “quá mềm yếu”, khiến Trung Quốc không xứng đáng “tầm vóc cường quốc” và đòi khai chiến với Nhật để đòi lại chủ quyền. Những tư tưởng này khiến giới lãnh đạo có muốn cũng khó dịu giọng để cùng Nhật tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng, AFP dẫn lời chuyên gia Linda Jakobson của Viện Lowy (Úc). Chưa kể, các giọng điệu quá khích ở Trung Quốc càng lớn tiếng thì Nhật càng có cớ hợp tình hợp lý để tăng cường năng lực quân sự, thậm chí mở ra khả năng “tái vũ trang hoàn toàn”.

Bên cạnh đó, tờ 21st Century Business Herald dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu căng thẳng vẫn leo thang, doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc vẫn bị đe dọa thì các công ty nước này có thể chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á. Tokyo là đối tác thương mại lớn nhất nhì của Bắc Kinh và “trừng phạt kinh tế” như lời kêu gọi của tờ Nhân Dân nhật báo có thể không phải là điều khôn ngoan đối với một nước phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu và gia công như Trung Quốc. Trước mắt, đã có một lượng công nhân Trung Quốc mất việc sau khi Canon, Panasonic, Honda, Toyota và Nissan đóng cửa nhà máy tại đây. Đó là chưa kể, cuộc chiến thương mại giữa 2 nước sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế khu vực và cả thế giới. 

Xuống thang phần nào?

Sau nhiều ngày người biểu tình đập phá, đến hôm qua, chính quyền Trung Quốc bắt đầu siết lại an ninh. Cảnh sát Bắc Kinh ngăn chặn những vụ tụ tập xung quanh Đại sứ quán Nhật, còn Hoàn Cầu thời báo đăng liền mấy bài xã luận kêu gọi tránh các hành động quá khích, bạo lực. Bên cạnh đó, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 20.9 kêu gọi Nhật Bản đối thoại và đàm phán để giải quyết căng thẳng liên quan đến Senkaku/Điếu Ngư.

Đáng chú ý, sau khi Đài phát thanh Trung Quốc đưa tin khoảng 1.000 tàu cá đang đến vùng biển tranh chấp thì Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ hai của Trung Quốc, ngày 20.9 lại bác bỏ tin này. Đài NHK cũng dẫn lời đại diện Lực lượng Tuần duyên Nhật (CG) cho hay không thấy tàu cá trong khu vực. Tuy nhiên, CG vẫn đề cao cảnh giác khi đến sáng qua vẫn còn hơn 10 tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc lờn vờn gần Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, theo một số nguồn tin không chính thức, tàu hộ vệ mang tên lửa lớp 054A của Trung Quốc cũng đã xuất hiện khá gần khu vực.

Thụy Miên

>> Người biểu tình Trung Quốc đập xe đại sứ Mỹ
>> Xe hơi Nhật khủng hoảng vì làn sóng biểu tình tại Trung Quốc
>> Biểu tình chống Mỹ lan sang Thái Lan
>> Hàng ngàn người Trung Quốc biểu tình chống Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.