TNNN lắm chiêu
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ tháng 5.2011 đến nay, hiện tượng TNNN vào Việt Nam thu mua nông thủy sản diễn ra trên diện rộng (thu mua chè ở các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ; vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; khoai lang tím ở Vĩnh Long; cua biển tại Cà Mau…) và có diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. TNNN hoạt động trái pháp luật dẫn đến bất ổn thị trường, phá vỡ quy hoạch các vùng nguyên liệu nhiều nơi.
|
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết: Bến Tre hiện có trên 60.000 ha dừa, chiếm khoảng 1/3 diện tích dừa cả nước. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất đau đầu chuyện TNNN thu mua dừa tại địa phương. Lúc cao điểm, hàng chục tàu quốc tịch Trung Quốc neo đậu tại Bến Tre mua dừa, đẩy giá dừa lên đến 150.000đ/chục 12 trái khiến nông dân đổ xô đi trồng dừa, đưa dừa vào xen canh với cả rẫy mía. Giá dừa ở mức “đỉnh” chẳng bao lâu, sau đó tụt xuống chỉ còn 15.000đ/chục và lúc này tàu mua dừa quốc tịch nước ngoài cũng mất tăm khiến nông dân trồng dừa lâm cảnh khốn đốn. Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ Nguyễn Minh Toại nêu một thực trạng khác: TNNN thông qua thương nhân trong nước “dụ” nông dân ở Vĩnh Long sang TP.Cần Thơ thuê đất trồng khoai. Chính từ việc “xâm canh” này mà chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích khoai ở H.Cờ Đỏ đã vọt lên đến 800 ha. Làm như thế là phá vỡ quy hoạch, khoai lang dồn ứ, không có đầu ra.
Chưa hết, TNNN (chủ yếu là người Trung Quốc) còn đến Cần Thơ hợp đồng mua gạo. Gạo trắng dài thường TNNN cho tỷ lệ trộn là 50%. Đến khi gạo tập kết chuẩn bị chuyển xuống tàu, TNNN cho kiểm lại và chê tỷ lệ trộn như thế quá cao nên không nhận hàng. Theo ông Đỗ Văn Phước, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, hiện tỉnh này có khoảng 1.000 ha thanh long. TNNN tổ chức mua thanh long ngày thứ bảy và nói thứ hai rút tiền ngân hàng xong là thanh toán ngay. Lúc đầu họ trả tiền khá “ngọt”, nhưng sau đó cứ thưa thớt dần rồi tìm mọi cách bỏ chạy…
Làm gì để ít bị TNNN lừa?
Nhắc lại câu chuyện TNNN thu mua cua biển thời gian qua ở Cà Mau, ông Nguyễn Minh Toại tiếp tục cảnh báo nông dân là phải hết sức tỉnh táo. Nếu không sẽ bị “dính” những thủ thuật của TNNN để rồi “tiền mất tật mang” khi tiêu thụ nông thủy sản. Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang nói rằng TNNN vào Việt Nam chủ yếu bằng hộ chiếu du lịch. Họ móc nối với thương nhân trong nước để thu mua nông thủy sản. Họ đến Kiên Giang mua mực khô rồi chuyển ra Móng Cái xuất qua đường tiểu ngạch, không thể nào quản lý nổi. “Do vậy, phải phân công trách nhiệm rõ ràng và có sự thống nhất từ T.Ư xuống tận địa phương trong việc giám sát các hoạt động của TNNN”, ông Gành nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, Việt Nam giao thương với nhiều nước trên thế giới. TNNN hoạt động tại Việt Nam nếu tuân thủ đúng pháp luật sẽ góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ nông thủy sản. Song trên thực tế, TNNN vi phạm pháp luật Việt Nam cũng đã xảy ra ở nhiều nơi. Do vậy, nông dân khi giao thương nên tránh bớt khâu trung gian, tiền nong phải rõ ràng, cụ thể. Ví dụ, hàng hóa bán giá 300 đồng mà thu tiền ngay vẫn có lợi hơn bán giá 400 đồng nhưng bước đầu chỉ nhận 10% (tức 40 đồng); còn 90% nợ đọng phải thu từ từ rất mệt…
Quang Minh Nhật
>> Thương lái Trung Quốc nợ 33 tỉ đồng tiền mua cá cơm
>> Thương lái Trung Quốc gây thiệt hại hơn 100 tỉ đồng
>> Nhiều thương lái Trung Quốc hoạt động thương mại trái phép ở VN
>> Thương lái Trung Quốc tranh mua khóm
>> Thương lái Trung Quốc thôn tính thạch dừa Bến Tre
>> Thêm nạn nhân tố cáo thương lái Trung Quốc quịt nợ
>> Điều tra vụ thương lái Trung Quốc quỵt nợ
>> Thương lái Trung Quốc quỵt nợ tràn lan
>> Vụ thương lái Trung Quốc mua cua quỵt nợ: Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an
>> Thương lái Trung Quốc mua cua quỵt nợ
>> Thương lái Trung Quốc đổ xô mua gốc ngâu
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu - Kỳ 2: Xứ dừa phải nhập khẩu dừa
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu
Bình luận (0)