>> Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp: Nhóm ngành sức khỏe dẫn đầu
>> Nhiều trường đào tạo ngành điều dưỡng
>> Thiếu dược sĩ bệnh viện
Nhu cầu rất thấp
Theo thống kê từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, các ngành khối khoa học sức khỏe tại các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc chiếm khoảng 30.430 chỉ tiêu.
Thông tin trên cũng cho thấy Bộ Y tế có 8 trường TCCN, chỉ tiêu đào tạo năm 2012 là 2.830, Bộ GD-ĐT có 30 trường đào tạo khối ngành y - dược với tổng chỉ tiêu khoảng 3.020. Số lượng chỉ tiêu các ngành khối y dược tại các trường TC y, dược và bậc TC trong trường CĐ y tế tại các tỉnh, thành lên đến 63.217.
Như vậy, nếu chưa kể khối ngành y tế ở bậc TC trong các trường ĐH, năm 2012 chỉ tiêu đào tạo các bậc học là gần 100.000. Trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các ngành dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y học. Không kể các trường đặc thù, đa số các trường ĐH, CĐ, thậm chí TC đa ngành đều xin phép đào tạo các ngành này.
|
Trong khi đó, theo thống kê từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, trong cả quý 3/2012, cũng như 2 quý đầu năm, những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều là dịch vụ - phục vụ (22,18%), marketing - nhân viên kinh doanh (20,16%), bán hàng (7,02%), quản lý nhân sự - hành chính văn phòng (4,52%), dệt may - da giày (4,30%), tư vấn - bảo hiểm (3,60%) và các ngành kỹ thuật công nghệ. Khối ngành y tế - chăm sóc sức khỏe trong thời gian qua không hề có nhu cầu nhân lực lớn. Dự báo nhu cầu nhân lực trong quý 4/2012 cũng không hề có tên ngành này trong số 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực của ngành khoa học sức khỏe đang tồn tại một nghịch lý. Mặc dù về số lượng chung, ngành này vẫn luôn ở tình trạng thiếu lao động, nhưng các cơ sở y tế lại không có nhu cầu cao vì năng lực đội ngũ sinh viên, học sinh ra trường không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Số lượng người tốt nghiệp TC quá nhiều, trong khi cơ sở cần nhiều trình độ ĐH, CĐ. Số lượng điều dưỡng xuất khẩu đi nước ngoài phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và ngoại ngữ.
Còn bác sĩ Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết nhu cầu nhân lực tính trên giường bệnh và bệnh nhân cả nước thì cao nhưng tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM lại rất ít ỏi. Thời gian qua và sắp tới, các bệnh viện không mở rộng nhiều cơ sở. Một số bệnh viện công mở thêm các phòng dịch vụ nhưng số lượng người tuyển thêm cũng chỉ có hạn. Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng ra làm tại các phòng khám tư thời gian qua rất nhiều. Điều này khiến thị trường nhân lực tại TP.HCM thừa mứa nhưng tại các địa phương khác lại thiếu thốn.
Lo ngại chất lượng
Theo một bác sĩ làm việc lâu năm trong ngành y tế, chất lượng đào tạo ngành khoa học sức khỏe tại một số trường ĐH, CĐ đang ở mức đáng lo ngại. Các bệnh viện sau một thời gian tiếp nhận sinh viên thực tập, làm việc đã bắt đầu có quy định nhận người riêng cho mình. Có bệnh viện thông báo không nhận điều dưỡng tốt nghiệp từ một số trường mà chỉ nhận sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TP.HCM…
Theo một cán bộ phụ trách nhân sự của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, vì nhu cầu nhân sự tại đây không lớn nên hiện nay chỉ ưu tiên tuyển SV ra trường của Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
M., sinh viên vừa tốt nghiệp ngành điều dưỡng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết dù đã ra trường gần 3 tháng và nộp đơn xin việc rất nhiều, nhưng một chỗ làm tại các bệnh viện vẫn là điều xa vời với M. Các bệnh viện có nhận cũng ưu tiên sinh viên tốt nghiệp tại các trường ĐH công lập, sau đó mới đến các trường ngoài công lập. Hiện tại, M. phải phụ bán quán cà phê để chờ cơ hội khác. Đa số bạn bè chung lớp với M. cũng đang chờ việc.
Trên thực tế, điểm chuẩn của các ngành này trong năm nay đang khiến nhiều người lo ngại. Trừ các trường như: ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… có điểm cao, ngành điều dưỡng, dược sĩ tại các trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Tây Đô… chỉ bằng điểm sàn. Một chuyên gia y tế cho biết việc đào tạo tràn lan sinh viên có đầu vào thấp như vậy khiến vài năm nữa chất lượng đội ngũ y tế sẽ đi xuống, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Xét theo nhu cầu, số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH của khối ngành y - dược vẫn còn thiếu. Nhưng đúng là số lượng học sinh tốt nghiệp bậc TC hiện nay đã đến mức bão hòa so với nhu cầu nhân lực. Không chỉ trường TC, các trường ĐH, CĐ cũng đang đua nhau đào tạo bậc TC ngành này, khiến tương lai của học sinh tốt nghiệp khó đảm bảo. Đã đến lúc các bộ, ngành nên xem xét lại chỉ tiêu đào tạo bậc TC để cân bằng với nhu cầu của xã hội. Những trường đào tạo bậc ĐH, CĐ cũng phải được kiểm soát về chất lượng một cách chặt chẽ hơn”.
Nơi thừa, nơi thiếu Trong đợt tuyển dụng giáo viên (GV) tại TP.HCM vừa qua, hơn 1.400 cử nhân sư phạm không có cơ hội dạy tại các trường THPT công lập. Trong khi đó, ngành tiểu học và mầm non lại thiếu GV nghiêm trọng. Chỉ tính riêng TP.HCM, mỗi năm thiếu hàng nghìn GV tiểu học và mầm non nhưng các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, CĐ Mẫu giáo T.Ư 3 chỉ đáp ứng được khoảng 2/5 nhu cầu tuyển dụng. Theo thạc sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ngành hệ thống thông tin địa lý (GIS) chỉ tuyển vừa đủ để mở một lớp, các năm trước cũng chỉ tuyển được hơn 10 người. Ngành khuyến nông và phát triển nông thôn chủ yếu chỉ đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương chứ thí sinh không đăng ký học. Trên thực tế, những ngành này hiện có nhu cầu tuyển dụng cao. |
Đăng Nguyên
Bình luận (0)