Cần thay đổi chính sách đãi ngộ cho nhà khoa học

11/10/2012 03:25 GMT+7

Hội Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức hội thảo góp ý Đề án phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Gia tăng nguồn lực giỏi

Theo đề án trình hội nghị, sau 16 năm, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đội ngũ nhân lực KH-CN tuy gia tăng về số lượng nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế; phân bố và cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động (gần 60% tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ). Tình trạng hẫng hụt về thế hệ trong các viện nghiên cứu, các trường ĐH tiếp tục gia tăng, số cán bộ có đủ năng lực chủ trì những nhiệm vụ lớn ngày càng giảm sút.

Đề án cũng chỉ ra rằng, các trường ĐH trong nhiều năm gần đây không tuyển được học sinh giỏi vào các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn nên thiếu sinh viên giỏi để đào tạo thành các nhà khoa học tài năng trong tương lai.

Điều này dẫn tới hậu quả là một số phòng thí nghiệm hiện đại, quy mô lớn ở các viện nghiên cứu, trường ĐH chưa thể đi vào hoạt động hiệu quả do thiếu nguồn nhân lực đủ trình độ khai thác, sử dụng.

Theo đề án, so với 16 năm trước đây, cơ chế chính sách đãi ngộ và sử dụng cán bộ chưa có chuyển biến đáng kể. Đội ngũ cán bộ này hiện nay còn đang phải xoay xở để tồn tại trong những bất hợp lý của cơ chế hiện hành (hành chính hóa, bình quân chủ nghĩa) dẫn tới nhiều tâm tư và chưa đủ động lực để cống hiến hết mình cho sự nghiệp KH-CN. “Không có cơ chế để các nhà khoa học sống được với nghề nên họ buộc phải làm những việc ngoài nghiên cứu khoa học, kể cả những việc bất chính để tồn tại”- GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, Giám đốc NXB Tri thức cho biết.

Đổi mới cơ chế tài chính

Cũng theo đề án, đầu tư của xã hội cho KH-CN thấp, đầu tư từ ngân sách nhà nước còn dàn trải, phân tán nên hiệu quả sử dụng thấp.

Hiện đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này đạt 1,5% GDP. Năm 2010 đầu tư cho KH-CN trên đầu người rất thấp, chỉ 11 USD trong khi của Trung Quốc là 53 USD, Hàn Quốc là 647 USD/người/năm. Theo mục tiêu phát triển KH-CN, đến năm 2020, Việt Nam có một nền KH-CN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới… Từ thực tế hiện nay, GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN cho rằng, mục tiêu này khá mơ hồ. Từ năm 2000 đến nay, chi cho lĩnh vực trên chiếm khoảng 2% ngân sách nhà nước, tương đương 0,45-0,5% GDP, tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp cho KH-CN chưa đến 0,1% GDP. GS Thái cho rằng, một trong những tiêu chí để đánh giá quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại là giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao phải đạt 45% GDP trở lên.

Các nhà khoa học kiến nghị phải đổi mới về cơ chế tài chính đã quá lỗi thời hiện nay, cho phép các nhà khoa học có quyền tự chủ cao hơn trong sử dụng kinh phí của nhà nước. Không nên quyết toán theo năm tài chính mà theo thời gian nghiên cứu, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng. Nhà nước nên xác định những đề tài có ảnh hưởng lớn đến đất nước, coi đó như nhiệm vụ KH-CN của quốc gia, hình thành những tập thể nghiên cứu mạnh, độc lập, giao cho họ có quyền tự chủ cao.

Tuệ Nguyễn

>> Giải Nobel Vật lý 2012 thuộc về hai nhà khoa học Pháp và Mỹ
>> Giải Nobel Y học thuộc về hai nhà khoa học Nhật và Anh
>> Nhà khoa học đại nghĩa
>> Gia đình các nhà khoa học hạt nhân Iran bị giết khởi kiện
>> 5 nước thu hút nhiều nhà khoa học nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.