Cá không bục đồng
Chiếc phà chạy ngược dòng nước đỏ ngầu, cuồn cuộn xuôi về hạ nguồn. “Bên này là xã Khánh An của huyện An Phú (An Giang), bên kia là xã Pẹc-Chạy (tỉnh Kandal, Campuchia). Những chiếc can nhựa lớn xanh đỏ dập dềnh trước mặt, bên tay trái là phao hàng đáy do bạn quản lý”, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An Nguyễn Văn Lợi vừa chỉ vừa nói. Là nơi khởi nguồn của sông Hậu vào Việt Nam, nhưng chiều ngang khúc sông này chỉ rộng hơn 300m. Một con gà gáy vọng bờ hai quốc gia. Từ đây, nước thượng nguồn sẽ đổ xuống sông Bình Di, tràn vào sông Châu Đốc…
|
Những chiếc ghe làm đáy, giăng lưới nhấp nhô. Ông Tư ơi, cá nhiều không? “Một giỏ đăng dài gần 5m được kéo lên, vài chú cá nhảy lách tách. Năm nay cá ít, chỉ khoảng 20kg/ngày”, ông Tư Hiền nói vậy. Phía trước, mấy chiếc ghe đang tụ giữa sông. Anh Phạm Văn Bính, 36 tuổi, đã hơn 10 năm mưu sinh ở đây có hàng đáy khủng, dài hơn 60m và 6 nhân công. “Tụi tôi giăng lưới chờ thời. Ngày cao cá vô cả tấn, trung bình cũng vài trăm ký, sống ổn. Mỗi mùa nước tôi đóng thuế hàng chục triệu đồng, phải làm lớn mới có ăn. Năm nào nước kém là thua”, anh Bính tâm sự. Cặp sát là ghe “cá mòi” của chị Vui đã 43 tuổi, mặn mà, giọng cười sang sảng. Trong khoang xâm xấp cá đủ loại cỡ 2 - 3 lóng tay. Dân trong nghề gọi ghe “cá mòi” là ghe chuyên thu mua cá rồi bỏ mối cho các bè chế biến làm thức ăn cho cá nuôi, chị giải thích và cho biết cũng đã dọc ngang vùng thượng nguồn này cả chục năm rồi.
|
Khánh An có hai làng độc đáo. Đó là làng bè và làng (cá) khô. Làng bè Khánh An hiện có khoảng 100 bè (chủ yếu để ở) hình thành trước cả làng bè Châu Đốc, khi cực thịnh có tới hơn 70 bè chuyên nuôi cá tra, ba sa, lóc bông nhưng gần đây do đầu ra khó, chuyển sang nuôi “cá chợ” như hú, diêu hồng, lăng… Khô Khánh An “số dách”, có danh có phận với hàng chục cơ sở, hàng trăm nhân công. Đến đầu tháng 10 mà mực nước vẫn thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái 90cm, ông Lợi thông báo. Nước kém, khó đạt đỉnh như năm 2000 nên năm nay cá không bục đồng, dân hạ bạc đầu nguồn kết luận. Những ngày ở An Phú thực đơn ngập đặc sản mùa nước nổi. Lẩu cá linh, cá linh nấu ngót, khô sặc, khô bổi, gỏi bông điên điển, ốc xào dừa… nhưng giá cả có vẻ cao hơn năm rồi. Một mùa “lũ đẹp” (nước lớn) đã không tới.
Vô chợ Khánh An biết ngay mùa lũ đã về. Rắn, rùa, cá đồng, bông điên điển, bông súng… từ bên bạn đưa qua bày bán khắp chợ. “Bên Campuchia không làm đê bao, lúa chỉ 1 vụ nên đặc sản mùa lũ còn nhiều. Dân mình sang mướn đất mướn đồng hoặc đóng thuế theo mùa để trồng lúa, đặt dớn, giăng câu lưới cá…”, một trưởng ấp của Khánh An cho biết. Trung bình mỗi ngày (vào vụ) làng khô nhập đến 5 – 6 tấn cá tươi, chủ yếu từ Campuchia, Thái Lan và xuất gần 3 tấn khô ra thị trường trong ngoài nước. Khánh An có 6 bến ốc chuyên thu gom ốc bươu, ốc lác từ các cánh đồng ngập nước ở xã đối diện Pẹc-Chạy hoặc trực tiếp nhận từ Phom Penh, Biển Hồ. Mỗi ngày hàng chục tấn ốc từ đây tỏa về các chợ đầu mối lớn trong nội địa và ra cả phía Bắc.
Nghĩa tình vùng biên
Ranh giới lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi quốc gia, nhưng ở đây đường ranh ấy thật mềm mại bởi bao năm rồi người hai bờ cùng tắm trên con sông biên giới. Chính quyền các xã ven biên cả hai bên đều có các cuộc họp định kỳ nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đoàn kết. Các cột và dấu mốc biên giới chạy qua Nhơn Hội (4 cột), Khánh An (3 dấu mốc) nhanh chóng hoàn chỉnh trong sự hiểu biết đó.
|
Gió đuổi nhau hun hút, nước trong cánh đồng Lò Gò của bạn giáp xã Nhơn Hội ngập trắng xóa, mênh mông như biển. “Để giúp bà con hai bên mùa lũ chúng tôi liên hệ với bạn và đặt các trạm cứu hộ giữa cánh đồng này. Năm ngoái cứu giúp hơn chục trường hợp cả người Việt lẫn Campuchia”, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội Phan Văn Thông cho biết, trạm cứu hộ là những cây được cắm trụ giữa đồng trống, có thể chứa được 4 - 5 người, trên đó để số điện thoại “nóng”. 3 đội cứu hộ của xã thay nhau trực chiến 24/24 giờ. Khánh An có 3 bến phà nối sang đất bạn đưa đón 876 học sinh là Việt kiều Campuchia sang Khánh An học từ mầm non đến THCS. Nhiều chế độ, thủ tục được đơn giản nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em vượt sông kiếm chữ cội nguồn. “Những em có điều kiện thì học lên THPT hoặc cao đẳng, đại học. Thậm chí có người lấy bằng thạc sĩ như anh Diệp Hoàng n đang giảng dạy tại Đại học An Giang”, cô Thúy, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã xã Khánh An nói vậy. Cả Khánh An và Nhơn Hội, bằng nguồn xã hội hóa, từ nhiều năm trước đã sắm được xe chuyển bệnh miễn phí kịp thời cứu giúp người bệnh đôi bờ…
Đất tại Nhơn Hội, Khánh An hầu hết đã khép đê bao, làm lúa 3 vụ xen màu (bắp, đậu, ớt…) với tốc độ cơ giới hóa cao. Khánh An được tỉnh đề xuất lên Trung ương chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đường sá gập ghềnh xưa nay dần đổi thay bằng phong trào Đường ra cánh đồng hoàn toàn bê tông hóa. Xã cũng xóa hết nhà tre lá chuẩn bị nâng cấp lên mái tôn và bê tông hóa. Mô hình rau sạch trồng trong nhà kính tại ấp Thạnh Phú được các nhà khoa học Trường đại học Saga (Nhật Bản) quan tâm xuống tham quan, tìm hiểu hợp tác. So với vùng đầu nguồn phía Châu Đốc, vùng đất An Phú được nhìn nhận thấp hơn, nước ngập sâu hơn. Tính hai mặt của mùa nước đổ khiến cuộc mưu sinh của cư dân thuần nông nơi đây dường như chật vật hơn và luôn cảnh giác. Bà con ở vùng biên giới còn nhiều vất vả. Khánh An còn 215/2.900 hộ toàn xã còn nghèo. Số hộ sở hữu 50 công đất ở Nhơn Hội đếm chưa hết bàn tay. Còn nhiều người di cư kiếm sống... Vùng biên còn nhiều điều trăn trở, còn cần nhiều nỗ lực lắm. Đã thấy và chấp nhận để vươn tới chính là bản lĩnh của người biên ải.
Theo Vũ Thống Nhất / SGGP
>> Khám phá mùa nước nổi
>> Tràm Chim mùa nước nổi
>> Cá lăng kho khóm - đặc sản miền Tây mùa nước nổi
>> Tịnh Biên mùa nước nổi
>> Miền tây đón lũ: Du lịch mùa nước nổi
>> Đồng Tháp mùa nước nổi
>> Hậu Giang mùa nước nổi
>> Cá linh mùa nước nổi
>> Bông điên điển - Món ngon mùa nước nổi
Bình luận (0)