|
Tại cuộc họp nghe tiến độ 3 thủy điện đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu trước ngày 15.11, chủ đầu tư các công trình thủy điện Tr’Hy, Đăk Mi 2 và Đăk Mi 3 phải gửi văn bản cam kết tiến độ xây dựng, nếu không, UBND tỉnh sẽ kiến nghị dừng hẳn việc thi công, xây dựng các công trình này. Ông Đinh Văn Thu nói: “Đúng 5 năm kể từ ngày các dự án thủy điện này bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, trong tổng số vốn đầu tư của cả 3 thủy điện là 4.500 tỉ đồng, thì các thủy điện này chỉ mới thực hiện khối lượng công việc chỉ trên 300 tỉ đồng. Đây là các dự án thủy điện lớn, nếu không báo cáo rõ ràng, tỉnh Quảng Nam sẽ báo cáo Chính phủ”.
Tại cuộc họp, đại diện UBND các huyện Tây Giang và Phước Sơn - nơi xây dựng 3 thủy điện này yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc hỗ trợ cho người dân cũng như khẩn trương triển khai xây dựng các công trình dân sinh liên quan. Trước yêu cầu quyết liệt của chính quyền địa phương, chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 2 cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2016, thủy điện Tr’Hy và thủy điện Đăk Mi 3 cam kết hoàn thành vào năm 2014.
Đập Sông Tranh 2 cần chế độ quan trắc đặc biệt
Trong diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần có quan trắc đặc biệt đối với đập Sông Tranh 2, sau hàng loạt sự cố về rò rỉ nước qua thân đập chính và động đất liên tiếp tại khu vực thủy điện này. Đề xuất này vừa được chính quyền địa phương đặt ra trong báo cáo gửi đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Theo đó, phía EVN ngoài chế độ quan trắc đặc biệt còn phải quan trắc lưu lượng thấm 2-3 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường, khi có mưa lũ cần tăng thêm số lần quan trắc. Đồng thời, lập biểu đồ quan hệ lưu lượng thấm với mức gia tăng mực nước hồ để giám sát diễn biến thấm. Các số liệu quan trắc thấm, kể cả số liệu từ các thiết bị quan trắc về động đất, độ an toàn công trình sau mỗi đợt động đất… phải thường xuyên báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan có liên quan để theo dõi.
Địa phương cũng thúc giục chủ đầu tư khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 đối với trường hợp sự cố vỡ đập; xây dựng bản đồ ngập lụt khu vực hạ du do tác động xả lũ của hồ thủy điện Sông Tranh 2, tổ chức diễn tập để nhân dân chủ động phòng tránh, tăng cường công tác tuyên truyền ở vùng hạ du như cách mà chủ hồ thủy điện A Vương đã thực hiện… Đặc biệt, UBND tỉnh đề nghị rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân, cường độ, phạm vi có khả năng tiếp tục xảy ra động đất, từ đó đề ra giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sinh mạng của hàng chục ngàn người dân khu vực H.Bắc Trà My trong trường hợp tiếp tục xảy ra động đất với cường độ từ 4,6 - 5,5 độ Richter vì nhà ở và các công trình chủ yếu là cấp 4 hoặc bán kiên cố.
Hoàng Sơn - Hứa Xuyên Hình
>> Đảm bảo an toàn công trình thủy điện ngay trong luật
>> Chủ đầu tư thủy điện phải ký quỹ 200 triệu đồng/MW
>> Kiến nghị thủy điện chỉ được tích đầy nước sau ngày 30.11
>> Tạm dừng triển khai 19 thủy điện
Bình luận (0)