Tội phạm gia tăng

02/11/2012 03:35 GMT+7

Bức xúc trước tình trạng phạm tội ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là tội phạm vị thành niên, nhiều ĐBQH đề nghị quy trách nhiệm cho người đứng đầu các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm.

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) bày tỏ lo lắng trước tình trạng đối tượng phạm tội hiện nay số trẻ là phần nhiều và rất phổ biến ở nhiều địa phương, gây nguy hiểm cho xã hội, và cho rằng, đây là một vấn đề hết sức đáng lưu ý trong quá trình tổ chức công tác phòng ngừa. “Tội phạm không chỉ xảy ra ở ngoài xã hội mà ngay trong gia đình. Nhiều trường hợp vợ, chồng chém giết lẫn nhau, con giết cha, cháu giết ông bà để cướp tiền. Anh em ruột xử sự với nhau bằng dao, búa. Đây là vấn đề hết sức lưu ý trong vấn đề xây dựng gia đình”, ông Dân đơn cử.

Cần bổ sung hình phạt tù suốt đời

Truy tìm căn nguyên của tình trạng này, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, thực trạng phổ biến hiện nay là nhờn luật, coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước. Nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất dẫn tới hành vi phạm tội ngày càng gia tăng là do chúng ta phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trong lĩnh vực hành chính, vi phạm trong lĩnh vực hoạt động tố tụng và kể cả hành vi phạm tội chưa kịp thời, chưa triệt để; số đã phát hiện được thì xử lý chưa nghiêm.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng dẫn lại báo cáo Chánh án TAND tối cao cho thấy thực tế đáng lo ngại, đó là chỉ riêng năm 2012, tòa án đã đưa ra xét xử 6.425 bị cáo là người chưa thành niên, tăng hơn cùng kỳ 1.853 bị cáo. Ông Học cho rằng, với số liệu gần 6.500 bị cáo là người chưa thành niên phải ra trước tòa, chịu sự trừng trị của pháp luật, tăng hơn năm 2011 trên 40% là điều “rất đáng để chúng ta suy nghĩ”. Để đẩy lùi thực trạng này, ĐB Học đề nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chế tài xem xét trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu để tội phạm gia tăng.

Cũng lo lắng trước tình trạng hằng năm có từ 16.000 - 18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội và chỉ trong 5 năm qua, từ 2007 - 2012 các lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 người chưa thành niên phạm pháp, trên 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra hiện nay là sau những vụ cướp, giết dã man như vậy, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ như các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với người lớn, tâm lý coi thường pháp luật trong vị thành niên gia tăng. Quần chúng nhân dân rất bức xúc, cử tri rất gay gắt cho rằng nhà nước quá nương nhẹ, dư luận cho rằng lương tri đang bị thách thức”.

Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát (Viện KSND tối cao) Đỗ Văn Đương thì kiến nghị, sắp tới sửa bộ luật Hình sự, cần quy định phải chấp hành được gần 90% hình phạt thì mới xem xét giảm án, đặc xá. Ngoài ra, cần bổ sung hình phạt tù suốt đời đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đưa các đối tượng hình sự nguy hiểm, giết người, buôn lậu ma túy ra đảo, vùng sâu, vùng xa, khai hoang phục hóa, vừa cách ly họ ra khỏi xã hội, vừa bảo đảm an toàn cho xã hội.

Vẫn xử bắn trong khi chờ thuốc độc

Qua thảo luận của các ĐB cũng cho thấy, việc chưa tìm được nguồn thuốc độc để thi hành án tử hình theo luật định đang phát sinh nhiều hệ lụy trên thực tế. Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa dẫn thông tin từ báo cáo của ngành kiểm sát cho thấy, đến nay còn 508 người bị kết án tử hình, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được, trong đó đã có 3 người chết do bị bệnh tật, 3 người tự sát, thậm chí có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng, nguyên nhân là chưa mua được thuốc độc. Để sớm giải quyết tình trạng này, ngoài đề nghị “Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc trình dự án luật để QH xem xét thông qua trên cơ sở đảm bảo đủ điều kiện thi hành khi luật có hiệu lực, tránh tình trạng bế tắc như luật Thi hành án hình sự hiện nay”, ông Nghĩa cho rằng QH cần xem xét trong kỳ họp này ban hành Nghị quyết quy định rõ trong khi chờ nguồn thuốc độc cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn, vì nếu tiếp tục kéo dài thời gian thi hành án tử hình ngày nào sẽ gây tâm lý căng thẳng, phức tạp.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Mặc dù Bộ Công an khẳng định có thể thực hiện vào đầu năm 2013, nhưng chúng tôi thấy khó khăn còn chồng chất. Vấn đề không phải chỉ có ở nguồn thuốc độc, còn rất nhiều khó khăn khác vì Chính phủ bỏ tiền ra khá nhiều để xây 5 địa điểm thực thi loại án này, nhưng vận chuyển 1 người thi hành án tử hình từ vùng sâu, vùng xa đi hàng trăm cây số đến nơi thi hành án có rất nhiều rủi ro”.

Cơ quan nhà nước bồi thường 16 tỉ đồng do làm sai

Theo báo cáo của Chính phủ, kể từ 1.1.2010 (thời điểm luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực) đến ngày 30.9.2012, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 165 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã giải quyết được 122/165 vụ việc (đạt tỷ lệ 74 %), còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết, với tổng số tiền bồi thường là gần 16 tỉ đồng. Trong đó tập trung ở 3 lĩnh vực, quản lý hành chính là 6,4 tỉ đồng, tố tụng là 7,9 tỉ  đồng và thi hành án dân sự là 1,5 tỉ đồng.

 Theo đánh giá của Chính phủ, một trong những mục tiêu của luật là xác lập một cơ chế pháp lý thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, qua thực tế giải quyết yêu cầu bồi thường đã bộc lộ một số hạn chế, làm cho người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn lúng túng trong hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả.

Anh Vũ - Nguyệt Minh

Bảo Cầm

>> Trừng trị tham nhũng
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng

>> Xử lý chủ yếu là “tham nhũng vặt”
>> Xử lý tham nhũng chưa nghiêm
>> Thuế và tham nhũng
>> “Đến bà quét rác cũng có thể tham nhũng”
>> Dự luật Đất đai sửa đổi: Chưa “bịt” được kẽ hở tham nhũng
>> Loại bỏ tham nhũng, bảo đảm quyền lợi của dân
>> Tham nhũng, trục lợi đất đai gây bất bình trong nhân dân
>> Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ: Vinalines và nạn tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.