23.000 tù nhân viết tự truyện: Hạnh phúc không có con đường tắt

04/11/2012 03:10 GMT+7

Nằm trong trại giam, cựu giáo viên trẻ Bùi Hoàng Anh luôn day dứt, tự vấn lương tâm về việc anh chưa một ngày báo hiếu được cho cha, mẹ mà đã gây cho gia đình có truyền thống cách mạng của mình những nỗi đau không dễ gì nguôi quên được.

Là một trí thức trẻ, đã có thời gian làm giảng viên của một trường cao đẳng, nên tự truyện Tôi vô cùng hối hận của phạm nhân Bùi Hoàng Anh viết rất có văn và sinh động. Anh đang thụ án 27 tháng tù về tội “tàng trữ trái phép ma túy” ở Trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa).

 Một phạm nhân viết tự truyện
Một phạm nhân viết tự truyện - Ảnh: Đ.V.H cung cấp

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội của Hoàng Anh là cán bộ tiền khởi nghĩa hoạt động suốt hai cuộc kháng chiến, rồi cả cha và mẹ của Anh đều là cán bộ lâu năm trong ngành công an. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cha của Hoàng Anh đã tình nguyện xung phong vào công tác ở một đơn vị công an trong đó, còn mẹ được điều động về làm tại một trại giam của Bộ Công an. Theo lời kể của một người bạn thân, khi nhận được tin người vợ sinh con trai đầu lòng, người bố vui mừng khôn tả và dường như ngay lập tức ông đã bỏ hút thuốc lá, cắt hết mọi chi tiêu lặt vặt, tiết kiệm trong một năm, dành dụm để có tiền tàu xe về và mua quà cho con trai của mình vào đúng ngày sinh nhật khi Hoàng Anh vừa tròn một tuổi.

Nỗi đau thầy giáo trẻ

Sau 7 năm công tác ở miền Nam với nhiều thành tích xuất sắc, cha của Hoàng Anh được tổ chức tạo điều kiện chuyển công tác về quê cho gần gia đình và mẹ của anh cũng chuyển về đó. Năm 1999, Hoàng Anh thi vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1, là một trong những trường đại học có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao nhất nước. Khi biết tin con đỗ vào trường này, cha mẹ Anh rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng niềm vui chưa dứt thì một thực tế đã bắt người cha phải giải một bài toán khó, đó là với đồng lương của hai cán bộ nhà nước không thể cùng lúc nuôi hai con ăn học, khi người cha lúc đó cũng đang học một lớp đại học tại chức, chỉ còn một năm nữa là xong. Đáp án của người cha đưa ra là ông quyết định bỏ dở lớp học ấy để dồn sức cho hai con ăn học. Khi đó Hoàng Anh đã vô tâm khi hỏi bố: “Sao bố không học nữa, gần xong lại còn bỏ dở” và cũng thật vô tâm khi tin ngay vào câu trả lời của bố: “Công việc cơ quan quá bận rộn, bố cũng sắp nghỉ hưu, không có thời gian để học tiếp con à!”.

Năm 2003 sau khi tốt nghiệp ra trường, Anh được nhận vào giảng dạy tại một trường cao đẳng tại tỉnh nhà. Sau đó, Anh lấy vợ và có được một cậu con trai bụ bẫm trong niềm hân hoan của cả hai bên gia đình. Nhưng rồi tai họa và nỗi buồn bắt đầu trút xuống đầu gia đình họ.

Hai tháng sau khi sinh con, vợ Anh xuất hiện dấu hiệu ung thư, càng về sau khối u càng lớn và cơn đau xuất hiện nhiều. Thương con, thương cháu, cha mẹ Hoàng Anh đã cố gắng làm mọi cách để chăm sóc và cứu chữa cho con dâu. Mắt mẹ Anh dường như lúc nào cũng thâm quầng và sưng húp do thiếu ngủ vì chăm con dâu, chăm cháu nhỏ, và ban ngày vẫn phải vào cơ quan làm việc bình thường. Cha của Anh thì tóc ngày càng thêm bạc, nỗi lo âu ngày càng hằn rõ trên khuôn mặt. Trước tình cảnh đó, Hoàng Anh đã quyết định bỏ dạy học, bỏ hết công việc để dành thời gian chăm sóc và đưa vợ đi chữa bệnh khắp nơi. Nhưng rồi sau đó, vợ anh đã qua đời để lại nỗi đau suy sụp cho gia đình. Chính vào thời điểm khủng hoảng đó, Hoàng Anh gặp M. một người bạn cũ và anh này đã xui chơi ma túy để giải tỏa sự ưu phiền. Nhưng Anh chỉ chơi heroin một lần rồi thôi.

Sau đó, theo lời khuyên của gia đình, Hoàng Anh vào Nam lập nghiệp. Anh dạy hợp đồng cho vài trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, rồi cùng một người thân mở công ty thương mại. Qua mối quan hệ công việc và gia đình, Hoàng Anh làm quen và yêu thương một người con gái Hà Nội cũng vào Nam lập nghiệp. Được sự vun vén của hai bên gia đình, Hoàng Anh quyết định đi bước nữa khi thấy được sự yêu thương, chăm sóc của cô ấy với đứa con trai tội nghiệp của mình. Thời gian sau, vợ chồng Hoàng Anh quay trở về miền Bắc với mong muốn gần gũi và san sẻ một phần gánh nặng trên vai cha mẹ anh.

Thấm tình mẹ, nghĩa cha

Trở về quê, khi chưa có công việc gì, Hoàng Anh tham gia vào việc làm đồ thủ công mỹ nghệ với người anh vợ. Do ham việc, ngồi nhiều nên Anh mắc chứng đau lưng phải đi chữa nhiều nơi mà không khỏi. Lúc ấy, tình cờ Anh gặp lại M., người bạn cũ trước đây đã từng rủ anh chơi ma túy. M. tiếp tục khuyên bạn thử hút heroin cho đỡ cảm giác đau lưng và cứ thế Hoàng Anh sa chân vào con đường hút xách.

Một lần M. đi vắng, Anh hỏi và xin được số điện thoại của một người chuyên bán ma túy. Đến lần thứ ba, khi Hoàng Anh đến mua ma túy của người này thì bị công an bắt giữ. Lúc đó, được cán bộ điều tra giải thích, Anh mới ngã ngửa khi biết rằng mình đã vi phạm pháp luật, hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy cũng bị xử tù chứ không phải chỉ buôn bán ma túy mới bị xử tù như vẫn nghĩ. Hoàng Anh đau đớn giãi bày: “Thời khắc ấy, tôi đã thực sự suy sụp, như một tàu lá chuối bị phạt ngang, tôi gục mặt xuống bàn tự nhủ: “Thế là hết”. Vì ngu si, vì chủ quan, vì nông cạn và thiếu hiểu biết, lại liều lĩnh, tôi đã phải trả cái giá quá đắt, 27 tháng tù giam. Ngày xét xử, chỉ có mẹ và vợ tôi đến dự phiên tòa, cả hai người phụ nữ ấy đã bật khóc. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ nghẹn ngào nói lời xin lỗi đã quá muộn màng”.

Những đêm sau đó trong trại giam, Hoàng Anh nằm mà hai mắt cứ dán chặt một cách vô định lên trần nhà giam và trong lòng cứ vang lên những tiếng độc thoại ân hận và cay đắng, những đoạn độc thoại ấy cứ ám ảnh Anh, ám ảnh đến tận bây giờ và không biết đến bao giờ mới hết. Đó cũng chính là những câu hỏi tự vấn lương tâm của anh: “Cả đời cha gương mẫu phấn đấu trong ngành công an làm gương cho con cái. Ngờ đâu câu thành ngữ “cha làm thầy, con đốt sách” lại ứng vào cha con mình, cha xấu hổ vì con đúng không cha? Cha tôi đã dạy tôi một điều mà bây giờ ngẫm lại tôi thấy thật thấm thía, đó là câu nói “Không có một con đường nào để đi tắt đến hạnh phúc” và tôi đã phải trả giá khi muốn đi tắt như vậy để mau chóng vượt qua nỗi đau về tinh thần cũng như thể xác. Con đường “đi tắt” đó chính là ma túy đã dẫn con người ta xuống vực sâu. Ngày trước với sự vô tâm của tuổi trẻ, tôi chẳng mấy khi để ý đến khẩu hiệu “Ma túy không nên thử dù chỉ một lần”, nên tôi mới có kết cục như ngày hôm nay”. 

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tình yêu của người vợ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Ba lần vào tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Nẻo về của một trí thức trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Nỗi đau của hai người mẹ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tội ác và trừng phạt
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư trong tù của thầy giáo trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.