Có thể nói tự truyện của trại viên Ngô Như Cường nói trên, viết khá hấp dẫn không phải vì tính khôi hài tự răn mà nó còn như một bài học cho những ai muốn “xả rác” vào một nửa cuộc đời của mình là gia đình, vợ con. Viết tự truyện Sau mưa trời sẽ nắng, Cường cho biết một phần mong được sự cảm thông của người đọc, một phần để thổ lộ, giãi bày những tâm sự và nhìn rõ lại chính mình, qua đó mong những ai có hoàn cảnh như Cường xem đây là bài học, để tránh xa thói hư tật xấu, tự hoàn thiện, đừng để sự hối hận giày vò, đừng làm buồn, làm khổ những người thân yêu nhất của đời mình.
Người vợ thủy chung
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầy đủ cả cha và mẹ, cuộc sống tuy không khá giả nhưng đầy đủ, Cường được cắp sách vở đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Sau khi học hết phổ thông, Cường theo cha là chủ thầu xây dựng làm việc tại các công trình với cuộc sống “ngày cơm quán, tối ngủ công trường”. Năm 20 tuổi, Cường đi bộ đội, sau gần ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về lại thu xếp hành trang theo cha hết công trình này đến công trình khác. Năm 1997, cha Cường đột ngột qua đời, anh tiếp quản một phần tiền bạc và công việc của cha để lại, vẫn tiếp tục đi hết công trình này đến công trình khác.
Năm 1999, Cường gặp và yêu một cô gái hiền thảo và quyết định đi đến hôn nhân. Cô phụ cha mẹ ở tiệm photocopy tại nhà. Cường vẫn theo đuổi nghiệp xây dựng. Năm 2000, trong một lần xảy ra mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, lòng tự ái nổi lên, Cường bỏ gia đình, tiếp tục đeo đuổi cuộc sống nay đây mai đó, bỏ mặc người vợ trẻ đang mang thai hơn 3 tháng. Sau bao ngày lăn lộn ngoài đời, thành công có, thất bại có, nhìn lại tuổi gần 40, lương tâm “lên tiếng”, Cường lại nghĩ về người vợ trẻ và giọt máu của mình. Năm 2004, sau khi biết người vợ vẫn chung thủy chờ đợi chồng, sống cùng cha mẹ, nuôi dạy đứa con gái vừa tròn 4 tuổi, Cường quyết tâm quay về, tạ lỗi với cha mẹ, anh chị bên vợ, xin vợ tha thứ bỏ qua chuyện cũ, chấp nhận nối lại cuộc hôn nhân để con có cha có mẹ. Do Cường là dân xây dựng ngoài công trình nên nước da đen bóng, anh thường nói với vợ con: “Anh là gốc cổ thụ cháy đen để em và con ngồi nghỉ khi nào mệt!”.
|
Về với vợ con, gây dựng lại cuộc sống mới, Cường từ bỏ nghề xây dựng, đầu tư vốn mở một tiệm photocopy và đánh máy vi tính, cả hai vợ chồng cùng làm. Cuộc sống hạnh phúc bên vợ con tuy không giàu có nhưng không thiếu thốn, gia đình luôn đầy ắp tiếng cười. Năm 2007, gia đình họ có thêm một cô “công chúa” bé nhỏ. Nhưng không biết “ma xui quỷ khiến” thế nào, năm 2008, khi cuộc sống tràn đầy hạnh phúc bên người vợ trẻ và hai con gái bé bỏng, sự bôn ba “nay đây mai đó” lại thôi thúc Cường có ý định ra đi. Vợ phản đối không cho đi, Cường thấy mình bị ràng buộc, bị quản lý, bị mất “tự do”, nên bực bội, bỏ bê công việc và tìm đến rượu giải khuây. Mỗi lần say, về nhà, Cường luôn kiếm chuyện với vợ, đập phá đồ đạc, chửi mắng vợ con. Không chịu xiết, người vợ tay ẵm, tay dắt con về tá túc bên nhà cha mẹ mình. Cường không buông tha và hễ uống rượu say lại tìm đến, có những lời lẽ xúc phạm đến vợ và gia đình bên vợ. Đến “nước cùng” họ phải nhờ đến công an địa phương can thiệp, giáo dục Cường.
Hai lần xin tha thứ
Những ngày sống xa vợ con, Cường cảm thấy cô đơn và hối hận, một lần nữa anh về xin lỗi cha mẹ vợ, xin được phép rước vợ con về chung sống và được họ chấp nhận tha thứ. Một tháng sau Cường đột ngột phát bệnh, phải nhập viện với căn bệnh “tai biến mạch máu não”. Trước sự chăm sóc chu đáo của vợ, Cường ân hận: “Trời Phật đã trừng phạt tôi. Nằm trên giường bệnh, cô ấy luôn túc trực lo cho tôi từng miếng ăn, từng viên thuốc, chưa một lần tôi thấy cô ấy có một cử chỉ hay hành động hằn học, chán nản, cô ấy luôn nở nụ cười động viên, khích lệ, an ủi để tôi mau lành bệnh. 15 ngày sau, tôi xuất viện với một bên người gần như bị liệt, rất yếu, mọi công việc kinh doanh, việc nhà, con cái đều đổ dồn lên vai bé nhỏ của người vợ thân yêu. Về điều trị tại nhà gần 2 tháng, sức khỏe dần bình phục, tôi đi đứng được, tự đi vệ sinh, làm một số công việc nhẹ và ra tiệm phụ giúp vợ”.
Sau đó, tháng 9.2010, Công an huyện mời Cường lên trụ sở và đọc quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đưa Cường vào Cơ sở giáo dục Phú Hòa với thời gian chấp hành 24 tháng vì đã có hành vi vi phạm pháp luật là “ngược đãi vợ con và gây rối trật tự công cộng” trước đây.
Đến thời điểm này, Ngô Như Cường đã trở về với gia đình, thực hiện lời hứa “sẽ là gốc cổ thụ cháy đen cho vợ con ngồi nghỉ khi nào mệt” và cho biết, sau này có dịp đi qua Cơ sở giáo dục Phú Hòa, Cường sẽ kể cho các con nghe câu chuyện những tháng ngày anh ở đó để làm lại cuộc đời.
Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tình yêu của người vợ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Hãy giúp con đứng dậy làm người
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Ba lần vào tù
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Nẻo về của một trí thức trẻ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Nỗi đau của hai người mẹ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tội ác và trừng phạt
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Sự sa ngã của một nhà giáo
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Vị đắng tình yêu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Phục thiện để được hồi sinh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Từ cái chết của người con gái 20 tuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Thức tỉnh “quái kiệt” giang hồ
Bình luận (0)