Kiến thức của học sinh còn giáo điều, lạc hậu
Trong quá trình dạy môn cơ sở văn hóa Việt Nam và khảo cổ học cho sinh viên năm thứ nhất (đa số thi đầu vào khối C) của ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi thấy kiến thức lịch sử văn hóa trong nước và thế giới của học sinh phổ thông rất lỗ mỗ, lạc hậu và giáo điều.
|
Một số kiến thức thường thấy nhất của các em về văn hóa/lịch sử Việt Nam chỉ là "Việt Nam là cái nôi của loài người, của nông nghiệp trồng lúa nước", "trống đồng là của người Việt"… Thực ra, những nhận thức kiểu này tạo ra niềm tự hào dân tộc nhưng còn nhiều điều cần phải làm rõ về mặt khoa học. Nhiều lý do dẫn đến nhận thức sai lệch nhưng chắc chắn có phần do thời lượng dạy văn hóa, dân tộc học trong sách lịch sử quá ít. Tham khảo sách giáo khoa, tôi thấy phần lớn là lịch sử chiến tranh.
Lịch sử chiến tranh nếu được lồng ghép phần văn hóa, ứng xử với tự nhiên và xã hội sẽ trở nên sinh động hơn nhiều. Chẳng hạn, trước đây, khi học lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng tôi được dạy “bưng biền” là gì. Nhưng giờ đây, không sinh viên nào của tôi có thể giải thích khái niệm “bưng”. Nếu không hiểu “bưng“ là khu vực ngập mặn, nơi có nhiều rừng đước thì làm sao có thể hiểu được thế nào là “chém vè”, một cách thức ngụy trang của bộ đội ta trong kháng chiến. Chính những chất liệu về cách ứng xử - cũng chính là văn hóa - như thế làm bài học sinh động lên hơn nhiều. Nhưng các em đã không được dạy những điều như thế này.
Kiến thức quá nhiều, đọng lại không bao nhiêu
Sách giáo khoa có những phần điểm đến văn hóa nhưng khá chung chung và chưa khoa học.
Chẳng hạn sách lớp 6 dành toàn bộ nội dung để trình bày về lịch sử thế giới cổ đại, lịch sử Việt Nam từ khởi đầu đến thế kỷ X với quá nhiều kiến thức, cố làm gọn đến mức khô khan nên chả khác gì giáo trình lịch sử thu nhỏ dành cho bậc đại học. Vì thế không phù hợp với tâm sinh lý của học sinh những năm đầu THCS. Sách lịch sử lớp 7, trang 48 có đoạn viết về điêu khắc và kiến trúc: “Trình độ điêu khắc tinh vi, thanh thoát được thể hiện trên các tượng Phật, ở các hình trang trí rồng, các bệ đá hình hoa sen. Rồng mình trơn, toàn thân uốn khúc, uyển chuyển như ngọn lửa là hình tượng nghệ thuật độc đáo, phổ biến thời Lý”. Mô tả về rồng này trên thực tế không đủ để các em nhận biết được đúng con rồng thời Lý. Trong khi đó nếu chỉ chọn một đặc điểm là những nếp uốn như miệng túi kèm theo hình (trong sách có hình) thì việc nhận dạng sẽ dễ dàng. Bản thân đoạn văn cũng ngắn lại.
Sau này trong sách lớp 10, trang 93 cũng có một hình rồng thời Lý. Song việc không mô tả đặc trưng rồng Lý, dù chỉ một câu khiến hình này khó đọng lại. Có lẽ, chính vì sự mô tả rồng rất thiếu đặc trưng này mà kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, những mô hình rồng dựng lên sai nhiều mà ít người phát hiện. Để có hệ thống, có thể mô tả về sự khác nhau của những con rồng trong các thời kỳ. Chỉ cần viết ngắn, kèm hình mô tả, chỉ rõ trên hình đó, các em sẽ dễ hiểu, dễ nhớ.
Trong khi văn hóa của chúng ta đậm nét làng thì các em lại không có kiến thức cơ bản về làng. Có thể nói, sống ở làng mà không biết làng, đình, chùa là gì. Tôi không rõ các giáo viên đã được hướng dẫn cách dạy sử địa phương ra sao nhưng sách giáo khoa tôi đọc không hề nói tới khác biệt văn hóa vùng miền này. Vì thế học sinh kém hiểu biết về sử địa phương nên dễ dẫn đến kỳ thị văn hóa, dè bỉu vùng miền.
Sách giáo khoa cũng chỉ lấy người Việt làm trung tâm, chủ yếu là người Việt ở miền Bắc, quan hệ giữa các dân tộc cũng không được đề cập. Trong khi đó, chính chúng ta cũng học được từ họ rất nhiều trong lối sống, ứng xử chinh phục môi trường. Chẳng hạn, cách trồng lúa nước, đào mương, mai. Văn hóa Óc Eo và Chăm Pa cũng không được nhắc tới một cách thỏa đáng.
Ý kiến Hướng tới đa dạng văn hóa Đất nước của chúng ta có 54 dân tộc bình đẳng. Giảng dạy lịch sử mà quên lịch sử văn hóa các dân tộc là rất có hại. Học sinh sẽ không hiểu được quá trình hình thành của dân tộc khác, dẫn đến không nhận thức đúng và khó học được cách tôn trọng nhau. Trong khi đó, UNESCO luôn hướng tới bảo tồn đa dạng văn hóa. PGS-TS Nguyễn Văn Huy Lịch sử của một cộng đồng cư dân nhiều tộc người Nhìn một cách đại thể, người Kinh là dân tộc đa số sống tập trung ở vùng đồng bằng, châu thổ và các đô thị lớn nhưng cũng có những bộ phận sống xen kẽ ở trung du và miền núi từ lâu đời. Các tộc người thiểu số cũng có nhóm có địa bàn cư trú khá tập trung, song tình trạng phổ biến là sống xen kẽ. Mỗi một tộc người có tiếng nói riêng, có sắc thái văn hóa riêng. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một cộng đồng cư dân nhiều tộc người nhưng một khi đã hòa chung vào cộng đồng dân tộc Việt Nam thì chung sức chung lòng cùng nhau dựng nước và giữ nước. GS-TS Nguyễn Quang Ngọc |
PGS-TS Lâm Mỹ Dung
(Giám đốc Bảo tàng Nhân học, ĐH Quốc gia Hà Nội)
(Trinh Nguyễn ghi)
>> Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh ?
>> Nhìn nhận lại môn lịch sử: Một nửa sự thật về nhà Hồ
Bình luận (0)