Một là, các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê trên thế giới không phải là những nước mạnh về kinh tế, công nghệ và phần lớn thuộc về khu vực đang phát triển được gọi là phía nam trên toàn cầu so với phía bắc là khu vực phát triển. Những nước này nằm quanh vành đai xích đạo thuộc khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới cũng không phải là những nước tiêu thụ cà phê mạnh và phải tùy thuộc vào các nước phát triển như Tây u, Bắc Mỹ, và Nhật cho thứ hàng nông sản này của mình. Những sàn giao dịch nông phẩm trong đó có cà phê định đoạt giá cả cho thị trường là ở London, New York, Hamburg - chứ không phải tại những xứ sở xuất khẩu.
Những nông sản phẩm này trên các thị trường chứng khoán giao dịch được gọi chung là futures (tương lai) tức là chỉ những sản vật hoặc tồn kho sẽ được giao hàng trong tương lai; thường là cho vụ mùa tới hoặc năm tới. Vì những hàng nông sản lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết biến đổi thất thường hằng năm lên xuống - khác với sản phẩm công nghệ có thể trù hoạch và tiên đoán là điều chỉnh khít khao theo số cầu và số cung hơn rất nhiều. Do đó giá cả thăng giáng trên thị trường biến thiên theo tự thu hoạch hằng năm và kho dự trữ an toàn.
Hai là, Việt Nam hiện là nước sản xuất và xuất khẩu số lượng cà phê lớn nhất trên thế giới, nhưng thương hiệu của cà phê Việt Nam thì hầu như không được ai biết đến, vô hình vô ảnh, không tên không hiệu. Trong khi đó, những thương hiệu lẫy lừng và quen thuộc với người tiêu dùng khắp thế giới lại thuộc về những tập đoàn “đầu nậu”, trung gian, chuyên chế biến và phân phối thuộc những cường quốc công kỹ nghệ không hề sản xuất.
Cả hai hiện tượng nghịch lý này đều nằm trong một luận lý rất chặt chẽ chi phối kinh tế toàn cầu từ cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 18 và đã là nền tảng cho sự tranh chấp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản suốt hai thế kỷ 19 và 20.
Trong những sản phẩm tự nhiên, dầu hỏa và cà phê là những trường hợp điển hình cho cơ chế kinh tế toàn cầu này. Sau hơn một thế kỷ bị khai thác lũng đoạn và bóc lột trắng trợn, các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu thô đã thành lập một tổ chức định đoạt khai thác và làm giá cho thứ hàng hóa chiến lược này vào năm 1973 và ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo ra quyền lực riêng cho những nước xuất khẩu dầu mỏ.
Không giống như dầu hỏa được sử dụng cho những nhu cầu nóng như chiến tranh,... cà phê gần như một thứ quyền lực mềm, hòa bình, và chủ yếu đáp ứng cho tập quán tinh thần, khai phá và sáng tạo. Trong khi dầu thô là giới hạn và không thể tái tạo được nên ngày càng cạn kiệt thì cà phê là nguồn “dầu mỏ” có khả năng tái tạo nếu có một chính sách phát triển bền vững, có thể tồn tại muôn thuở vì con người.
Vì nhu cầu của chính mình, vì lợi ích của sự đoàn kết giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê trong cùng hoàn cảnh, Việt Nam nên chủ động đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một tổ chức gồm những nước xuất khẩu cà phê trên thế giới để có quyền tự chủ hơn và tranh thủ sự mậu dịch quốc tế công bằng hơn. Đó là cách tốt nhất để thoát khỏi tình trạng chảy máu cà phê thô và xây dựng an ninh nguyên liệu cà phê Việt, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội địa và để người Việt có cà phê Việt Nam để uống. Lợi nhuận từ cà phê hiện nằm trong tay những tập đoàn quốc tế chế biến và phân phối với hơn 90% tổng lợi nhuận. Một mặt thu mua cà phê thô của Việt Nam với giá rẻ, một mặt những doanh nghiệp này kêu ca về chất lượng của cà phê Việt Nam để dìm giá, mặt khác lại xuất sang một nước thứ ba, làm mất đi thương hiệu cà phê Việt Nam, tái nhập lại Việt Nam và đóng mác một nước khác để thu lại giá trị cao hơn nhiều lần.
Cùng với những nông sản phẩm khác mà Việt Nam có địa vị cao như hạt điều, hạt tiêu,… chúng ta cần một quốc sách phát triển bền vững và một chiến lược liên minh với các quốc gia tương đồng nhiều mặt trong khu vực và trên thế giới để tạo thành một sức mạnh kinh tế hòa bình và chung sống hài hòa, phát triển. (Còn tiếp)
Bình Nguyên
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Cà phê và làm đẹp
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Các xu hướng quán mới ở Việt Nam
Bình luận (0)