Vóc dáng công nghiệp trên đất thuần nông
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết ngay từ khi mới chia tách (năm 2004), tỉnh Hậu Giang đã tiến hành quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung; đồng thời đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp tại địa phương. “Là tỉnh thuần nông, tuy tập trung đặc biệt cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nhưng công nghiệp vẫn được chú trọng phát triển theo chiến lược của tỉnh”, ông Chánh nhấn mạnh.
|
Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu là KCN đầu tiên của tỉnh Hậu Giang được xây dựng trên địa bàn H.Châu Thành. Theo quy hoạch, KCN Sông Hậu có diện tích 290 ha, thu hút 8 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 6.000 tỉ đồng. Hiện nay, ngoài 2 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, còn có thêmnhiều nhà đầu tư mới xin chủ trương đầu tư. Ngoài KCN này, H.Châu Thành đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng các CCN trọng điểm của tỉnh, như: CCN tập trung Đông Phú, CCN Phú Hữu A… Như vậy, mặc dù mới được thành lập hơn 8 năm, nhưng tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có 2 KCN, 4 CCN tập trung, thu hút được 64 dự án (có 27 dự án đi vào hoạt động), với tổng số vốn đầu tư trong nước gần 49.000 tỉ đồng và 653,7 triệu USD. Đặc biệt, Hậu Giang đã thu hút được nhiều dự án lớn như dự án xây dựng nhà máy thép với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Ngoài các khu, CCN trọng điểm của tỉnh, trên địa bàn còn có 4 CCN - tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị, thành với tổng số vốn đầu tư 1.084 tỉ đồng và đã có 11 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Tạo hấp lực thu hút đầu tư
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Liên Khoa cho biết thời gian qua, cơ cấu kinh tế của Hậu Giang đang trong quá trình chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ (hiện tỉ trọng khu vực 1 chiếm 30,1%, khu vực 2 chiếm 32,18%, khu vực 3 chiếm 37,72%). Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp ở tỉnh này ngày càng phát triển mạnh, năm 2012 ước tính giá trị sản xuất thực hiện đạt gần 5.170 tỉ đồng, tăng 24% so với năm trước, vượt gần 11% so với kế hoạch. “Nhờ xác định công nghiệp là con đường ngắn nhất để đưa Hậu Giang thoát cảnh thuần nông, nên ngay từ khi chia tách tỉnh, Hậu Giang luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đầu tư và phát triển. Lãnh đạo tỉnh và các địa phương luôn linh động trong thu hút, kêu gọi đầu tư trên cơ sở chọn lọc từng dự án sao cho phù hợp định hướng phát triển của từng địa phương. Là một tỉnh mới được thành lập, nên ngoài các chính sách chung, từng địa phương còn tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi khác cho nhà đầu tư”, ông Khoa cho biết thêm.
|
Tuy nhiên, theo nhiều người, tiềm năng phát triển công nghiệp ở tỉnh Hậu Giang vẫn chưa được khai thác tốt, do còn một số cản lực. Đơn cử như hình thức ứng vốn của nhà đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu, CCN. Mặc dù đây được xem là điều kiện thuận lợi cho một tỉnh mới chia tách, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế; nhưng trên thực tế hình thức này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có năng lực về tài chính. Vì thế, thời gian qua dù các khu, CCN được quy hoạch đã thu hút được một số dự án lớn, nhưng một số nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính đã xin rút dự án hoặc dự án chậm triển khai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch và giải phóng mặt bằng, thiếu vốn giải phóng mặt bằng tạo được quỹ đất sạch để giao đất ngay cho nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ chưa đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư của các nhà đầu tư tại các khu, CCN tập trung…
Hoàng Nguyên
>> Hậu Giang: Chanh không hạt Châu Thành xuất ngoại
>> Hậu Giang: Nuôi cá cá thác lác cườm lãi 55 triệu đồng/ha
>> Hậu Giang: Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Cách Mạng Tháng Tám
>> Hậu Giang: Thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu mía”
>> Hậu Giang: Hủy bỏ 36 đồ án quy hoạch
>> Hậu Giang: Trung tâm y tế tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động
>> Hậu Giang: Hơn 32,5 tỉ đồng thực hiện cánh đồng mẫu lớn
>> Hậu Giang: Hơn 133 tỉ đồng xây dựng đường 19 tháng 8
Bình luận (0)