Theo báo cáo quốc phòng thường niên của tạp chí Jane’s Defence Weekly (JDW), nhiều chuyển động đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự diễn ra từ Nam Á đến Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á.
Trong đó, tất nhiên, Trung Quốc vẫn là nước ồn ào nhất khu vực với nhiều dự án phát triển cả hải, lục lẫn không quân. Năm nay, sau khi bàn giao hàng không mẫu hạm đầu tiên mang tên Liêu Ninh cho lực lượng hải quân, Bắc Kinh lại tung ra hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ J-15 đã cất cánh và đáp thành công xuống tàu này. Lâu nay, Trung Quốc âm thầm phát triển chiến đấu cơ J-15, vốn bị cho là sao chép từ mẫu Su-33 của Nga. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc gần đây cũng phát đi hình ảnh của chiến đấu cơ J-31 được cho thuộc thế hệ 5 và tích hợp khả năng tàng hình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, J-31 thực ra là mẫu sao chép từ dòng F-35 của Mỹ. Về lâu dài, giới chuyên gia nhận định thêm J-31 có thể được phát triển thêm những phiên bản để triển khai trên tàu sân bay.
|
Thực sự, Bắc Kinh đang tăng cường mạnh mẽ khí tài hải quân. Năm 2012, Trung Quốc chính thức hạ thủy các khinh hạm đầu tiên thuộc lớp 056 mang theo tên lửa và có khả năng tác chiến đa nhiệm. Cũng trong năm 2012, Bắc Kinh tiếp tục hạ thủy thêm các tàu khu trục thuộc lớp 052C (còn gọi là lớp Lữ Dương II hoặc lớp Lan Châu). Ngoài ra, hồi tháng 8, truyền thông Trung Quốc lại úp mở về việc nước này đang đẩy nhanh quá trình chế tạo khu trục hạm lớp 052D, được giới thiệu hiện đại ngang ngửa các tàu chiến Nhật tích hợp Aegis. Theo đó, Bắc Kinh đang cố gắng sớm sở hữu tổng cộng 16 chiến hạm hiện đại thuộc 2 lớp 052C và 052D. Tuy nhiên, dù công bố nhiều thế hệ chiến hạm mới nhưng Bắc Kinh lại khá im lặng về khả năng hiện đại hóa mạng lưới Máy tính liên lạc điều khiển chỉ huy và do thám giám sát tình báo (gọi tắt là C4ISR). Dù tàu to súng lớn đến cỡ nào mà không tích hợp một hệ thống C4ISR tiên tiến thì khó đạt hiệu quả trong tác chiến.
Ấn Độ “chơi sộp”
Nằm bên cạnh Trung Quốc và đang tranh chấp chủ quyền với nước này, Ấn Độ càng không ngồi yên giữa bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn. Theo JDW, nước này trong năm qua liên tục đưa ra nhiều đơn hàng để trang bị các khí tài tối tân. Trong đó, New Delhi quyết định thương lượng với hãng Dassault (Pháp) để đặt mua 126 chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale. Đây được xem là một trong những loại chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Đồng thời, cũng trong năm 2012, Ấn Độ còn đặt mua 75 máy bay huấn luyện Pilatus PC-7 của Thụy Sĩ, có khả năng tấn công hạng nhẹ. Hồi tháng 8, New Delhi tiếp nhận chiếc đầu tiên trong đơn hàng 3 máy bay tuần tra cảnh báo sớm Embraer EMB-145. Không những thế, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ chi tiền tỉ đô la Mỹ để tậu cả máy bay do thám tầm xa Boeing P-8I Poseidon. Năm 2012, nước này liên tục thông qua nhiều đơn hàng khí tài quan trọng với Mỹ. Cụ thể, New Delhi mua 22 trực thăng tấn công đa nhiệm Apache và 15 trực thăng vận tải hạng nặng Chinook CH-47, đều do Washington cung cấp. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang xúc tiến để sớm nhận chiến đấu cơ thế hệ 5 T-50 mà nước này đang hợp tác phát triển cùng Nga.
Trong khi đó, hải quân Ấn Độ tiếp nhận 2 tàu hộ tống thuộc lớp Talwar do Nga sản xuất. Hồi đầu năm, New Delhi tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Akula từ Moscow theo hợp đồng thuê trong thời gian 10 năm, với giá trị lên đến 1 tỉ USD. Nhờ đó, Ấn Độ chính thức trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Năm 2012, nước này cũng đẩy mạnh cả việc hiện đại hóa cho lực lượng lục quân khi đặt mua 10.000 tên lửa chống tăng 9M113 Konkurs của Nga. Đồng thời, theo JDW, New Delhi cũng xúc tiến kế hoạch mua 145 lựu pháo M777 của Mỹ. Thực sự, Ấn Độ đang theo đuổi các chương trình hiện đại hóa toàn diện năng lực quốc phòng.
Nhiều kế hoạch khác
Năm 2012, giữa lúc tranh chấp căng thẳng quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, Nhật Bản không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng cùng Mỹ. Washington tiếp tục điều động thêm hệ thống radar hiện đại cho Tokyo. Đồng thời, Nhật cũng chính thức đặt mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ dù với giá cao. Bên cạnh đó, Tokyo cũng trang bị thêm dòng xe bọc thép đổ bộ AAV-7A và liên tục tập trận cùng Washington.
Cũng trong năm 2012, Nhật tiếp tục hạ thủy khu trục hạm lớp Akizuki, loại chiến hạm tối tân hàng đầu thế giới được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Dự kiến, siêu chiến hạm này có thể tuần tra biển Đông theo chính sách tăng cường an ninh hàng hải ở các vùng biển trong khu vực mà Tokyo đang theo đuổi. Hồi đầu năm, Tập đoàn công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima (IHI) của Nhật công bố vừa hạ thủy tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH.
Hàn Quốc thì lại đạt nhiều thành công trong việc xuất khẩu vũ khí trong năm nay, đây là con đường mà Seoul đang theo đuổi.
Trong khi đó, vùng Đông Nam Á cũng khá sôi động với nhiều chương trình hiện đại hóa quốc phòng. Philippines không chỉ tiếp nhận tàu tuần duyên mà còn dự định mua pháo M777 của Mỹ. Ngoài ra, nước này còn mua tàu hộ tống thế hệ mới từ Ý, máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu cơ hạng nhẹ KAI T-50 của Hàn Quốc, trực thăng tấn công hạng nhẹ của Pháp. Thái Lan thì đặt mua hàng loạt loại trực thăng từ đa năng đến chiến đấu và vận tải. Về phía Indonesia, nước này đạt nhiều bước tiến trong việc tiếp nhận gói viện trợ hàng chục chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ và đang thúc đẩy chương trình trang bị thêm xe tăng chiến đấu chủ lực.
Một số nước khác trong vùng cũng thực hiện nhiều chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Ngô Minh Trí
>> Truyền thông Trung Quốc bị lên án vì thờ ơ với vụ đâm học sinh
>> Nổ mỏ than Trung Quốc, 6 người chết
>> Chém đứt tay nạn nhân, lấy iPhone... Trung Quốc
>> Trung Quốc “hết sức lo ngại” về tương lai nước Nhật
>> Thủ lĩnh đảng LDP Nhật hứa cương quyết với Trung Quốc
Bình luận (0)