Quy trình độc quyền

28/12/2012 03:30 GMT+7

Không còn là độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để quản lý như cách mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nói, cuối cùng bản chất của sự độc quyền đã lộ rõ, đó là điều khiển, thao túng giá vàng theo hướng có lợi cho một số công ty. Người mua vàng, chua chát thay một lần nữa lại bị móc túi trắng trợn.

Chuyện tưởng đùa, lại đang diễn ra công khai. Trong 3 ngày trở về đây, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ thu mua vàng SJC với giá niêm yết giảm cả triệu đồng/lượng so với trước đó. Việc ấn định giá mua vào thấp bất thường trong khi giá bán ra không giảm tương ứng đã kéo mức chênh lệch mua vào - bán ra vàng miếng SJC lên kỷ lục, khoảng 700.000 đồng/lượng. Nghĩa là nếu mua vàng SJC ngay tại thời điểm này, người dân phải chấp nhận thiệt thòi mua cao - bán thấp. Những người mua vàng SJC trước đó thì không dám bán vì sẽ lỗ. Những người mất tiền chuyển đổi từ vàng miếng phi SJC sang SJC lại mất thêm một lần nữa vì giá vàng đã bị ấn định ở mức thấp. Nhưng điều nguy hiểm hơn là từ nay, giá vàng SJC - cũng chính là giá vàng của thị trường nội địa đã chính thức được điều khiển.

Giải thích việc này trên một số báo, đại diện Công ty SJC cho rằng do lực bán hiện đang vượt trội so với mua nên họ phải hạ giá thu gom vàng để hạn chế rủi ro. Đúng là cái lý của kẻ "độc quyền". Bởi xét theo nguyên tắc thị trường, nếu cầu ít thì phải giảm giá để kích cầu, hoặc chí ít thì giá mua - bán phải giảm tương ứng để người dân có quyền lựa chọn. Người nhìn thấy cơ hội khi giá vàng giảm thì mua vào, người sợ rủi ro thì bán ra. Thật vô lý khi giảm giá mua nhưng vẫn để giá bán cao. Thực chất của việc này là do khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện đã ở mức kỷ lục, gần 4,5 triệu đồng/lượng. Đây là một khoảng cách quá rủi ro khiến nhiều người muốn bán vàng, nên công ty này giảm giá mua vào để vừa hạn chế người bán, vừa tạo ra chênh lệch mua thấp - bán cao kiếm lợi. Đúng là "nhất cử lưỡng tiện".

Có thể thấy rất rõ, việc điều khiển giá vàng nói trên đã "chốt" lại và hoàn thiện "quy trình độc quyền" mà dư luận vẫn nói lâu nay. Đầu tiên là tuyên bố độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, tạo ra sự chênh lệch vô lý giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác trên thị trường, dù về chất lượng cùng là vàng 9999.

Một cuộc chuyển đổi điên đảo sang vàng miếng SJC diễn ra sau đó khiến Công ty SJC và những đơn vị được tham gia dập vàng miếng SJC kiếm bộn. Trong khi người giữ vàng phi SJC vừa mất tiền chênh lệch giá (lên tới vài triệu đồng/lượng), vừa mất phí dập lại vàng.

Cũng ngay sau đó, vàng giả thương hiệu SJC, vàng miếng nhẫn, vàng miếng vòng xuất hiện gây rối loạn thị trường. Thiệt hại, cũng thuộc về người dân. Đến khi đã "một mình một chợ", giá vàng SJC được đẩy lên trời. Điều này luôn được giải thích là do năng lực dập vàng của SJC có hạn, dẫn đến cung không đủ cầu. Đáng nói là trước khi tiến hành độc quyền, chẳng thấy ai nói đến năng lực sản xuất thiếu hay đủ, cần thêm hay bớt. Chỉ tội người dân, không còn sự lựa chọn nào khác, họ buộc phải mua vàng miếng SJC với giá cao. Đến lúc này, khi thấy rủi ro quá lớn, họ muốn bán vàng thì công ty lại chỉ mua vào giá thấp.

Quy trình độc quyền đã đi đúng bản chất của nó, đó là dẫn đến thao túng.

Nguyên Hằng

>> Độc quyền vàng miếng SJC không gây hại cho dân
>> Đã chuyển đổi 155.000 lượng vàng phi SJC và SJC móp méo
>> Không nên nóng vội, đổi vàng SJC bằng mọi giá
>> Không nên nóng vội bán, đổi vàng phi SJC
>> Lãng phí do độc quyền vàng miếng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.