>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sẽ tháo gỡ cho bất động sản !
"Bơm" 20.000 - 40.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất thấp
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho những người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Trong quý 1/2013 phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn quy chế cho vay các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng.
Dành từ 20.000 - 40.000 tỉ đồng thông qua tái cấp vốn, với lãi suất hợp lý và thời gian tối đa 10 năm, tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của nhà nước để tiếp tục phục vụ cho vay đối với các đối tượng trên. Về lãi suất tín dụng sẽ tiếp tục hạ phù hợp với mức giảm của lạm phát.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương bổ sung tối đa 10.000 tỉ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản…
|
Mua nhà thương mại làm nhà xã hội
Các địa phương có tồn kho sản phẩm bất động sản (BĐS) lớn, hạn chế tối đa sử dụng nguồn từ ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư, mà dùng nguồn vốn này và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua lại những dự án nhà ở thương mại phù hợp, phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê - mua cho các đối tượng chính sách.
Bộ Tài chính tính toán, báo cáo Chính phủ hỗ trợ ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu này.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê - mua đối cho các đối tượng chính sách và làm các công trình dịch vụ như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu nhưng phải phù hợp quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng.
Trường hợp các đối tượng này thuộc diện được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì được trừ vào các khoản phải nộp ngân sách hoặc ngân sách “thối” lại tiền sử dụng đất đã nộp.
Phân bổ ngay vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch năm 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan tỏa lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh, sinh viên.
Giải quyết nợ xấuVề giải quyết nợ xấu, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, đánh giá lại nợ xấu. Tiến hành phân loại các khoản nợ xấu và đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, khả năng thanh khoản của các tài sản này… để có giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu. Tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ… Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về tổ chức hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam trong tháng 1.2013. Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh danh vốn Nhà nước và Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC). Sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa để bổ sung năng lực cho DATC để chủ động tham gia quá trình tái cơ cấu tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và xử lý nợ của các ngân hàng thương mại. |
Đình Sơn
>> Gói lãi suất cứu bất động sản: Thị trường sẽ ấm?
>> Gói tín dụng gỡ khó bất động sản
>> Bộ Tài chính kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản
>> Sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
>> Nhiều giải pháp cho thị trường bất động sản
>> Bất động sản, khó khăn vẫn chờ phía trước
Bình luận (0)