NSƯT Quỳnh Liên: Sáng tạo phải xuất phát từ cảm xúc chân thật

18/01/2013 05:05 GMT+7

Vẫn những bài hát quen thuộc nhưng mỗi lần nghe NSƯT Quỳnh Liên cất lên tiếng hát, người ta dễ “nổi da gà” bởi giọng hát ngọt ngào truyền cảm, như còn vẹn nguyên sự tươi mới, khát khao, đầy nhiệt huyết...

“Chim sơn ca đất Cảng”

Sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng, ngay từ năm 1972, khi máy bay Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, NSƯT Quỳnh Liên đã được khán giả quê hương biết đến như “Chim sơn ca đất Cảng”. Đối với NSƯT Quỳnh Liên, ký ức về một thời khói lửa chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn. Quên sao được những năm tháng chị cất cao tiếng hát giữa bom đạn. Quỳnh Liên luôn luôn có mặt trong đội văn nghệ Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đi phục vụ các chiến sĩ ngày đêm chiến đấu trên các trận địa pháo cao xạ bảo vệ cảng Hải Phòng. Không có micro, lấy mâm pháo làm sân khấu, “chim sơn ca đất Cảng” cứ thế hát say sưa.

NSƯT Quỳnh Liên: Sáng tạo phải xuất phát từ cảm xúc chân thật
NSƯT Quỳnh Liên - Ảnh: Thanh Thùy

Đất nước thống nhất, Quỳnh Liên trở thành người nghệ sĩ - chiến sĩ của đoàn nghệ thuật Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Chị tiếp tục hành trình hát phục vụ đồng bào, chiến sĩ khắp mọi vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc… Chị nhớ như in những cuộc hành quân từ tờ mờ sáng cho tới tối mịt mới đến đồn biên phòng. Sân khấu của người nghệ sĩ - chiến sĩ có khi chỉ là những cọc tre rừng và những ngọn đuốc thay ánh sáng. Chị có mặt trong những bữa cơm nắm muối kho, đi bộ hàng chục cây số, khi băng rừng, lội suối, khi phải luồn lách qua những cánh lau rừng sắc lạnh cứ thi nhau cứa vào da thịt đến tóe máu.

Quỳnh Liên chia sẻ: “Tới đồn biên phòng mới thấy những vất vả của mình chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn gian khổ của các chiến sĩ, cứ nghĩ vậy là bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến”. Và thay vào đó, tiếng hát vút cao trong trẻo của chị lại vang lên giữa núi rừng với những ca khúc ngợi ca người chiến sĩ như: Tiếng sáo trên đỉnh Phù Sai (Bảo Chung), Thương anh nhiều lắm đấy (Phó Đức Phương), Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến), Tình yêu bên dòng sông Quan họ (Phan Lạc Hoa)… Có những đêm biểu diễn, hát gần chục bài theo yêu cầu của khán giả nhưng chị vẫn “rất sung”.

 

Thực tế luôn chứng minh rằng sự sáng tạo và cảm xúc của người nghệ sĩ không phải bỗng dưng có được nếu không được rèn luyện, nuôi dưỡng và trải nghiệm từ cuộc sống

Người nghệ sĩ - chiến sĩ ấy không chỉ lội suối, trèo đèo mang tiếng hát của mình tới mọi miền đất nước, từ đỉnh Lũng Cú đến mũi Cà Mau phục vụ đồng bào, chiến sĩ nơi khó khăn gian khổ nhất, mà chị còn đến cả những trại giáo dục, cải tạo phạm nhân, gặp những người đã từng lầm lỡ đang học tập và cải tạo làm lại cuộc đời. Những cái tên Bố Lá, An Phước, Thủ Đức, Mỏ Cày… đã trở nên quen thuộc. Chị đi giữa hàng ngàn phạm nhân với những tràng pháo tay vang dội, những cánh tay giơ cao, chơi vơi như muốn nắm lấy tay chị, và cả những giọt nước mắt nữa… Tất cả đã trở thành ký ức khó quên đối với chị.

“Mỗi con người đều có những góc khuất tình cảm khác nhau nhưng âm nhạc lại có sức lay động mọi tâm hồn. Mình hy vọng mỗi giai điệu lời ca qua tiếng hát của mình sẽ đánh thức được một phần dù rất nhỏ những tình cảm của các phạm nhân để họ thấy rằng cuộc sống còn nhiều niềm tin và những điều tốt đẹp”, chị tâm sự.

Ngọn lửa nghệ thuật luôn bùng cháy

 

NSƯT Quỳnh Liên hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội m nhạc TP.HCM. Từng đoạt nhiều huy chương vàng, bạc tại hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân vào các năm 1981, 1982, 1984, 1985, 1990. Năm 1989 chị đoạt huy chương vàng tại Festival thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13. Năm 1991, 1993 đoạt Diploma giải thưởng nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Triều Tiên. Năm 1993 Quỳnh Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT trước niên hạn 5 năm.

Năm 1991, Quỳnh Liên cùng gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống. Môi trường sống mới đầy thử thách. Gần như chị phải xây dựng lại từ đầu sự nghiệp ca hát của mình, đem tiếng hát chinh phục công chúng Sài Gòn. Nơi đâu cần là chị có mặt, không câu nệ xa gần hay thù lao nhiều ít. Sự nỗ lực, nhiệt thành của chị cũng được đền đáp xứng đáng khi người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt một Quỳnh Liên trẻ trung, sôi nổi, có giọng ngọt ngào với những ca khúc truyền thống cách mạng và âm hưởng dân ca.

Hiện nay, có không ít các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ chỉ thích đứng trên những sân khấu lớn, thành công ở một số bài hát rồi dễ mắc “bệnh ngôi sao”. Chính điều đó làm họ dễ dãi với bản thân. Đôi khi, họ quan tâm đến chuyện thù lao nhiều hơn là sự trải nghiệm thực tế. Chính điều đó làm hao mòn cảm xúc cũng như bề dày trong giọng hát, lời ca. Chia sẻ những điều này với Quỳnh Liên, chị cho rằng hoàn cảnh sống hiện tại khiến quan điểm của mỗi người cũng khác. Nhiều bạn trẻ nghĩ đến những giá trị thực tế hơn là đam mê nghề nghiệp và cũng có nhiều bạn rất thích cống hiến.

“Thực tế luôn chứng minh rằng sự sáng tạo và cảm xúc của người nghệ sĩ không phải bỗng dưng có được nếu không được rèn luyện, nuôi dưỡng và trải nghiệm từ cuộc sống. Sự sáng tạo nào cũng vậy, nếu không xuất phát từ cảm xúc chân thật thì khó được thăng hoa. Lớp nghệ sĩ của chúng tôi thời đó không có được những điều kiện thuận lợi như các bạn nghệ sĩ trẻ bây giờ, bởi đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi lại may mắn hơn các bạn trẻ là có được sự trải nghiệm từ thực tế. Chính điều đó đã nuôi dưỡng cảm xúc của người nghệ sĩ một cách lâu bền nhất”, NSƯT Quỳnh Liên chia sẻ.

Chị đang tham gia phụ trách Câu lạc bộ Nữ nghệ sĩ, tổ chức nhiều chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, các mái ấm, trung tâm cai nghiện… kết hợp với việc tặng quà, tặng nhà tình thương hàng tỉ đồng cho đồng bào, chiến sĩ. Chị nói, luôn biết ơn lực lượng Bộ đội biên phòng đã nuôi dưỡng, rèn luyện chị làm một người lính thực sự trước khi trở thành một nghệ sĩ. 

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

NSƯT Quỳnh Liên: Sáng tạo phải xuất phát từ cảm xúc chân thật 

Thanh Thùy

>> Vũ Tất Thắng: Đưa tiếng Việt ra thế giới
>> Tiến sĩ Vương Quân Hoàng: Chống “ngộ độc” nguồn lực
>> Người đưa phản biện xã hội vào bảo tàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.