Giáo dục thanh niên qua trường học thực tiễn

11/02/2013 15:31 GMT+7

(TN Xuân) Công tác Đoàn không được dừng lại ở việc làm cho thanh niên xem, nói cho thanh niên nghe mà phải hướng dẫn, tạo môi trường để thanh niên trở thành chủ thể thực hiện các phong trào, hoạt động. Muốn vậy, cách tổ chức phong trào phải đổi mới, thu hút thanh niên đến với Đoàn, có như thế mới thực sự giáo dục thanh niên qua trường học thực tiễn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ.

(TN Xuân) Công tác Đoàn không được dừng lại ở việc làm cho thanh niên xem, nói cho thanh niên nghe mà phải hướng dẫn, tạo môi trường để thanh niên trở thành chủ thể thực hiện các phong trào, hoạt động. Muốn vậy, cách tổ chức phong trào phải đổi mới, thu hút thanh niên đến với Đoàn, có như thế mới thực sự giáo dục thanh niên qua trường học thực tiễn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngay sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10, anh Nguyễn Đắc Vinh thẳng thắn chỉ ra vấn đề tồn tại và chia sẻ ý tưởng triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ tới.

 Anh Nguyễn Đắc Vinh
Anh Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: Ngọc Thắng

Thưa anh, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 nhấn mạnh tới những phong trào hành động nào có tính căn bản quyết định sự chuyển biến tích cực của cả hệ thống?

Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết, chúng tôi suy nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là nâng cao chất lượng công tác giáo dục của Đoàn. Việc này trước nay vẫn làm nhưng bây giờ nhấn mạnh hơn yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức. Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, Đoàn cố gắng đổi mới mạnh hơn nữa nền nếp sinh hoạt Đoàn, để công tác giáo dục có chất lượng, đi vào đời sống thanh niên tự nhiên hơn, đề cao giáo dục thông qua phong trào, hành động cụ thể. Yêu cầu của hoạt động Đoàn đặt ra hiện nay không chỉ là làm cho thanh niên xem, nói cho thanh niên nghe mà nhất thiết phải đưa thanh niên vào hoạt động. Trong cách tổ chức, Đoàn phải đổi mới làm sao để có nhiều thanh niên cùng đến với Đoàn, tham gia hoạt động của Đoàn. Khi họ đã đến với mình rồi, họ sẽ có cơ hội trải nghiệm để trưởng thành hơn về kỹ năng, kiến thức. Có như thế Đoàn mới thực sự giáo dục thanh niên qua trường học thực tiễn. Đây là việc quan trọng và cần tập trung làm cho tốt trong nhiệm kỳ tới.

Trong phương pháp công tác, Đoàn phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy mặt nào còn hạn chế, yếu kém thì nghiên cứu đưa ra giải pháp để quyết tâm làm cho bằng được và khi đã bắt tay làm thì phải có sự đổi mới bằng những kết quả cụ thể.

Giới trẻ đang hằng ngày chịu tác động cả tích cực và tiêu cực từ một thế giới phẳng. Anh suy nghĩ thế nào trước hiện tượng giới trẻ kết nối, chia sẻ cảm xúc, tri thức ngày càng nhiều thông qua mạng xã hội?

Cộng đồng ảo có lợi thế tạo ra môi trường cho con người dễ gặp nhau, gặp cùng lúc nhiều người, diễn đạt được nhiều điều; dù ở đâu cũng có thể kết nối, giao tiếp, thế nên dễ tập hợp. Khác với giao tiếp trực tiếp, một nội dung viết ra có thể chia sẻ cùng lúc cho nhiều người bày tỏ quan điểm. Khi thông tin chia sẻ càng nhiều, người có cùng nhu cầu, sở thích dễ gặp nhau và có điều kiện thảo luận sâu về chủ đề quan tâm.

Hiện tượng không biết tên trên mạng do không cần khai báo tên thật khiến người sử dụng dễ dàng bày tỏ, thể hiện suy nghĩ thật của mình hơn. Đó là điểm tích cực nhưng ngược lại, cộng đồng ảo có nhiều thông tin không có thật trong thực tế và nếu đưa ồ ạt thông tin này sẽ tác động đến nhiều người. Sống nhiều trong môi trường ảo, không cẩn thận, thanh niên dễ mang giá trị ảo vào đời sống thực. Trong điều kiện như thế, Đoàn phải cố gắng hơn nữa trong tổ chức hoạt động, trang bị cho người trẻ bản lĩnh tự sàng lọc thông tin, có chính kiến của mình trước mỗi vấn đề.

Theo anh, có hay không sự thờ ơ của giới trẻ với các vấn đề chính trị? Đoàn đóng vai trò gì trong việc nâng cao ý thức công dân của người trẻ?

Nói người trẻ thờ ơ về chính trị thì chỉ có một bộ phận nhỏ thôi, vấn đề này đã có điều tra xã hội học cụ thể của Viện Nghiên cứu thanh niên. Muốn thanh niên quan tâm nhiều hơn đến chính trị, vận mệnh của đất nước thì phải thu hút họ đến với Đoàn, Hội LHTN Việt Nam. Đầu tiên phải đổi mới để sinh hoạt Đoàn có chất lượng, giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận thông tin, hiểu biết về tình hình đất nước. Từ đó, thanh niên sẽ biết quan tâm lo lắng, có ý thức tham gia việc chung. Đoàn phải tổ chức các phong trào hành động cách mạng để thu hút thanh niên vào thực tiễn sinh động của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, đặc biệt là phát huy tính xung kích, tình nguyện của thanh niên ở những vùng khó khăn. Nếu người trẻ đi và trải nghiệm ở những nơi như thế, thấy được cuộc sống sinh hoạt của người dân, hiểu được bối cảnh của đất nước, chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu phấn đấu để chia sẻ giúp đỡ cộng đồng, tức là thể hiện thái độ chính trị. Từ trải nghiệm này, thanh niên sẽ có rèn luyện và mong muốn được trở thành đoàn viên, đảng viên để đóng góp nhiều hơn cho tổ chức, cho đất nước.

Phan Hậu

>> 2013 - năm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.