>> Kỳ 30: Con kênh biên phòng thời Nguyễn
Quan đại thần nhà Nguyễn
Theo sách sử, thuở nhỏ ông được cha là nhà nho Phạm Đăng Long hết lòng dạy dỗ, nên học rất giỏi. Năm 1796, ông thi đỗ Tam trường, được chúa Nguyễn Phúc Ánh bổ dụng làm Lễ sinh ở phủ, sung Cống sĩ viện, rồi thăng Tham luận ở Vệ phấn võ. Năm 1799, được làm Tham tri Bộ Lại. Năm 1813, ông giữ chức Thượng thư Bộ Lễ. Sau đó, được giao thêm việc quản lý Khâm thiên giám. Năm 1819, khi vua Gia Long bị bệnh nặng, ông vâng mệnh phụng thảo di chiếu và cùng với Lê Văn Duyệt thực hiện di chiếu, lập hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, lấy hiệu là Minh Mạng. Năm 1821, ông được sung làm Phó tổng tài của Quốc sử quán. Nhưng do bị gièm pha, ông bị giáng hai cấp. Đến năm 1824, ông được phục chức, làm Thượng thư Bộ Lễ như trước.
|
Đại Nam thực lục ghi, mùa hạ năm 1825, vua Minh Mạng đi công cán ở tỉnh Quảng Nam, giao quyền cai quản kinh đô Huế cho ông. Tháng 5 năm đó, ông bị bệnh mất tại Huế, thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng ra dụ: “Đăng Hưng là đại thần già cả, trung thành văn nhã, vua rất tin dùng. Đến nay chết, tặng Hiệp biện Đại học sĩ, cho thụy là Trung Nhã; lại cho 500 quan tiền, 3 cây gấm Tống, 10 tấm lụa”. Linh cữu của ông được đưa về an táng ở quê nhà.
Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy thăng hàm Vinh Lộc đại phu Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công và được thờ ở miếu Trung hưng công thần, tên được ghi ở đền Hiền lương. Ngoài ra, vua còn cho xây đền thờ tại xã Kim Long ở phía tây Kinh thành. Ngày kỵ của Đức Quốc công, vua rước hoàng thái hậu Từ Dũ đến đền thờ làm lễ.
Ở Gò Công, vua cũng cấp cho họ Phạm khu đất tự điền Văn Xá 100 mẫu lo việc thờ cúng Đức Quốc công. Đến thời Pháp thuộc, 100 mẫu đất Văn Xá này nhập vào làng Tân Niên Đông.
Đại bản doanh quân khởi nghĩa
Đền thờ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thường được gọi là lăng Hoàng gia, tọa lạc tại giồng Sơn Quy, xã Long Hưng, TX.Gò Công. Mộ Đức Quốc công được xây bằng hợp chất ô dước. Nấm mộ có hình bát giác, có dáng dấp một con quy, khác biệt với mọi ngôi mộ thông thường ở Nam bộ. Bình phong được xây dựng khá cầu kỳ, các đường gờ rất mềm mại, uyển chuyển. Mộ có 3 vòng thành bên ngoài, 2 tấm bình phong. Trước đây còn 4 trụ biểu được xây dựng rất uy nghi.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, thời phong kiến, trước nhà quan lại thường có những cây trụ biểu để người dân dán vào đó những thắc mắc, khiếu nại (tương tự như hộp thư góp ý bây giờ). Từ đó, trước mộ các quan đại thần có tục xây những cây trụ biểu mang tính tượng trưng. Nhưng không hiểu vì sao, thời gian gần đây khi trùng tu lại khu lăng mộ, 4 trụ biểu đó đã bị đập bỏ. Năm 1861, khi thực dân Pháp chiếm Gò Công, Trương Định chiêu mộ nghĩa binh chống lại. Do có sự thỏa thuận ngầm với triều đình Huế, ông đã sử dụng khu vực này làm đại bản doanh cho quân khởi nghĩa. Năm đó, thái hậu Từ Dũ bị bệnh đau mắt nên lấy cớ là “long mạch bị động” và ra lệnh cho đắp lũy Sơn Quy ở Gò Công. Nhưng thực chất là nhằm hợp thức hóa việc nghĩa quân Trương Định đắp lũy chống giặc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu còn nhắc: “Mây giăng Truông Cóc đường quan vắng/Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan”. Mãi đến năm 1889, thái hậu Từ Dũ còn sai vua Thành Thái về lăng mộ ở Gò Công thắp nhang tổ tiên. Chuyến đi này, dường như có mục đích nhằm thăm dò dân tình ở Nam kỳ có còn ngưỡng vọng đến triều đình. Bà cũng đã chuẩn bị sẵn việc cho khắc lại bia ca ngợi công đức ông Phạm Đăng Hưng dựng ở đền thờ và một tấm bia dựng tại khu lăng mộ ở Gò Công bằng đá hoa cương, thay cho tấm bia gốc đã bị người Pháp tịch thu khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn năm 1858, đồng thời chuẩn bị tiền trùng tu lại ngôi từ đường.
Bấy giờ, vua Thành Thái theo đường bến đò Mỹ Lợi sang Gò Công, tháp tùng có quan toàn quyền, chánh tham biện và các quan viên trong tỉnh. Hương chức và người dân hai bên đường bày hương án đón tiếp. Tại cầu Sơn Quy, đường vào lăng có lập hai cổng chào theo mô hình Khải hoàn môn cao lớn, kết rồng phượng, cờ xí rực rỡ. Ông Văn Phong, người đi xem lễ đón rước có làm bài vè mô tả:
“Mỹ Lợi thẳng đến Gò Công
Tam quan tám cửa, Khánh môn nối liền
Lọng tán cờ biển hoan nghênh
Hội tề khăn áo rộng xanh đứng chờ...”
Chuyến về thăm lăng mộ tổ tiên họ ngoại của vua Thành Thái, được ông Việt Cúc mô tả trong Gò Công cảnh cũ người xưa, nhưng do chép lại qua lời kể dân gian, tác giả đã mô tả lễ rước này là lễ tiếp tân, “hầu bái” quan chánh tham biện.
Sau chuyến đi của vua Thành Thái, ngôi từ đường được xây dựng với kiểu nhà 3 gian 2 chái, cột gỗ, mái ngói, phía trước có thảo bạt. Quần thể kiến trúc nhà thờ gồm cổng tam quan, sân, hồ sen, nhà thờ, nhà khách, nhà khói, nhà chỉnh y phục, được bao bọc bằng một tường xây cao. Cổng là một cái phường 2 tầng có mái, trước đây có treo tấm biển ba chữ “Tích Thiện đường” và câu đối của vua Tự Đức ban tặng:
“Tích đức dĩ di, vạn thế vĩnh lại/Thiên gia tất hữu, bá phước dịch tuy”
(Tích đức lấy truyền, muôn đời luôn cậy dựa/Thiện gia ắt có, trăm phước nối an khang).
Dưới mái phường đắp hình các loại trái cây, hoa, thú... Đặc biệt lần chỉnh trang này có nhiều hoa văn kiểu Pháp được sử dụng.
Trong những năm qua, Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành trùng tu sửa chữa, nhằm biến khu di tích lịch sử văn hóa này trở thành điểm tham quan và cúng viếng, phục vụ du lịch. Đáng tiếc, do không nghiên cứu kỹ nên trong quá trình trùng tu đã hủy hoại khá nhiều di vật của tiền nhân, trong đó việc đập bỏ trụ biểu ở khu mộ ông Phạm Đăng Hưng là một ví dụ.
Hoàng Phương - Ngọc Phan
Bình luận (0)