Có mặt tại Trung tâm Chống độc những ngày Tết Quý Tỵ, chúng tôi chứng kiến kíp trực bận rộn với các ca bệnh nặng, trong đó có các trường hợp ngộ độc do rượu.
“Ngộ độc rượu có xu hướng tăng hơn so với các Tết trước. Ngay từ những tuần sát Tết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện”, TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết.
|
Một bệnh nhân nam, 55 tuổi, ở Q.Ba Đình, Hà Nội, đang trong tình trạng nguy kịch, nhập viện ngày 10.2 (29 Tết). Trước nhập viện, trong ngày 8 và 9.2 bệnh nhân uống nhiều rượu với bạn bè. Sau cuộc vui bệnh nhân bị nôn, đi ngoài phân lỏng rồi hôn mê dần và được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 354 trong tình trạng nguy kịch.
Do diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai lúc 0 giờ ngày 10.2 trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, huyết áp tụt. Các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đã bị tổn thương gan, thận, toan hóa máu (tình trạng nhiễm axít trong máu) nặng. Chụp CT sọ phát hiện có xuất huyết dưới nhện. Đây là các tai biến nặng nề do nhiễm độc rượu.
Mặc dù được điều trị tích cực tại đơn vị hồi sức tích cực của Trung tâm Chống độc như thở máy hỗ trợ hô hấp và hỗ trợ tuần hoàn, điều trị thải độc trong đó có lọc máu nhưng đến tối 12.2 (mùng 3 Tết) bệnh nhân này vẫn trong tình trạng hôn mê sâu.
Bác sĩ điều trị cho biết đây là trường hợp ngộ độc rượu nặng, bệnh nhân rất khó hồi phục, có thể chịu di chứng lâu dài.
|
Một trường hợp khác cũng trong tình trạng nặng đang điều trị tại Trung tâm Chống độc là ông T., 45 tuổi, ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau vài ngày uống rượu liên tục, đặc biệt là sau khi uống một loại rượu “gia công” tự nấu không nhãn mác, ông T. phải nhập viện chiều mùng 1 Tết trong tình trạng nôn, mất thị lực, huyết áp tụt. Bệnh nhân nghi bị ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol).
“Mất thị lực trong trường hợp này rất khó phục hồi, từng có trường hợp mất thị lực vĩnh viễn (mù) do ngộ độc rượu”, các bác sĩ điều trị cho biết.
Đây là trường hợp điều trị khá khó khăn bởi bệnh nhân kèm theo bệnh xơ gan và đái tháo đường. Trước khi nhập viện điều trị ngộ độc rượu, ông T. vừa phải trải qua gần 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Nội tiết do đường huyết tăng cao.
“Người mắc đái tháo đường không nên uống rượu vì rượu được chuyển hóa qua gan, có thể ảnh hưởng đến chức năng duy trì đường huyết của gan. Nếu uống rượu quá mức sẽ gây tổn thương gan, tụy ảnh hưởng đến ổn định đường huyết, nguy hại cho sức khỏe”, các bác sĩ khuyến cáo.
Theo TS Kim Sơn, tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc và cần uống rượu có kiểm soát, tránh lạm dụng. Nếu uống rượu quá mức sẽ gây ngộ độc, đặc biệt là uống rượu thường “quên” ăn nên rất dễ bị hạ đường huyết gây hôn mê. Đường là năng lượng duy trì hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Hạ đường huyết có thể dẫn đến tổn thương não do não thiếu hụt “năng lượng” nuôi dưỡng. Tổn thương não (mất não) có thể không hồi phục khiến bệnh nhân phải sống đời sống thực vật.
Liên Châu
>> Ngộ độc cá nóc, 1 người chết, 4 người nguy kịch
>> Ngộ độc thực phẩm tại gia đình tăng mạnh
>> Ngộ độc rượu giả, 19 người chết
>> Ngộ độc rượu, 2 người tử vong
>> Nguy cơ ngộ độc rượu dịp cuối năm
Bình luận (0)