Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công máy bay vận tải quân sự cỡ lớn đầu tiên do nước này tự sản xuất. Theo Hoàn Cầu thời báo, máy bay Y-20 có chiều dài 47 m, sải cánh 45 m, trọng tải tối đa 66 tấn, có thể chở xe tăng hạng nặng nhất của Trung Quốc Type-99A2 (58 tấn). Giới truyền thông Trung Quốc còn “quảng cáo” là Y-20 có thể chuyên chở khí tài, binh sĩ đến tận lãnh thổ Guam của Mỹ hay Ai Cập mà không cần tiếp liệu.
|
“Đảm bảo lợi ích ở nước ngoài”
Tờ China Daily dẫn một số nguồn tin cho hay Y-20 bắt đầu được phát triển vào đầu thập niên 1990. Tính đến nay, Trung Quốc đã sản xuất 2 mẫu Y-20 và chiếc vừa bay thử nghiệm dùng động cơ được nhập khẩu từ Nga.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trên website chính thức: “Chuyến bay thử nghiệm thành công của Y-20 đóng vai trò rất quan trọng cho việc xúc tiến phát triển kinh tế và xây dựng quốc phòng, cũng như cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp và viện trợ nhân đạo”. Bà Lương Phương - giáo sư về chiến lược tại Đại học Quốc phòng thì nhấn mạnh với China Daily: “Những máy bay vận tải hạng nặng cỡ này sẽ bảo đảm chúng ta có thể bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài”. Bà Lương còn cho rằng Y-20 sẽ giúp Trung Quốc tăng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở khu vực. Còn nhà quan sát quân sự Trung Quốc Bành Việt nhận định Y-20 không chỉ giúp cải thiện khả năng triển khai quân nhanh chóng mà còn cung cấp một phương tiện vận chuyển đáng tin cậy cho các máy bay chống tàu ngầm, tiếp nhiên liệu trên không hay cảnh báo sớm do nước này sản xuất. Ông Bành khẳng định: “Tầm quan trọng chiến lược của Y-20 thậm chí lớn hơn so với chiến đấu cơ tàng hình J-20 và tàu sân bay Liêu Ninh”.
Ngoài ra, theo Hoàn Cầu thời báo, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Y-20 mở ra thời kỳ Trung Quốc không còn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga về máy bay vận tải quân sự hạng nặng. Giới chuyên gia trong nước cho rằng Trung Quốc cần ít nhất 100 chiếc Y-20 để nâng cao khả năng mở rộng sức mạnh trên toàn cầu và ít nhất 300 chiếc để có thể cạnh tranh với Mỹ.
Bản sao nhạt nhòa
Cũng như trường hợp của tàu sân bay Liêu Ninh trước đây, dù giới truyền thông Trung Quốc ra sức ca ngợi Y-20, các chuyên gia nước ngoài tỏ ra nghi ngờ về khả năng của máy bay này. Theo báo Defensenews, những hình ảnh về đợt bay thử nghiệm vừa qua cho thấy nó mang thiết kế cóp nhặt từ các mẫu của Nga, Ukraine và Mỹ. Cụ thể, Y-20 có hình dạng mũi dốc đứng tương tự máy bay vận tải An-70 do Ukraine chế tạo còn các bộ phận thăng bằng được cho là sao chép của chiếc Boeing C-17 Globemaster III.
Bên cạnh đó, hầu hết chuyên gia đều cho rằng động cơ là điểm yếu nhất của Y-20. Ông Andrei Chang - Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Defense Review (Canada) khẳng định về mặt công nghệ, Y-20 vẫn còn kém so với máy bay vận tải quân sự của các nước khác. Theo ông, các thông số thật sự về trọng tải tối đa và tầm bay của Y-20 có thể sẽ thấp hơn so với dữ liệu từ truyền thông Trung Quốc vì máy bay này dùng động cơ D-30 “rất cũ” do Nga thiết kế, dẫn tới hao phí nhiên liệu. “Về công nghệ máy bay vận tải. Trung Quốc thực chất đang thụt lùi. Không có dấu hiệu cho thấy nước này tiến bộ về chế tạo động cơ hiện đại, điều mà Y-20 rất cần để có được tầm hoạt động và trọng tải như mong muốn”, chuyên gia John Pike của trang Globalsecurity.org viết. Ngoài ra, tạp chí Wired dẫn lời nhà phân tích Richard Aboulafia nhận định thêm: “Trên thế giới chỉ có 4 công ty sản xuất được động cơ cho máy bay vận tải quân sự cỡ lớn. Ba trong số đó là của các nước phương Tây và sẽ khó làm ăn với Trung Quốc. Như vậy, nước này chỉ còn đường hợp tác với công ty Nga và biến Y-20 thành bản sao nhạt nhòa của các máy bay vận tải có từ thời Xô Viết”. Từ đó, đa số chuyên gia nước ngoài cho rằng phải mất ít nhất 5 năm nữa, Y-20 mới có thể đi vào hoạt động bước đầu.
Văn Khoa
>> Nga nhận 48 máy bay vận tải hạng nặng đến năm 2020
>> Trung Quốc phát triển máy bay vận tải cỡ lớn
>> Nga chi 4 tỉ USD mua 39 máy bay vận tải quân sự
>> Máy bay vận tải Nga rơi, 10 người chết
>> Trung Quốc bị nghi dùng máy bay vận tải quân sự chở tên lửa
>> Máy bay vận tải C-130 của Mỹ "nằm đất
>> Úc tặng Indonesia 4 máy bay vận tải
Bình luận (0)