Loạn thần vì rượu quê

07/03/2013 03:30 GMT+7

Rượu quê nấu bằng nhiều loại men "đểu" cộng với việc lạm dụng đã khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Không những thế, họ và người thân trong gia đình đang phải hứng chịu hậu quả do rượu gây nên.

Loan thần vì rượu quê
Từ ngày ông Ngoạn nghiện rượu, gia cảnh nhà bà Tre càng khó khăn

Loan thần vì rượu quê 1

Rất nhiều bệnh nhân điều trị nghiện rượu tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Loan thần vì rượu quê 2

Một lò nấu rượu tại xã Hợp Lý -  Ảnh: Nam Anh

Trong ngôi nhà mái ngói ba gian cũ kỹ, bà Trần Thị Tre (58 tuổi, ngụ xã Hợp Lý, H.Lý Nhân, Hà Nam), vợ ông Phan Văn Ngoạn (57 tuổi) nói như thanh minh: “Nếu người nào mà không hiểu thì họ nói ông nhà tôi trốn việc làng, việc họ. Nhưng khổ lắm, biết nhà ai có việc là ông ấy nhiệt tình tới giúp một tay. Xong việc lại dùng bữa, uống rượu. Uống rồi về nhà chẳng biết trời đất đâu, chỉ khổ vợ con”.

Triền miên trong cơn say

 

Sau khi làm xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ methanol trong máu của những bệnh nhân này thường cao gấp nhiều lần quy định. Tìm hiểu mới hay, họ đã mua rượu trắng do các gia đình tự nấu, không nhãn mác, không qua kiểm định chất lượng để uống

Bác sĩ Lê Quốc Dân - Khoa Điều trị nghiện chất - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Bà Tre tiếp lời, từ hơn chục năm về trước, ông Ngoạn đã uống rất nhiều rượu. Đặc biệt mỗi khi đi ăn đám cưới hoặc đám giỗ, y rằng về lại say xỉn, nằm li bì có tới 2 - 3 ngày không tỉnh. Những bữa say rượu, ông đập phá đồ đạc, đốt cả quần áo, đánh chửi vợ con. Thậm chí, có bữa uống rượu nhiều quá, ông Ngoạn còn nổi đóa đập bát hương trên bàn thờ rồi vớ dao phay rượt đuổi mấy mẹ con đòi giết. Vừa uất ức, vừa thương chồng, cực chẳng đã, bà Tre đành dùng dây trói nghiến chồng lại rồi nhờ hàng xóm đưa thẳng tới Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Nam.

Cứ thế, gần 10 năm trời hết vào viện điều trị lại xuất viện, giờ đây ngay cả lúc tỉnh táo nhất, ông Ngoạn vẫn bị coi là người không bình thường, thiếu minh mẫn, nói trước quên sau, đi ra khỏi nhà cũng không nhớ đường về. Khuôn mặt đờ đẫn tới vô cảm, ông Ngoạn nói giọng đứt quãng: “Không hiểu sao càng uống càng ngọt, cứ rượu say vào lại đập phá đồ đạc, nhà cửa, đánh chửi vợ con. Vài ngày sau, khi tỉnh rượu thì mới biết, lúc ấy lại thấy hận mình, thương vợ con vô cùng. Đã rất nhiều lần tôi hạ quyết tâm bỏ rượu, nhưng lâu lắm cũng chỉ được đôi tháng. Vì hễ ngửi thấy hơi men là người tôi nó cứ như ma dẫn lối, quỷ đưa đường, chẳng thể làm chủ được bản thân”.

Ba ngày trước khi chúng tôi có mặt tại Hợp Lý, cũng là lúc ông Ngoạn vừa trở về nhà sau một tháng điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vì chứng bệnh loạn thần do lạm dụng rượu quá mức. Hiện tại, hai vợ chồng bà Tre cùng 3 đứa con chỉ bám víu vào mấy sào ruộng. Cuộc sống vốn đã nghèo khổ lại phải gánh thêm khoản tiền thuốc thang điều trị bệnh loạn thần cho người chồng nghiện rượu, khiến kinh tế gia đình càng kiệt quệ. Cách đây vài năm, thi thoảng ông Ngoạn còn đi làm thuê, phụ vữa kiếm thêm được ít tiền, nhưng cứ uống rượu vào lại say, lại chửi, gây sự với cả chủ nên giờ không ai dám nhận.

Cùng xã Hợp Lý, ông Trần Đình Hoàn (64 tuổi) cũng mắc chứng loạn thần với thâm niên hơn 20 năm nghiện rượu. Ông Hoàn bảo, do nghiện rượu nên giờ ông có thể uống rượu thay nước chè. Nhưng mỗi lần trong người có hơi men, ông lại đập phá, đốt đồ đạc trong nhà, chửi đánh vợ con. Ông Hoàn cũng không dưới 2 lần điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Nam, lần mới đây nhất là vào tháng 12 năm ngoái.

Số ca nhập viện tăng chóng mặt

 

Rượu nấu từ men tươi

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý, cho rằng nguyên nhân dẫn tới chứng bệnh loạn thần có thể một phần là do phong tục tập quán uống rượu mỗi khi có việc làng việc xóm, phần cũng vì nồng độ rượu được cất ở Hợp Lý rất nặng, tới 58 độ.

Người dân ở Hợp Lý thì khẳng định nguyên nhân là do các hộ nấu rượu sử dụng men xuất xứ Trung Quốc, hay còn gọi là men nước. “Loại men tươi này dạng bột, rất tiện, lại dễ nấu thành rượu nên nhà nào cũng dùng. Chỉ cần trộn men với nước rồi tưới đều lên cơm, sau đó ủ qua đêm là đã có thể nấu được”, một người bán loại men tươi này ở chợ xã Hợp Lý nói. Cũng theo người này, thời điểm sau Tết Nguyên đán, lễ hội, cưới hỏi nhiều nên lượng men tươi bán ra tăng vọt. Trong khi đó, theo ông Dũng, hiện ở Hợp Lý có gần trăm hộ nấu rượu.

Tìm tới Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (P.Sài Đồng, Q.Long Biên, TP.Hà Nội), nơi ông Ngoạn và ông Hoàn từng điều trị, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cánh cửa sắt khóa trái, bên trong những khuôn mặt bệnh nhân điều trị cai rượu đờ đẫn, chẳng chút biểu lộ cảm xúc.

Theo lời các y, bác sĩ, bệnh nhân nhiều tuổi nhất hiện đang điều trị cai nghiện rượu ở đây là ông Nguyễn Văn Sen (76 tuổi, quê xã Tuyết Nghĩa, H.Quốc Oai, TP.Hà Nội). Ông Sen bảo cho mãi đến khi vào khoa điều trị, ông mới biết mình bị con cháu “lừa”, vì trước đó ông vẫn tin rằng con cháu đưa mình đi chơi xa.

Còn trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Giáp (28 tuổi, ở xã Mai Đình, H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) lại có hoàn cảnh khác. Giáp nghiện rượu đã được 10 năm nay, nhập viện trong trạng thái sảng rượu nghiêm trọng. Đây là chứng loạn thần nặng, có các biểu hiện như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn ý thức không có định hướng, không xác định được không gian, thời gian, bản thân và xung quanh. Ngày đầu điều trị, Giáp thường xuyên lên cơn co giật, mặt mày tím tái, toàn thân lạnh run nhưng đến nay sức khỏe đã hồi phục dần. Giáp kể, thời điểm cách đây 5 năm, Giáp đã uống rượu thay cho nước chè, không có rượu, anh không thể làm được việc gì.

Tại Khoa Điều trị nghiện chất, chúng tôi gặp ông Trần Quốc Hoàn (48 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm), một bệnh nhân cai nghiện rượu có tới hai bằng đại học. Theo các bác sĩ điều trị, ông Hoàn có thâm niên 15 năm nghiện rượu, từng nhiều lần nhập viện điều trị. Từ thời sinh viên, Hoàn uống rất nhiều, đến khi đi làm hơi men đã ngấm vào máu, nên họa hoằn lắm đồng nghiệp mới thấy ông tỉnh táo. Lúc lập gia đình, có một mặt con, ông Hoàn vẫn vì rượu mà bỏ bê công việc, chẳng tu chí làm ăn nên người vợ đành phải ly hôn.

Bác sĩ Lê Quốc Dân (Khoa Điều trị nghiện chất - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội), cho hay: Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận trên 50 lượt bệnh nhân tới thăm khám và điều trị. Thời gian gần đây, số ca nhập viện tăng chóng mặt, chủ yếu là hôn mê sâu, rối loạn nhiều chức năng trong cơ thể như: thiếu nước, co giật, sốt rét… nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc truyền dịch sẽ tử vong. Sau khi làm xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ methanol trong máu của những bệnh nhân này thường cao gấp nhiều lần quy định. Tìm hiểu mới hay, họ đã mua rượu trắng do các gia đình tự nấu, không nhãn mác, không qua kiểm định chất lượng để uống. Sau khi uống nhiều, các biểu hiện loạn thần bắt đầu xuất hiện.

Theo bác sĩ Dân, những người lạm dụng rượu từ 3 - 5 năm không chỉ sức khỏe giảm sút mà còn mắc chứng loạn tâm thần mãn tính, dẫn tới bị hoang tưởng.

Hà An

>> Gia tăng loạn thần do rượu
>> Nhiều ca ngộ độc nặng do rượu
>> Uống rượu bia nhiều đang giết chết người trẻ
>> Rượu độc tràn lan
>> Sản xuất rượu độc có khác gì giết người
>> Nghiện rượu ảnh hưởng đến hoạt động tình dục
>> “Rượu quê” vẫn ung dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.