Giới trẻ đang đạo văn nhưng... không hay biết

14/03/2013 20:53 GMT+7

(TNO) Thấy một câu nói hay, lấy lại đăng lên tường để thu hút người bấm “like”; thấy hình ảnh đẹp, lấy về chia sẻ cùng mọi người; thấy thông tin bổ ích, nhặt nhạnh cho vào bài tập... Những hành động rất phổ biến này của các bạn trẻ tưởng bình thường nhưng đó lại là hành vi… đạo văn.

>> Facebook thay đổi lại giao diện Timeline
>> Mâu thuẫn trên Facebook, bắn chết người
>> Ngày tàn" của Facebook đang đến?
>> Loạn" facebook mạo danh sao Việt
>> Loạn Facebook mạo danh sao Việt: Sống chung với lũ?

Ngày 14.3, buổi giao lưu, trò chuyện với tên gọi “Facebook and face a book” diễn ra tại Trường ĐH KHTN TP.HCM do CLB Youthbox Channel phối hợp với CLB FACE (thuộc Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM) tổ chức đã chỉ ra những hành động rất phổ biến của các bạn trẻ khi mạng xã hội phát triển nhanh như bây giờ vô tình là hành vi đạo văn.

Buổi nói chuyện thu hút rất đông sinh viên các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM tham gia như ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM… vì những thông tin rất gần gũi với giới trẻ hiện nay.

Giới trẻ đang đạo văn nhưng không hay biết
Sinh viên hào hứng với buổi trò chuyện về phòng tránh đạo văn - Ảnh: Hoàng Quyên 

Đến với buổi trò chuyện, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã mang đến nhiều câu chuyện đời thường, nhưng khiến mỗi người đều thấy “nhột” vì ngẫm ra chính mình từng đạo văn mà không hay biết.

Bận “câu like”, quên trích nguồn

Ngày 8.3 vừa qua, khi đăng bộ ảnh về mẹ do chính anh Khắc Hiếu và một số người khác thực hiện, sau vài phút, bộ ảnh xuất hiện ở nhiều trang mạng xã hội khác và được nhiều người bấm “like”. Thế nhưng, rất hiếm các trang mạng trích dẫn rõ nguồn của bộ ảnh.

Thỉnh thoảng, anh viết vài câu nói tự mình nghĩ ra cho các bạn trẻ cùng đọc, 15 phút sau thấy trên một trang cộng đồng đăng lại nguyên văn nhưng không thấy ghi tên mình.

Với những hành động này, anh chia sẻ rằng cảm giác đầu tiên của anh là bị tổn thương, song kế đó mới là thấy vui phần nào vì nghĩ những hình ảnh, câu nói của anh có giá trị nên được người khác lấy lại và quan trọng là được chia sẻ với cộng đồng rộng rãi hơn.

“Giá mà người ta chỉ làm một việc rất nhỏ là trích nguồn rõ ràng thì tôi đã có niềm vui trọn vẹn” - anh chia sẻ.

Cảm giác ăn trộm rất sướng nhưng... chỉ được một lúc

Một câu chuyện khác thạc sĩ Hiếu chia sẻ với các bạn sinh viên cũng khiến nhiều người tham dự suy ngẫm.

Anh nói, lúc nhỏ, anh có sở thích đi ăn trộm trái cây của nhà hàng xóm. Lúc ăn trộm được thì cảm giác sung sướng, khoan khoái lắm. Cái cảm giác phiêu lưu mạo hiểm đem lại niềm vui cho một đứa trẻ.

“Món ăn có mùi nhang mới ngon làm sao!” - anh tếu táo mô tả.

Nhưng bây giờ khi nhìn lại, anh tự nhủ: “Có khi nào, trái xoài, trái ổi mà anh ăn trộm lúc đó, gia đình người ta cần bán để mua cho con cái áo, quyển sách để đi học”. Và cái cảm giác “sung sướng” đó có chăng chỉ được một lúc. Nếu cái cây tự trồng, tự ăn chắc chắn sẽ cảm giác khoan khoái lâu dài.

 Giới trẻ đang đạo văn nhưng không hay biết
Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ông Trần Ngọc Thái Sơn
(Giám đốc điều hành Tiki.vn), ca sĩ Đức Tuấn (từ trái qua) trò chuyện với sinh viên

Theo anh Khắc Hiếu, việc đạo văn cũng như ăn trộm trái cây, cái gì tự mình tạo nên cũng sẽ mang lại niềm hạnh phúc lâu dài cho bản thân.

“Nếu chẳng may bạn bè phát hiện ra mình copy câu nói, hình ảnh của người khác mà nói là của mình thì sẽ rất quê. Nhưng nếu trích nguồn tác giả, không những thể hiện mình tôn trọng người tạo ra sản phẩm mà còn tạo sự tôn trọng của người khác đối với bản thân mình” - anh nói thêm.

Vô ý nhưng trở thành đạo văn

Theo tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa học Trường ĐH Hoa Sen, tình trạng sinh viên lấy thông tin trên mạng xã hội xem như thông tin của mình là rất phổ biến hiện nay.

Anh Quốc Lộc cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin, sinh viên không biết nên sử dụng thông tin, kiến thức trong sách, trên mạng internet như thế nào.

Giới trẻ đang đạo văn nhưng không hay biết
Sinh viên ký cam kết ủng hộ chương trình chống đạo văn

Theo anh Quốc Lộc, có một thực tế là năng lực đọc sách của sinh viên đang đi xuống. Các bạn trẻ đọc nhiều nhưng đọc tản mạn, thiếu chọn lọc và lấy thông tin một cách tràn lan, thiếu minh bạch.

Anh cho rằng sinh viên phải đọc nhiều, học nhiều để tích lũy kiến thức cho mình. Từ đó, sinh viên sẽ tự suy nghĩ, tự hành động bằng chính nội lực họ có. Việc trích dẫn ý tưởng, câu nói của người khác vẫn là mục đích làm bật ý tưởng, chính kiến của cá nhân mình.

Tự viết “câu like” hiệu quả hơn

Nói về tình trạng “copy-paste” không trích nguồn trên mạng xã hội, anh Khắc Hiếu thừa nhận chính mình vô tình đôi lúc cũng đã từng như thế. “Tôi tham dự trò chuyện với các bạn về vấn đề chống đạo văn mà thấy “nhột nhột”.

Và vì cảm giác “nhột nhột” đó mà anh đã tự hình thành thói quen trích nguồn với mỗi câu nói, hình ảnh mình đưa ra.

“Tôi thấy vui khi ghi tên thể hiện sự tôn trọng với tác giả. Ngay bản thân tôi cũng được tôn trọng khi câu like có trích nguồn”.

Bình thường, với những câu nói anh copy của ai đó chỉ thu hút hơn 1.000 người thích nhưng với câu anh tự nghĩ ra thì có hơn 4.000 người bấm “like”.

“Người đọc sẽ cảm giác được cái tình của các bạn khi cái gì đó do chính bạn nghĩ ra hơn là câu chữ mà bạn lấy của ai đó” - anh giải thích.

Vì thế, với anh Khắc Hiếu, việc tập cho mình có những ý tưởng riêng để không phải “ăn cắp” hay mượn ý tưởng của ai đó cũng là cách để tập thói quen tư duy cho bản thân.

Hành động được coi là đạo văn:

- Lấy cắp ý tưởng, từ ngữ của người khác làm của mình.

- Sử dụng sáng tác của người khác mà không nêu tên tác giả.

- Trình bày một ý tưởng hoặc sản phẩm mới nhưng thực ra lấy từ một nguồn đã có sẵn.

Đạo văn là hành vi gian trá bao gồm việc tước đoạt công trình của người khác và sau đó nói dối về việc này (Merriam - Webster Online Dictionary).

Những hành vi bị nhầm lẫn là đạo văn:

- Dẫn giải không phải là đạo văn: đúng khi toàn bộ cấu trúc câu chữ phải là của bạn, không chỉ đối một vài từ của câu gốc, và phải ghi rõ nguồn trích dẫn.

- Đặt câu trích trong ngoặc kép là đủ: đúng khi bạn ghi rõ nguồn trích.

- Không lo lắng khi sử dụng thông tin trên mạng, vì internet là sở hữu công cộng: sai vì không phải tất cả thông tin trên mạng đều thuộc sở hữu công cộng. Sử dụng thông tin trên mạng vẫn phải ghi nguồn như thông tin giấy.

(Tài liệu “Phòng tránh đạo văn và cách lập danh mục tham khảo” do CLB FACE thực hiện)

Bài; ảnh: Hoàng Quyên

>> Bộ trưởng Đức bị tước bằng tiến sĩ vì "đạo văn
>> Dấu hiệu đạo văn của “nhà thơ nhập đồng”?
>> Đài CNN đình chỉ công tác biên tập viên “đạo văn”
>> Thủ tướng Romania bị tố đạo văn
>> Bộ trưởng Giáo dục Đức bị tố "đạo văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.