Gần đây, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) công bố báo cáo về thị trường vũ khí toàn cầu. Theo đó, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 10% tổng giá trị hợp đồng mua vũ khí trong 5 năm qua. Từ năm 2007 - 2011, New Delhi đã chi 12,7 tỉ USD để nhập khẩu vũ khí, trong đó 80% là do Moscow cung cấp. Tuy nhiên, mối quan hệ mua bán này đang dần không còn như trước.
|
Thua cay đắng
Tổ chức Nghiên cứu Jamestown (Mỹ) nhận định quan hệ mua bán quốc phòng Nga - Ấn đang gặp một số trục trặc. Chẳng hạn, vào năm 2004, New Delhi ký hợp đồng mua tàu sân bay Đô đốc Gorshkov (được Ấn Độ đổi tên thành INS Vikramaditya) với giá 947 triệu USD nhưng sau đó con số được điều chỉnh lên tới 2,3 tỉ USD. Không chỉ giá bán tăng mà thời điểm bàn giao tàu, lẽ ra là tháng 8.2008, cũng bị kéo dài đến tháng 12.2012. Sau đó, Nga lại thông báo họ chỉ có thể giao tàu Gorshkov sớm nhất vào tháng 10.2013, theo báo The Times of India. Ngoài ra, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Chakra Ấn Độ thuê của Nga với giá 920 triệu USD trong 10 năm, đi vào hoạt động hồi tháng 4.2012, nhưng những bộ phận quan trọng của nó đã gặp nhiều vấn đề, dẫn đến khả năng vận hành của INS Chakra bị ảnh hưởng, theo Hãng tin PTI.
Trong khi đó, vũ khí phương Tây vẫn luôn thu hút khách hàng toàn cầu bằng chất lượng cao. Vì thế, không có gì quá khó hiểu khi Moscow gần đây liên tục thua trong nhiều lần đấu thầu cung cấp vũ khí cho New Delhi. Năm 2012, thay vì chọn MiG-35 do Nga cung cấp, Ấn Độ đã chọn mua 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, trị giá hơn 10 tỉ USD. Cũng trong năm ngoái, Ấn Độ đã không mua Mi-26T2 Halo của Nga mà chọn Boeing Chinook CH-47F của Mỹ cho gói thầu trang bị 15 trực thăng hạng nặng, theo RIA Novosti. Truyền thông Ấn Độ nhận định chi phí hiệu quả và dịch vụ hậu mãi là những yếu tố chính để Ấn Độ quyết định chọn Chinook CH-47F. Ngoài ra, hồi năm 2011, Nga đã “thua cay đắng” trong đợt đấu thầu trang bị 22 trực thăng chiến đấu cho Ấn Độ với tổng trị giá khoảng 600 triệu USD. Khi đó, New Delhi đã chọn AH-64D Apache của Washington, thay vì Mi-28N do Moscow cung cấp.
Cạnh tranh khốc liệt
Khi thất bại trong những vụ đấu thầu trên, giới chức Nga đều phủ nhận nguyên nhân chất lượng và đưa ra nhiều lý do khác để biện minh, theo Tổ chức Jamestown. Cụ thể, Giám đốc Cơ quan Xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport lập luận rằng Moscow không trúng thầu cung cấp MiG-35, Mi-28N và những trực thăng hạng nặng vì quân đội Nga không dùng các loại khí tài này. Khi tham dự Triển lãm hàng không ở Ấn Độ hồi tháng 2, Phó giám đốc Rosoboronexport Viktor Komardin đã mời giới báo chí đến khu triển lãm của Nga để bình luận về việc New Delhi mua vũ khí từ các đối thủ khác chứ không chọn Moscow. Lúc đó, ông Komardin nghi ngờ Ấn Độ đã mua máy bay, tàu ngầm và vũ khí từ các nước phương Tây với mức giá bị thổi phồng, “không mang tính logic về quân sự”, theo báo The Telegraph.
Ngoài ra, ông còn cho rằng việc Ấn Độ chọn mua trực thăng Chinook của Mỹ là sai lầm. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề trì hoãn cung cấp phụ tùng và giao tàu sân bay, tàu ngầm cho Ấn Độ, ông Komardin lập tức nổi đóa, cho rằng những nhà cung cấp khác cũng để xảy ra tình trạng như vậy. Ông đưa ra ví dụ là Pháp đã trì hoãn việc giao tàu ngầm Scorpene cho Ấn Độ tới 3 năm.
Nhận định về những diễn biến trên, RIA Novosti thừa nhận sự canh trạnh khốc liệt của các công ty Mỹ và châu u gần đây đã làm suy yếu vị thế vững chắc lâu năm của Nga ở thị trường vũ khí Ấn Độ.
Văn Khoa
>> Trung Quốc vượt Anh xuất khẩu vũ khí
>> Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu vũ khí
>> Xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 60 tỉ USD
>> Nhật lo ngại việc Trung Quốc mua vũ khí Nga
>> Mỹ mua vũ khí Nga: giữa đường “gãy gánh”
>> Zimbabwe đổi platinum lấy vũ khí Nga?
>> Nhật, Đài Loan lo ngại thương vụ vũ khí Nga - Trung
>> Thổ Nhĩ Kỳ tố máy bay Syria chở vũ khí Nga
Bình luận (0)