Kịch bản kiểm soát vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Mỹ

04/04/2013 14:15 GMT+7

(TNO) Cần phải mất 56 ngày để thả hai sư đoàn thiện chiến xuống một quốc gia hạt nhân có tên “North Brownland” và đến 90.000 binh sĩ để xử lý kho vũ khí hạt nhân của nước này, theo một diễn tập mới đây của lục quân Mỹ.

>> Triều Tiên: Chiến tranh có thể nổ ra trong “hôm nay hoặc ngày mai”
>> Triều Tiên di chuyển tên lửa ra bờ biển
>> Mỹ điều chiến hạm thứ hai đến khu vực bán đảo Triều Tiên

Theo tờ USA Today, cuộc diễn tập có tên Unified Quest (tạm dịch: Kỳ công thống nhất) được các chiến lược gia của lục quân Mỹ tiến hành vào đầu năm nay, mô phỏng sự sụp đổ của một đất nước vũ trang hạt nhân, bài ngoại, có xã hội khép kín vốn mất quyền kiểm soát các vũ khí hạt nhân sau khi sụp đổ.

Các lãnh đạo lục quân Mỹ không xác nhận về mục tiêu của kịch bản này song mọi dấu chỉ và các bản đồ được nhìn thấy trong cuộc tập trận tại Trường Chiến tranh Lục quân Mỹ đều chỉ ra CHDCND Triều Tiên.

Kịch bản kiểm soát vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Mỹ
 Xe tăng Hàn Quốc vượt cầu trong một cuộc tập trận - Ảnh: AFP

Theo kịch bản, khi các lực lượng Mỹ đóng tại một quốc gia láng giềng thân thiện ở phía nam vượt biên giới tiến vào “North Brownland”, họ đối mặt với nhiều vấn đề cần phải vượt qua.

Vấn đề trước tiên là số lượng lớn các địa điểm hạt nhân tại các khu dân cư đông đúc, nên lực lượng Mỹ phải tiến hành các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo trong lúc tiến hành chiến dịch.

Có một cách để làm được điều này là “sử dụng hỗ trợ nhân đạo như một thủ thuật”, theo thiếu tướng Bill Hix, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Khái niệm của lục quân Mỹ. Theo đó, lục quân Mỹ sẽ thả hàng cứu trợ nhân đạo ở không xa các khu dân cư để lôi kéo họ ra khỏi những mục tiêu.

Để di chuyển các binh sĩ, các máy bay V-22 Osprey của Thủy quân lục chiến sẽ nhanh chóng thả các đơn vị lục quân vào sâu trong lòng địch. Tuy nhiên, các lãnh đạo lục quân Mỹ phát hiện việc thả các binh sĩ ở cách xa lực lượng chính quá sớm thường khiến họ dễ bị bao vây và buộc phải rút lui.

Một trong những khó khăn khác là sự thiếu thốn thông tin tình báo và trinh sát trong một đất nước khép kín. Về cơ bản, các tướng lãnh Mỹ đồng ý rằng họ sẽ phải gấp rút vượt qua biên giới trong tình trạng “hoàn toàn mù mờ”, không có các thông tin chắc chắn về cơ sở hạ tầng.

Nhìn chung, cuộc diễn tập mang lại kết quả không như mong đợi bởi thời gian hoàn tất mục tiêu kiểm soát các vũ khí hạt nhân là quá dài. Lực lượng thân thiện rốt cuộc không thể đạt được mục tiêu cơ động nhanh chóng cần thiết để thành công, theo một người tham dự cuộc tập trận, “phần lớn xuất phát từ sự cứng nhắc” của mô hình triển khai hiện tại. Hơn nữa, dù lực lượng liên quân có thể triển khai đến đích nhanh chóng, việc triển khai lực lượng kỹ thuật để kiểm soát địa điểm hạt nhân khó khăn hơn nhiều.

Nhiều trở ngại vấp phải đã được các lãnh đạo lục quân bàn bạc tại buổi hội thảo lãnh đạo cao cấp vào ngày 19.3 ở căn cứ Fort McNair tại Washington. Sự kiện này có sự tham dự của Tham mưu trưởng lục quân Ray Odierno và cấp phó John Campbell cùng nhiều tướng lãnh cấp ba sao trở lên.

Tướng Robert Cone, chỉ huy Bộ tư lệnh học thuyết và huấn luyện lục quân, nhận xét những khó khăn và lục quân đối mặt trong việc điều động binh sĩ và khí tài xung quanh chiến trường một lần nữa nhấn mạnh sự phụ thuộc giữa các quân chủng trong việc di chuyển.

Kịch bản kiểm soát vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Mỹ
 Máy bay V-22 Osprey sẽ được sử dụng để đổ quân tại CHDCND Triều Tiên nếu chiến tranh nổ ra - Ảnh: AFP

Một số sĩ quan tham dự cuộc hội thảo cho rằng một thập kỷ chiến tranh tại Iraq và Afghanistan đã ảnh hưởng đến khả năng chuẩn bị chiến đấu của lục quân Mỹ.

Cụ thể, những trung tâm hậu cần đồ sộ trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan đã làm suy yếu khả năng chuẩn bị chiến tranh của lục quân Mỹ. Các chiến lược gia lục quân cho hay họ đã buông lỏng việc luyện tập thiết lập các phương tiện hậu cần ban đầu cho một cuộc chiến, chẳng hạn như các tuyến đường ray, đặc biệt là trong điều kiện thiếu thốn.

Một lãnh đạo khác tán thành rằng lục quân Mỹ đã bị “làm hư” bởi một mạng lưới kiểm soát và chỉ huy thiết lập trong một thập kỷ tại Afghanistan và Iraq.

Một bài học được rút ra từ Iraq và Afghanistan, và được củng bố bởi cuộc diễn tập Unified Quest là “chúng ta sẽ không còn chiến đấu một cuộc chiến đơn thuần nữa”, một viên tướng bốn sao nói.

Thay vào đó, để có được thành công trong xung đột cần có nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đòi hỏi phải có hiểu biết văn hóa, sự nhạy bén chính trị và các hoạt động tình báo khác.

Theo một sĩ quan khác, vấn đề của lục quân Mỹ là họ cần phải thấu hiểu rõ hơn nền văn hóa nơi họ sẽ chiến đấu bởi “chúng ta có xu hướng tập trung vào trận đánh, khi chúng ta cần phải tập trung vào ý chí” của người dân địa phương.

Sơn Duân

>> Hàn Quốc có thể dùng vũ lực để giải cứu công dân ở Triều Tiên
>> Triều Tiên cấm dân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong
>> Trung Quốc điều quân sát biên giới Triều Tiên
>> Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân
>> Mỹ nhận định Triều Tiên chưa “động binh”
>> Tàu chiến Mỹ áp sát Triều Tiên
>> Triều Tiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.