Margaret Thatcher - một biểu tượng nghệ thuật

09/04/2013 10:40 GMT+7

(TNO) Cựu thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, từ trần hôm 8.4 ở tuổi 87, không chỉ được biết đến là “Bà đầm thép” trên chính trường thế giới, mà còn là một biểu tượng nghệ thuật.

(TNO) Hãng tin AP ngày 9.4 cho biết, cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, từ trần hôm 8.4 ở tuổi 87, không chỉ được biết đến là “Bà đầm thép” trên chính trường thế giới, mà còn là một biểu tượng nghệ thuật.

>> Những phát biểu đáng nhớ của “Bà đầm thép”
>> “Bà đầm thép” Margaret Thatcher qua đời
>> “Bà đầm thép” Margaret Thatcher từ trần
>> Phim "Bà đầm thép" gây tranh cãi

Với đường lối lãnh đạo kiên quyết, thường xuất hiện trước công chúng cùng mái tóc vàng đầy phong cách và chiếc giỏ xách “hàng hiệu”, bà Thatcher là một nhân vật khiến cho nhiều nhà soạn kịch, nhà biên kịch, nhà văn, nhà soạn nhạc... phải yêu mến hoặc... ghét bà.

Nguồn cảm hứng của nghệ thuật châm biếm

Các chính sách thị trường tự do của bà Thủ tướng Thatcher (1979 - 1990), theo đảng Bảo thủ Anh, đã làm chuyển hóa nền kinh tế nước Anh. Nhưng phe đối lập lại kịch liệt phản đối.

Một thế hệ các nhà soạn kịch châm biếm nổi tiếng của Anh, từ Ben Elton cho đến Alexei Sayle, đã dùng hết tài năng của mình tạo ra những sản phẩm giải trí đả kích bà Thatcher.

Trong loạt chương trình truyền hình mang tên Spitting Image hồi thập niên 1980, bà Thatcher "xuất hiện" như một kẻ bắt nạt, phì phèo điếu xì gà trên miệng, hoặc một người bán thịt với con dao pha lạnh lùng (nhằm chỉ trích bà là một nhà lãnh đạo độc đoán).

Một phân đoạn nổi tiếng nhất thường hay được kể lại: Bà và các bộ trưởng ngồi ăn tối. Bà Thatcher gọi món bít tết, rồi nói rằng: “Họ (các vị bộ trưởng - PV) sẽ ăn món giống như tôi gọi”.

Ở Mỹ, chương trình truyền hình Saturday Night Live thời ấy cũng chỉ trích bà Thatcher, nhưng nhẹ nhàng hơn, trong những vở kịch ngắn trào phúng. Trong số đó, phải kể đến các tiểu phẩm của nhóm danh hài nổi tiếng một thời Monty Python, với nam danh hài Michael Palin vào vai “bà đầm thép”, sau khi bà thắng cử vào năm 1979.

Nguồn cảm hứng của âm nhạc

Theo AP, trong thời bà Thatcher, nhạc pop mang hơi hướng chính trị do sự chia rẽ trong chính nước Anh hồi thập niên 1980. Rất nhiều người sáng tác nhạc để bày tỏ quan điểm chính trị.

“Bất kỳ lúc nào ai hỏi tôi nguồn cảm hứng sáng tác âm nhạc tuyệt vời nhất là gì, tôi luôn trả lời: Margaret Thatcher”, AP dẫn lời nhạc sĩ người Anh Billy Bragg phát biểu hồi năm 2009.

“Trước khi nhận ra bà Thatcher là nguồn cảm hứng sáng tác, tôi chỉ đơn giản là một ca sĩ - nhạc sĩ thị trường”, ông Bagg nói thêm.

Trong thập niên 1980, ông Bragg sau này trở thành thành viên của phong trào Red Wedge, tiến hành các chiến dịch chống lại đảng Bảo thủ và bà Thatcher.

 
"Bà đầm thép" Thatcher phát biểu trước Quốc hội Anh hồi năm 1980 - Ảnh: Reuters

“Tôi không thấy được niềm vui, chỉ thấy được nỗi buồn và tôi không thấy được cơ hội nào cho một ngày mai tươi đẹp hơn”, ban nhạc Anh Quốc The Beat hát những lời như thế trong Stand Down Margaret, được sáng tác nhằm kêu gọi bà Thatcher từ chức.

Trong bài hát mang tính đả kích hơn là Tramp the Dirt Down, ca sĩ - nhạc sĩ Elvis Costello thậm chí còn sáng tác ra những ca từ mô tả về ngày bà Thatcher qua đời: “Chúng tôi cuối cùng cũng đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi sẽ đứng bên cạnh huyệt và thả những nắm đất cuối cùng chào vĩnh biệt bà”.

Tuy nhiên, ngoài những nghệ sĩ thích đả kích bà Thatcher, cũng có những nhạc sĩ thời sau này ủng hộ bà Thatcher.

Cựu thành viên ban nhạc Spice Girl, Geri Halliwell, có viết trên Twitter ngày 8.4 sau khi hay tin bà Thatcher qua đời: “Tưởng nhớ về bà Thatcher, người đại diện cho quyền lực của phái nữ, người con gái của một người bán tạp hóa đã dạy cho tôi nhiều điều hay”, theo AP.

Nguồn cảm hứng của văn chương

Hình ảnh bà Thatcher xuất hiện nhiều lần trong một vài tiểu thuyết hồi năm 1980.

Trong cuốn The Satanic Verses (tác giả Salman Rushdie) hồi 1980, bà Thatcher lại được ví như là một “quý bà tra tấn”.

Mặc dù có quan điểm chính trị đối lập với bà Thatcher, nhưng ông Rushdie ngày 8.4 đã tưởng nhớ đến bà là một người phụ nữ “chu đáo”. Bà Thatcher vốn đã điều cảnh sát bảo vệ ông Rushdie sau khi quyển sách của ông này đề cập đến lãnh đạo Hồi giáo Iran Ayatollah Khomeini bị thế giới Hồi giáo tẩy chay dữ dội.

Ngoài ra, hình ảnh bà Thatcher cũng xuất hiện “ngầm” trong một số tác phẩm khác, như tiểu thuyết đạt giải thưởng danh giá Booker Prize của Anh hồi năm 2004, cuốn The Line of Beauty.

Nguồn cảm hứng sân khấu kịch và màn bạc

Nhân vật mang dáng dấp của bà Thatcher cũng xuất hiện trong hàng loạt vở diễn sân khấu và bộ phim trước khi bà trở thành thủ tướng.

Trên sân khấu kịch, bà Thatcher luôn được mô tả là người phụ nữ đầy quyền lực.

Trong vở nhạc kịch đạt giải thưởng danh giá Olivier và Tony mang tên Billy Elliot, những người thợ mỏ có hát bài gây tranh cãi Chúc mừng giáng sinh Maggie Thatcher, do ca sĩ Elton John sáng tác, có đoạn nhắc đến cái chết của bà.

Những nhà sản xuất vở nhạc kịch này sau khi khảo sát ý kiến của khán giả, quyết định giữ nguyên bài hát, chuẩn bị diễn lại trong thời gian tới sau khi biết tin bà Thatcher qua đời, theo AP.

Nhiều khán giả đang đổ xô đến sân khấu kịch ở Anh để xem vở The Audience, nói về những cuộc họp giữa Nữ hoàng Anh Elizabeth II và nội các chính phủ Anh.

Vở kịch mang tính hài hước nhẹ nhàng, nhưng nội dung có phần ca ngợi bà Thatcher. Chẳng hạn, phân đoạn Nữ hoàng chỉ trích bà Thatcher sau khi bà phản đối những lệnh trừng phạt của Anh lên Nam Phi nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid.

Trên màn bạc, nhân vật mang hình ảnh của bà Thatcher “giàu có, hài hước” xuất hiện trong phim điệp viên James Bond năm 1981 tên For Your Eyes Only, nhưng các đạo diễn khẳng định nhân vật Thatcher trong phim này không phải dùng để gây cười.

Một trong số các bộ phim phản ảnh và chỉ trích đường lối lãnh đạo của Thatcher là phim My Beautiful Laundrette trong thập niên 1980, mô tả một nước Anh nghèo nàn và phân biệt đối xử với các tập đoàn kinh tế. Nội dung này nhằm đả kích chính sách phát triển kinh tế theo thị trường, và tư nhân hóa các tập đoàn nhà nước của chính phủ bà Thatcher lúc bấy giờ.

Năm 2011, hình ảnh bà Thatcher xuất hiện trở lại với bộ phim “Bà đầm thép”, qua sự diễn xuất tài tình của nữ diễn viên người Mỹ từng đoạt giải Oscar, Meryl Streep. Bộ phim cũng gây ra khá nhiều tranh cãi

Sau khi hay tin bà Thatcher qua đời, Meryl Streep ngày 8.4, lên tiếng ca ngợi “Bà đầm thép” là một người phụ nữ đi tiên phong, đề cao vai trò của phụ nữ trong chính trường.

"Đối với tôi, bà Thatcher là một người phụ đáng kinh ngạc với đầy sức mạnh cá nhân và lòng can đảm", Meryl Streep nói với AP.

Phúc Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.