Những đứa trẻ vô thừa nhận
Cô Trương Thị Ngọc Yến, Phó trưởng phòng Giáo dục và dạy nghề thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long kể mới đây, ngay ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, có một đứa trẻ bị bỏ rơi trên băng đá của trung tâm. Ngay lập tức trung tâm thông báo cho công an xã Phú Quới (H.Long Hồ) đến lập hồ sơ tiếp nhận. Đó là một bé gái khoảng 8 tháng tuổi, cân nặng 11 kg, chẩn đoán ban đầu bé bị bệnh động kinh, yếu đốt sống cổ, mờ mắt… Trước đó, ngày 2.2, nhân viên của trung tâm cũng phát hiện một bé trai bị bỏ rơi. Khác với những lần trước, kiểm tra chiếc giỏ đựng quần áo của bé có một mảnh giấy ghi tên Mai Kiến Hưng, sinh ngày 4.12.2012.
|
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long hiện đang nuôi dưỡng 73 trẻ, trong đó có 19 trẻ khuyết tật. Mỗi trẻ được cho nằm trên một chiếc giường chừng 1 m2. Khi chúng tôi đến thăm có trẻ đang ngủ say hay đang ngọ nguậy, có trẻ la khóc vì các cô bảo mẫu bận cho trẻ khác uống sữa… Cô Phạm Thị Ngọc Dẽ, 28 tuổi, gần 10 năm làm bảo mẫu tại đây, tâm sự: “Bình thường chăm sóc đã khó, mỗi khi trái gió trở trời, các cháu trở bệnh lại càng khó khăn hơn. Các cháu khóc mình phải ẵm bồng, dỗ dành hết đứa này đến đứa khác. Mình chỉ biết làm hết lòng thôi chứ làm sao bù đắp được tình thương như cha mẹ ruột”. Cô Dẽ cho biết đa số các cháu ở đây vừa mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, chưa được đặt tên. Tên các cháu do các cô chú của trung tâm này đặt. “Mỗi ngày tui chăm sóc 8 cháu, trong đó 4 cháu bị bệnh bại não, khuyết tật. Như cháu Trần Bảo Thu bị úng thủy não, mỗi khi trái gió trở trời là ho, khó thở phải đưa vào bệnh viện. Có những lúc bệnh nặng phải ẵm trên tay suốt đêm”, cô Dương Thị Hường, một bảo mẫu ở trung tâm chia sẻ.
Con số đáng báo động
Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Giáo dục và dạy nghề cho biết từ năm 2004 đến nay, trung tâm tiếp nhận gần 200 trẻ, nhiều nhất là năm 2008 với 27 trẻ. Hai năm gần đây số lượng giảm, nhưng vẫn trên 10 trẻ, tức là tháng nào cũng có trẻ bị bỏ rơi. Trẻ thường bị bỏ rơi ở bệnh viện hay trước cửa trung tâm, thậm chí là trong thùng rác… Hiện nay trung tâm cũng gặp không ít khó khăn. “Số tiền ăn mà trung tâm vận động từ các tổ chức xã hội vẫn không thấm vào đâu. Còn chương trình viện trợ của tổ chức nhân đạo nước ngoài đến nay đã cắt giảm do ảnh hưởng kinh tế chung”, ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc trung tâm trăn trở.
|
Theo một lãnh đạo địa phương, từ khi Khu công nghiệp Hòa Phú, Trường ĐH Cửu Long và Trường trung cấp nghề Vĩnh Long đi vào hoạt động, hàng chục ngàn người đã đổ về địa bàn xã Phú Quới (H.Long Hồ, Vĩnh Long) để học hành, làm việc. Hiện nay, trong khuôn viên chỉ khoảng 3 km2, nhưng có đến 30.000 công nhân và sinh viên sinh sống. Kéo theo đó là các loại nhà trọ mọc lên như nấm. UBND xã và lực lượng công an chỉ quản lý về mặt thủ tục hành chính còn chuyện gì xảy ra phía sau những cánh cổng nhà trọ thì… có trời mới biết. “Tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng nhiều là hệ lụy của những cuộc tình công nhân, sinh viên. Chúng tôi phát hiện có những cặp vô tư sống chung với nhau như vợ chồng. Nếu chủ nhà trọ nào khó tính, không đồng ý việc nam nữ sống chung bất hợp pháp thì họ đối phó bằng cách thuê hai phòng trọ, nhưng đêm xuống ngủ chung một phòng. Lửa gần rơm, lại không có ý thức phòng tránh thai, nên chuyện sinh con ngoài ý muốn rồi vứt bỏ là điều tất yếu”, một cán bộ phụ nữ xã cho biết.
Mới đây, ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp Hòa Phú làm cuộc khảo sát và đưa ra con số đáng báo động: “Đến hết quý 1.2013, tổng số công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp là 18.052 người, trong đó có 13.420 lao động nữ. Tỷ lệ phụ nữ ở đây ly dị chồng rất cao. Chỉ riêng Công ty TNHH Tỷ Xuân có 9.095 lao động, trong 7.301 lao động nữ thì hơn 50% đã ly dị chồng”.
Thanh Đức
>> Trẻ em bị bỏ rơi tăng cao
>> Cứu bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường
>> Một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
>> Nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
>> Bỏ rơi trẻ sơ sinh
>> Trẻ bị bỏ rơi, não kém phát triển
Bình luận (0)