Người mẹ nào mất con cũng đau

22/04/2013 10:10 GMT+7

Ở tuổi 93, sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè đã suy giảm phần nào. Thế nhưng, trí óc minh mẫn và đặc biệt là trái tim nhân hậu cao cả của bà vẫn luôn hiển hiện, có sức lay động mãnh liệt lòng người.

Nằm giữa trung tâm TP.HCM, ngôi nhà của bà Năm Mè ẩn dưới những tán lá xanh um. Cây khế trước nhà trổ bông tim tím, gợi lên miền ký ức thân thuộc, gần gũi chốn làng quê. Bà Mè vừa trải qua một trận ốm. Tuy vậy, bà vẫn nhiệt tình tiếp đón chúng tôi ngay trên chiếc giường của bà.

Ký ức về những đứa con

Người mẹ nào mất con cũng đau 1
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè bên di ảnh những người con đã ngã xuống trong tuổi thanh xuân - Ảnh: Như Lịch


Phóng sự tài liệu Mất con, người mẹ nào không đau

Bà có ba người con trai là liệt sĩ. Người con trai duy nhất còn sống một phần thịt da cũng đã nằm lại chiến trường xưa. Mồ hôi, tâm sức, xương máu của gia đình bà đã âm thầm đổ xuống cho nền độc lập của Tổ quốc.

Trong căn phòng nhỏ, người mẹ đặt di ảnh ba người con liệt sĩ trên bàn làm việc, treo trên những bức tường... “Ở đâu, lúc nào cũng có con bên mình”, bà Mè bồi hồi. 

Chạm tay vào từng bức hình, giọng bà chùng xuống như đang thủ thỉ chuyện trò với những khúc ruột thân yêu của mình: ”Đây là Bé Hai (liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Sanh, hy sinh lúc 26 tuổi - PV), thằng này đẹp kiểu nghệ sĩ. Đây là Bé Ba (liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Tài, hy sinh lúc 24 tuổi), thằng này đẹp kiểu nhà văn. Còn đây là Bé Tư (liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Đại, hy sinh khi mới 22 tuổi), thằng này giỏi toán lắm. Ai cũng khen ba đứa đẹp trai, nhiều người đòi gả con. Nhưng tụi nó không chịu, nói là giải phóng về má cưới vợ cho”.

 

“Đã nói hòa hợp dân tộc thì mình phải dẹp hết mấy từ như "kẻ thù", "ngụy quân, ngụy quyền"… Nói như vậy là làm khổ người ta. Đến bây giờ mình còn làm khổ người ta chi nữa. Người ta đã khổ với con họ rồi, mình không nên khơi lại vết thương của họ”. 

Niềm thương nhớ, ký ức về những đứa con ra đi vĩnh viễn gần nửa thế kỷ qua chưa khi nào phai mờ trong lòng người mẹ. Bà cười đôn hậu, hồi tưởng: “Nói cho ngay, mấy đứa con của má không làm cho má buồn bao giờ. Hôm nào má dầm mưa nhức mỏi, cả bốn đứa - hai đứa trên đầu, hai đứa dưới chân, đấm bóp chừng nào má ngủ rồi mới lén rút đi”.

Bà Mè cho biết, lúc chồng bà (ông Nguyễn Văn Nhơn) mất, bà đem di ảnh ba con trai cùng đi đưa tang. “Đến lượt má cũng vậy. Phải có ba cái hình của mấy đứa này đưa tiễn”, bà Mè trầm ngâm.

“Làm khổ người ta chi nữa”

Thấm thía nỗi đau của người mẹ mất con, bà Mè nói rằng bà rất thông cảm với những bà mẹ mất con trong chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đây: “Người mẹ nào mất con thì cũng đều đau hết trơn. Mỗi người đau một kiểu. Có người mất con thì tự hào. Có người mất con thì cay đắng… Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau, trong chiến tranh phải chấp nhận thôi. Đâu ai muốn con mình chết vô lý”.

Cô giáo Năm Mè, Hiệu trưởng Trường Long Đức (tỉnh Trà Vinh) ngày trước, nhớ lại: “Ở cái trường tư đó, tui luôn dạy học trò rằng, bây giờ không có gì vinh quang bằng hy sinh cho Tổ quốc. Tới chừng người cha của đứa học trò kêu nó đi quân đội, nó lợi (lại) từ giã: Cô ơi, ba con bảo con đi. Bây giờ con không dám không đi! Nhưng mà ‘súng Mỹ, lòng ta’ cô à! Mình cũng mừng là thấy nó hiểu được cái chuyện đó: súng Mỹ, lòng ta”. 

Ngừng một lát để nghe điện thoại của người thân dưới miền Tây gọi lên, bà Mè nối lại câu chuyện: “Tui quen biết một bà mẹ có con bên này bên kia thời đó. Bả nói, nghe súng ở ngoài đồn, tao lo cho thằng Hai quá. Còn nghe súng ở trong, tao lo cho thằng Út quá. Hai đứa con ở hai chiến tuyến, hồi đó gọi các bà mẹ trái tim bị xẻ làm đôi là vậy đó”.

Người mẹ nào mất con cũng đau 1
Tuổi cao sức yếu, bà Mè vẫn dành tâm huyết tìm hiểu những quyển sách dạy làm người - Ảnh: Như Lịch

Là Mẹ Việt Nam anh hùng, người đã có ba đứa con nằm lại nơi chiến trường, bà Năm Mè cũng có một cái nhìn rất rõ ràng về hòa giải: “Đã nói hòa hợp dân tộc thì mình phải dẹp hết mấy từ như ‘kẻ thù’, ‘ngụy quân, ngụy quyền’… Nói như vậy là làm khổ  người ta. Đến bây giờ mình còn làm khổ người ta chi nữa. Người ta đã khổ với con họ rồi, mình không nên khơi lại vết thương của họ”. 

Bà Mè cho hay, mỗi khi trong nhà có đám giỗ, bà thường mời một số học trò cũ ngày trước đi quân dịch đến dự. Cảm động trước tâm chân tình của cô giáo, song hầu như lần nào họ cũng từ chối. “Tui nói, đứa nào thương cô thì cứ đi đám giỗ. Có 2 - 3 đứa đến đám giỗ ông xã tui, nhưng tụi nó chỉ lại cho có mặt chứ không dám ở lâu. Tụi nó tâm sự sợ gặp mấy người quen, sợ người ta biết hồi xưa đi lính. Tui bảo bây giờ qua rồi thì thôi, không có ai nói gì đâu”, bà Mè tâm tư.

Không chỉ thấu cảm với những bà mẹ cùng sống trên dải đất chữ S này, bà Bùi Thị Mè còn thể hiện sự cảm thông với những bà mẹ ở nước Mỹ xa xôi - những người có con tham chiến ở Việt Nam trước năm 1975. Cách đây hơn 20 năm, James G. Zumwalt - một cựu chiến binh, con trai cựu Đô đốc Chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam - lần đầu tiên tìm gặp bà Mè để thu thập tư liệu cho cuốn sách Chân trần, Chí thép (xuất bản năm 2010). Chính thái độ cởi mở, bao dung của bà đã xua tan cảm giác dè dặt, lo ngại của ông James về lòng hận thù chất chứa bởi những bi kịch, mất mát đau thương in hằn trong quá khứ.

Bà Mè thuật lại: “James phỏng vấn tui mấy lần. Tui bảo nó rằng, tui đau mất con, tui thông cảm cho nó vì nó cũng có người anh chết do chất độc da cam. Tui cũng thông cảm cho các bà mẹ Mỹ. Tui mất con vì con hy sinh cho Tổ quốc. Còn mấy bà mẹ Mỹ mất con mà không biết vì lý do gì con mình phải đi chiến đấu, con đến ở cái xứ nào đâu mình cũng không biết. Rồi đến chừng chết rồi, thây thi ra sao cũng không biết nữa… Cho nên, tui rất thông cảm cho họ”.

 

“Tui cũng thông cảm cho các bà mẹ Mỹ. Tui mất con vì con hy sinh cho Tổ quốc. Còn mấy bà mẹ Mỹ mất con mà không biết vì lý do gì con mình phải đi chiến đấu, con đến ở cái xứ nào đâu mình cũng không biết”.

Những bài học làm người

Chúng tôi thắc mắc: “Để có sự thông cảm với những bà mẹ như vậy, bà có phải trải qua một sự giằng xé nội tâm?”. Thay cho câu trả lời, bà với tay sang cái tủ nhỏ cạnh giường, lấy quyển sách Sống hạnh phúc, chết bình an của Đạt Lai Lạt Ma đưa cho chúng tôi. Câu chuyện về cựu binh Mỹ James G. Zumwalt và cuốn sách Chân trần, Chí thép vẫn chưa dứt khỏi tâm trí bà: “Hồi nào James sang Việt Nam, nó cũng chạy lại thăm má. Hôm nó giới thiệu cuốn sách tại TP.HCM, vừa thấy má, nó chạy riết lại rồi cầm tay hun. Nó nói ở bên Mỹ, người ta đọc bài của nó viết về má, về sự thông cảm của má với những bà mẹ Mỹ, họ cảm động lắm. Má thấy rất hài lòng, vì người ta biết dân tộc Việt Nam mình tốt như vậy đó, có  văn hóa rộng rãi, không nuôi lòng thù hận”.

Do sức khỏe yếu nên dạo này, bà Mè ít có dịp trò chuyện cùng những người trẻ và đi làm từ thiện. Bà cho biết, trong quá trình đi nói chuyện, có những bạn trẻ (người Việt Nam lẫn người nước ngoài) đặt cho bà không ít câu hỏi bất ngờ, khiến bà thấy mình cũng học được những điều thú vị.

Người mẹ nào mất con cũng đau 1
Một cử chỉ đầy ý nghĩa - Cựu chiến binh James G.Zumwalt hôn tay bà Năm Mè trong một cuộc gặp ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đề cập vấn đề nhiều bạn trẻ hiện nay không hứng thú với môn sử, bà Mè trăn trở: “Dạy sử là để cho học sinh tiếp thu được, nghĩa là từ trái tim sang trái tim. Ăn thua bước đầu mình giáo dục cho từng học sinh thích môn sử, bởi đó là lịch sử của đất nước. Nếu dạy theo lối để học vẹt là không hiệu quả”.

Trên bàn làm việc của bà, chúng tôi thấy quyển sách Hướng dẫn công dân và đạo đức đang đọc dang dở. Bà kể, đây là tài liệu dạy làm người, do một người quen lùng mua ở Pháp mang về tặng cho bà. Bà tỏ ra tâm đắc: “Sách này không phân biệt Công giáo hay Phật giáo, dạy làm người rất hay. Tui định giới thiệu quyển sách với những nhà quản lý giáo dục ở nước mình, nhưng phải chờ người nào biết nghiên cứu mới đưa, chứ không phải đụng ai đưa nấy”.

Đôi tay run run, bà lật từng trang sách rồi phấn chấn đọc một loạt đề mục: Đạo đức công dân; Đạo đức xã hội; Kiến thức xã hội; Thế nào là làm người? Điều tốt và điều xấu; Lương tâm… Dừng lại khá lâu ở một trang sách, cô giáo Năm Mè ngày nào cất giọng truyền cảm: “Mình không muốn bị đối xử ra sao thì cũng đừng làm với người khác như vậy. Hãy đối xử với người khác theo cách mà mình muốn được mọi người đối xử mình. Hãy luôn đặt mình vào vị trí những người đối diện. Điều gì làm mình thấy đau thì đừng làm thế với người khác. Trao nụ cười thì sẽ được nhận lại nụ cười…”.

Chúng tôi nhớ mãi nụ cười đôn hậu của bà.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.