(TNO) Cùng với việc điều trị cho thêm một bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 và phát hiện gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc vào TP.HCM mang cúm A/H1N5, các cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ lây lan cúm gia cầm từ các địa phương vào TP.HCM là rất cao.
Một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 qua cơn nguy kịch
Hôm nay (23.4), bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM, xác nhận Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hiện đang điều trị một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 được phát hiện tại Long An.
Bệnh nhân N.T.N.D (20 tuổi, ngụ Tân Hưng, Long An) được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy qua một tuần nay với diễn biến nguy kịch do dịch màng phổi hai bên, tổn thương phế nang hai phổi.
Hiện tại, bệnh nhân đã được cứu sống, tỉnh và dần ổn định sức khỏe, có thể ăn uống được.
|
Theo báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân khởi bệnh với các triệu chứng: sốt cao, mệt, ho khan, đau ngực. Sau năm ngày khám và uống thuốc tại phòng mạch tư và cơ sở y tế địa phương vẫn không khỏi, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur xác nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1.
Được biết, trước khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, bệnh nhân có cùng năm người trong gia đình làm thịt bốn con vịt cho khoảng bảy người ăn.
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cho biết theo điều tra dịch tễ thì tại nơi cư ngụ của bệnh nhân (ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) hiện có hiện tượng vịt chết vài con trên đàn khoảng 20-30 con.
Ngoài ra, tại ấp lân cận là Vườn Chuối, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, ghi nhận có bảy con gà chết không rõ lý do.
Nguy cơ lây bệnh từ gia cầm trái phép
Theo bác sĩ Nam, TP.HCM vẫn còn những quận, huyện vùng ven có đất ruộng. Người dân ở các vùng này tổ chức chăn nuôi gia cầm nên nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 cho người rất cao.
Những quận, huyện được coi là vùng nhạy cảm với cúm A/H5N1 có Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh.
Các quận, huyện Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân rất dễ bị lây nhiễm bệnh do là cửa ngõ vận chuyển gia cầm từ các tỉnh lân cận vào TP.
|
Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, xác nhận nguy cơ lây lan cúm gia cầm từ các địa phương vào trung tâm TP.HCM qua con đường gia cầm nhập lậu là rất cao.
Vừa qua, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện một nhà kinh doanh gia cầm trái phép với quy mô lớn ở Q.Bình Tân. Qua kết quả xét nghiệm thì có một mẫu dương tính với cúm A/H5N1.
Theo thống kê của Chi cục Thú y TP.HCM, TP vẫn còn 78 điểm kinh doanh gia cầm trái phép. Trong đó, có những điểm rất lớn ở Q.7, Gò Vấp, huyện Hóc Môn.
Giám sát "đường lây" cúm A/H5N1 vào TP.HCM
Hiện Chi cục đã yêu cầu các quận huyện lấy mẫu giám sát cúm trên gia cầm trên địa bàn TP.HCM. Việc này sẽ được thực hiện và hoàn tất trong tháng 4.
“Kiểm tra cúm trên gia cầm nếu các mẫu dương tính với cúm A nhưng âm tính với chủng H5N1 thì sẽ được chuyển qua Viện Pasteur để kiểm tra virus H7N9”, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.
Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng đã xin ý kiến UBND TP.HCM thành lập bốn đoàn kiểm tra liên ngành để tiếp tục “truy quét” các điểm kinh doanh, nuôi gia cầm trái phép.
“Đoàn kiểm tra đã nhiều lần kiểm tra, “truy quét”, xử lý các điểm giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép nhưng tại các địa phương hầu như không chuyển biến, lại tái diễn. Sau khi phát hiện, đoàn kiểm tra giao vụ việc cho địa phương tiếp tục theo dõi, xử lý thì không thấy báo cáo các trường hợp đã được xử lý”, ông Trung nhìn nhận.
Qua đó, ông Trung cho biết: Sở NN-PTNT đề nghị UBND TP truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo quận huyện ở địa phương, công an khu vực ở những nơi vẫn để tái diễn các điểm mua bán, chăn nuôi, giết mổ gia cầm trái phép.
Từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước có bốn tỉnh công bố ổ dịch cúm gia cầm là Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên và Kiên Giang. Riêng trong tháng 4.2013, đã ghi nhận thêm ổ dịch cúm gia cầm làm chết hơn 4.000 con chim yến tại Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) và 177 con chim trĩ tại huyện Châu Thành (Tiền Giang). Trong năm nay, nước ta cũng đã có một ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong ở người (nạn nhân ở Đồng Tháp). Đứng trước những nguy cơ dễ bị lây nhiễm cúm A/H5N1, bác sĩ Nam cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác, không ăn gia cầm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, gia cầm bị bệnh. Đặc biệt người dân nhớ rửa tay sạch trước khi ăn. Những người tham gia chăn nuôi gia cầm cũng đang được ngành y tế giám sát sức khỏe hết sức chặt chẽ, nhằm phát hiện sớm ca bệnh để xử trí kịp thời. |
TP.HCM: Chưa áp dụng các biện pháp làm thiệt hại kinh tế nhà nuôi yến Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, khẳng định, hiện chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus cúm gia cầm cũng như hiện tượng chim yến chết bất thường tại TP.HCM. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Thú y TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có trên 300 nhà yến. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở địa bàn huyện Cần Giờ (219 hộ nuôi). Trong nội thành thì nhiều nhất là quận 2 với 14 hộ nuôi. Còn lại, các hộ nuôi rải đều ở một số quận, huyện. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 10 nhà nuôi yến tại Cần Giờ được cấp phép. Còn lại đều xây dựng tự phát, một số hộ cải tạo một phần diện tích nhà ở thành nơi dẫn dụ, gây nuôi chim yến. Theo đề xuất của Sở NN-PTNT TP.HCM và ý kiến của HĐND TP.HCM, trước mắt, TP.HCM sẽ ban hành quy chế quản lý việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn TP. Trong đó, quy trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép xây dựng nhà nuôi yến mới; quản lý đưa các nhà nuôi yến hiện hữu đi vào nề nếp; xử lý các trường hợp phát sinh xây nhà nuôi yến ngoài khu vực được quy hoạch, xây dựng nhà yến trái phép; trách nhiệm của chủ nhà yến trong việc giám sát dịch bệnh. Ý kiến của HĐND TP.HCM cho rằng, hiện các cơ quan chức năng cần thống kê chính xác, quản lý chặt chẽ các hộ nuôi yến, phải kiểm dịch thường xuyên nhưng không gây bất an, chưa cần phải có các biện pháp gây thiệt hại kinh tế cho nhà nuôi, không gây xáo trộn đời sống người dân, các hoạt động dịch vụ, kinh tế. |
Nguyên Mi
>> Giám sát, xét nghiệm tất cả các ca bệnh viêm phổi, cúm để phòng H7N9
>> Đề nghị công bố dịch cúm tại cơ sở có chim yến bị nhiễm H5N1
>> Chưa phát hiện vi rút H5N1 trên chim yến sống
>> Ninh Thuận triển khai phòng chống dịch cho chim yến nuôi
>> Không tiếp xúc gia cầm vẫn nhiễm H7N9
>> Ca tử vong thứ 16 do cúm H7N9 ở Trung Quốc
>> Chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc hỗ trợ nghiên cứu H7N9
>> Giám sát vi rút H7N9 trên gia cầm nhập lậu
>> Tăng cường đề phòng lây lan cúm A/H7N9 qua cửa khẩu
>> Phòng chống cúm A/H7N9: Kiểm tra thân nhiệt khách ở sân bay
Bình luận (0)