Ấn Độ từng nhiều lần đụng độ với Pakistan do tranh chấp khu vực Kashmir và hồi tháng 1 và 2.2013, binh sĩ hai bên tiếp tục đọ súng khiến ít nhất 6 người chết. Trong khi đó, quan hệ New Delhi - Bắc Kinh đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ sau cuộc chiến năm 1962 vì vụ lính Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập khu vực Ladakh đang do Ấn Độ kiểm soát sâu tới gần 20 km và dựng trại ở đây. Giới chức hai bên đang tích cực đàm phán để giải quyết vụ việc nhưng chưa có kết quả cụ thể, theo Hãng thông tấn PTI.
Bên cạnh đó, Pakistan và Trung Quốc lại ngày càng thắt chặt quan hệ hợp tác về mọi mặt, nhất là quân sự. Trung Quốc cũng đang kiểm soát 5.180 km2 ở Kashmir do Pakistan nhượng lại hồi năm 1963. Trong bối cảnh này, Ấn Độ không thể không sẵn sàng cho nguy cơ bị 2 láng giềng tấn công đồng thời và theo báo The New Indian Express, Ủy ban An ninh quốc gia Ấn Độ đã thông qua học thuyết về cuộc chiến trên hai mặt trận cùng lúc.
|
Tăng cường không, lục quân
Hồi tháng 3, không quân Ấn Độ (IAF) tiến hành cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của lực lượng này về số lượng chiến đấu cơ và mức độ. Cuộc tập trận kéo dài khoảng nửa tháng với sự tham gia của hơn 400 chiến đấu cơ các loại cùng 250 máy bay vận tải và trực thăng. Với tình huống giả định bị Pakistan ở phía tây và Trung Quốc ở phía đông đánh úp, IAF nhanh chóng tập trung hỏa lực đến mặt trận phía đông vì Ấn Độ tin rằng lực lượng Pakistan dễ đối phó hơn. Báo The Times of India dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định nếu chiến tranh xảy ra, Trung Quốc có thể triển khai ít nhất 21 phi đội chiến đấu cơ (mỗi phi đội có từ 10-18 chiếc) từ 8 căn cứ không quân ở Tây Tạng và một số sân bay khác để tấn công. Nếu máy bay Trung Quốc được phép đi qua không phận Myanmar thì con số này sẽ còn tăng lên. Tương tự, Pakistan có thể triển khai từ 21-25 phi đội tham chiến.
Theo học thuyết chiến tranh nói trên, IAF cần phải được trang bị thêm ít nhất 10 phi đội chiến đấu cơ, nâng tổng số lên 45 và New Delhi đang có kế hoạch chi 35 tỉ USD trong 10 năm tới để tăng cường sức mạnh không quân. The Times of India đưa tin IAF đã ký hợp đồng mua 272 máy bay Sukhoi-30MKI của Nga đồng thời nâng cấp 60 chiếc Mig-29 và 51 máy bay thế hệ 4 Mirage-2000 (Pháp). Bên cạnh đó, Ấn Độ đang đẩy nhanh thương vụ mua chiến đấu cơ Rafale cũng của Pháp và lên kế hoạch trang bị 200 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đang hợp tác phát triển với Nga.
|
Ngoài ra, lục quân Ấn Độ đang chuẩn bị tập trận ứng phó 2 mặt giáp công cũng như ra sức nâng cấp, hiện đại hóa xe thiết giáp và xe tăng tác chiến chủ lực 72M1 Ajeya do Nga sản xuất. Dự kiến tới năm 2020, lục quân sẽ nhận hơn 1.640 xe tăng T-90S hiện đại và triển khai 348 chiếc tới khu vực biên giới với Trung Quốc. Theo The Times of India, Ấn Độ cũng bắt đầu xây dựng 18 đường hầm dọc biên giới với 2 láng giềng để di chuyển binh sĩ nhanh hơn cũng như cất giấu những vũ khí quan trọng.
Đe dọa lâu dài
Theo báo Deccan Herald, học thuyết chiến tranh 2 mặt trận của Ấn Độ chú trọng đối phó Trung Quốc hơn. AFP dẫn lời giới chức nước này cho rằng thừa sức đáp trả Pakistan và “Trung Quốc mới là mối đe dọa lâu dài thật sự. Chúng ta phải xây dựng quan hệ tích cực với Bắc Kinh, nhưng cũng phải sẵn sàng đối phó mọi tình huống”. Chuyên gia Sujit Datta tại New Delhi cũng nhận định với AFP rằng vụ lính Trung Quốc xâm nhập Ladakh đã được tính toán kỹ lưỡng nhằm “dằn mặt” việc Ấn Độ tăng cường phòng thủ và xây dựng cơ sở hạ tầng tại biên giới.
Chưa hết, hồi tháng 2.2013, Công ty cảng nước ngoài Trung Quốc chính thức nhận quyền quản lý hải cảng chiến lược Gwadar của Pakistan. Giới chức hai nước khẳng định việc này chỉ phục vụ cho hoạt động kinh tế nhưng theo báo The Dawn, cảng Gwadar hoàn toàn có thể được chuyển đổi hoạt động thành căn cứ hải quân. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào nhiều hải cảng quan trọng khác bao quanh như 6 cảng tại Nepal và cảng nước sâu Hambantota ở Sri Lanka. Đó là chưa kể các thông tin không chính thức đang làm New Delhi “sốt vó” về việc Bắc Kinh lên kế hoạch xây dựng cảng tiếp tế tại Seychelles và Maldives để “phục vụ chống hải tặc”. Do đó, The Times of India dẫn một số nguồn tin cho biết Ấn Độ đang từng bước triển khai kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân mới ở bờ biển phía đông để ứng phó việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang Ấn Độ Dương.
Ấn Độ, Trung Quốc sẽ tập trận chung Bất chấp căng thẳng đang gia tăng, giới chức Ấn Độ và Trung Quốc vừa hoàn tất các thủ tục cho cuộc tập trận chống khủng bố chung, dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10.2013. Hãng thông tấn PTI dẫn một số nguồn tin cho hay trong chuyến thăm Thành Đô hồi tuần rồi của phái đoàn quân sự Ấn Độ, hai bên đã thảo luận thành phần binh sĩ tham gia tập trận nhưng không đề cập vụ xâm nhập Ladakh của binh sĩ Trung Quốc. Cũng theo PTI, đại diện 2 nước sẽ gặp nhau trong tuần này để bàn việc Trung Quốc định xây đập mới trên thượng nguồn sông Brahmaputra gây lo ngại cho Ấn Độ. Minh Trung |
Văn Khoa
>> Thêm một cáo buộc cưỡng hiếp ở Ấn Độ
>> Ấn Độ xử nghi phạm cưỡng hiếp
>> Ấn Độ tăng cường trang bị khí tài Nga
>> Ấn Độ treo cổ kẻ khủng bố ở Mumbai
>> Pakistan phóng thích 315 ngư dân Ấn Độ
>> Giao tranh ở biên giới Ấn Độ - Pakistan
Bình luận (0)