>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 23: Võ sư sưu tầm đồ lam Huế
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 22: Hai anh em mê đồ cổ
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 21: Tìm tranh trong đá
Tìm vật liệu đầu làng cuối xóm
Ông là Nguyễn Đình Hoa, tôi gặp ông lần đầu cách đây đã hơn 3 năm. Ngần ấy thời gian không làm cho tình yêu gốc tre của ông vơi mất, chỉ có điều tuổi già đã lấy đi của ông sự tráng kiện và sức khỏe để đạp chiếc xe cà tàng ngao du khắp nơi, thu lượm “chiến lợi phẩm”.
Ông quê gốc xã Triệu Phước (H.Triệu Phong). Thời chống Pháp, ông tham gia dân quân du kích. Năm 1954 ông tập kết ra bắc, dập dồi khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh rồi lại về cầm cuốc, cầm cày ở nông trường Lệ Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Bình). Được 2 năm thì ông cưới được một cô gái xứ Huế nết na. Ngồi mơ màng trên chiếc trường kỷ, ông kể: “Hồi nớ còn chiến tranh, tôi mằn mò vẽ một bức tranh mô tả cuộc chiến, to bằng chiếc chiếu được anh em trong nông trường khen. Ông giám đốc liền lôi tôi lên bắt đi học… họa sĩ, nếu không chịu thì cho nghỉ việc. Tôi đem cả vợ con lên lạy lục mãi mới khỏi phải đi học”.
|
Công việc nông trường cực nhọc làm ông dần quên đi cái thú vẽ vời, chỉ đến năm 1985, khi đã nghỉ hưu, máu nghệ sĩ của ông mới bắt đầu được nhen lên. “Nói như nhà thơ Nguyễn Duy thì “tre xanh xanh tự bao giờ”, còn tôi lúc đó mới chợt biết mình khoái gốc tre, nó như là cái duyên kỳ ngộ của tôi. Cây tre gần gũi với người dân Việt quá, nên đôi khi cái gốc ở đấy, ai cũng thấy nhưng không ai “rảnh” như tôi để ngồi mân mê tưởng tượng xem nó giống cấy (cái - PV) chi”, ông tếu táo. Nói chưa dứt lời thì bà Khanh, vợ ông đã nói vọng vào, vặn vẹo: “Khổ lắm chú ơi, mất công bỏ việc, lại chất tre đầy nhà…”.
Bà Khanh nói lẫy vậy thôi, bởi dạo ấy người ta bắt đầu quen với hình ảnh một ông già tóc bạc đạp xe chậm rãi dọc bờ Thạch Hãn đảo mắt nhìn, như không biết mỏi. Chốc chốc ông già nom như “nhà khảo cổ” ấy lại dừng xe, chạy xuống sát mép nước lượm rồi ngắm nghía mấy gốc tre đen đúa, bám bao nhiêu là bùn và hí hửng mang về. Vậy mới có chuyện, có người thấy mà thương cảm rằng: “Trời ơi, thời buổi này mà vẫn có người già cực tới mức phải đi mót củi”.
|
|
Ông đi trong làng quê, không có tiền nên hành trình sưu tập của ông thường là đi… xin. Ấy vậy nên cũng có không ít chuyện dở khóc dở cười. Có hôm nghe người quen mách ở chỗ nọ có gốc tre, ông hì hục chạy đến và buồn thiu ra về khi gia chủ bảo “Tui chụm củi nhen lửa hết rồi”… Lại có hôm, khi ông tìm đến nhà nọ thì gốc tre đã đỏ rực trong bếp, đứng ngắm một lúc và chợt thấy ra hình hài của gốc tre kia, ông nhảy bổ vào bếp lửa nóng, dùng tay không lôi gốc tre đang đỏ rực ra dập… để cứu lấy “tác phẩm tương lai” của mình. Sau vụ này, gia chủ “vái tay” xin thua ông. “Tác phẩm của tôi cũng giống như con cái, đều là của trời cho, không phải muốn là được”, ông Hoa chia sẻ kinh nghiệm.
Ôm ấp hồn quê
Ông Hoa bảo thú chơi gốc tre không tốn kém nhiều nhưng người chơi phải có óc tưởng tượng và phải... rảnh. Hiện bộ sưu tập của ông đã có cả trăm tác phẩm đủ kích cỡ, chủng loại. Sợ mất mát và hư hỏng, ông đặt tên cho chúng, thuê thợ chụp ảnh lại tất cả và dán trong cuốn sổ nhỏ cất vào trong rương, có ai hỏi mới lấy ra cho xem. Tất nhiên, không ai tán đồng việc này nhiệt tình bằng vợ ông bởi bà đã quá “ngán ngẩm” vì phải suốt ngày dọn dẹp mớ tre trúc của chồng...
Các tác phẩm bằng gốc tre của ông hết sức phong phú, trong đó có những con chim réo rắt gọi bạn, có đôi nai tung tăng gặm cỏ giữa yên bình, có chuyến thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, có người lính oai hùng tung vó ngựa… Những gốc tre ưng ý nhất ông để trang trọng trong phòng khách, một số ông để trong kho, còn mấy “tác phẩm” không độc đáo thì ông đem ra làm… đồ chơi cho cháu.
Chưa thỏa chí với mấy gốc tre, ông còn chơi gỗ lõi và làm tranh bằng con ốc chằn (loại ốc nhỏ bằng đầu ngón tay út, có rất nhiều ở vùng biển miền Trung). Mấy khúc gỗ lõi cũng như gốc tre, đẹp hay xấu đều nhờ tạo hóa, nhưng còn những bức tranh được tạo nên bằng những con ốc biển nhỏ xíu thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Tranh ốc chằn ông thường chọn đề tài về người lính, về Thành cổ Quảng Trị và làng quê miền Trung… Thường thì phải mất cả tuần ông mới làm xong một bức.
Dẫu vậy, “tình yêu lớn” của ông vẫn là những gốc tre, rễ cội tua tủa. Dường như ông vẫn chưa hề hết ước mơ sẽ tiếp tục thổi hồn vào bờ tre gốc rạ, cho tre bật lên những tiếng nói như của loài người. Cảm giác như ông yêu tre và thương tre đến lạ kỳ. Chiều Thành cổ, lão nghệ sĩ vẫn ngồi thủ thỉ bên những gốc tre sần sùi: “Từ lòng đất tre đội mình lớn dậy/Cho phong sương, một kiếp lưu đày/Nay về đây lặng im như đá cuội/Sao muôn đời lầm lũi mãi, tre ơi…!”.
Nguyễn Phúc
>> Về một người mang "phép màu" cho những gốc tre làng
Bình luận (0)