Người dân quê thường đơm, giăng lưới lú, kéo vó... để bắt cá. Cá ngạnh có thể chế biến nhiều món ăn ngon: kho với nghệ, khế, chuối chát và nấu canh chua, nhưng hấp dẫn hơn cả là món lẩu chua.
Cá bắt về loại bỏ ba cái ngạnh trên lưng và hai bên mang cá, sau đó làm cá và rửa sạch. Kiếm mớ giá sống, lá giang hay khế chua, dọc mùng (bạc hà nước), ngò gai, rau ngổ, măng tre luộc, rau cải... để ăn với lẩu. Cho ít dầu ăn vào nồi rồi bắc lên bếp đun nóng với hành tím thái lát. Tiếp đến, cho nước lạnh vào nồi, thêm ít muối, tiêu, đường, bột ngọt cùng vài lát ớt thái mỏng.
Đến khi nước sôi thì thả cá vào nồi đun chín rồi nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Lá giang vò nát hay khế chua cho vào nồi rồi đến măng tre và các loại rau khác, thế là ta đã có món lẩu chua nghi ngút khói, đặt trên bếp đến cuối bữa ăn. Màu trắng của cá, giá sống và dọc mùng, màu vàng từ măng tre luộc, màu xanh của các loại rau tạo nên “bức tranh lẩu” hài hòa, chưa ăn đã thấy ngon.
Dùng thìa múc rau, cá và nước lẩu cho vào bát rồi ăn ngay khi còn nóng bỏng rẫy lưỡi. Ăn nóng như thế mới thưởng thức được trọn vẹn cái ngon của món lẩu. Vị chua ngọt thanh thoát từ cá, rau và gia vị xen lẫn vị đắng của măng, cảm nhận cái cay của tiêu, ớt, bao nhiêu nhiệt lượng trong cơ thể đều thoát ra ngoài theo những giọt mồ hôi. Món lẩu chua cá ngạnh có thể ăn với bún hay cơm đến no vẫn thấy thèm. Những ngày rỗi rãi, vợ chồng con cái tụ họp bên nồi lẩu nóng, sì sụp chan húp làm không khí gia đình thêm ấm cúng.
Những người con xa quê khi được thưởng thức món lẩu chua cá ngạnh nơi phố thị, lòng chợt bâng khuâng. Kỷ niệm làng quê chợt ùa về với những chiều giăng lưới, thả câu, kéo vó trên những dòng sông nước lững lờ trôi...
Trang Thy
>> Cận cảnh chùa Một Cột xuống cấp trầm trọng
>> Canh chua cá điêu hồng với trái thanh trà
>> Canh chua Nam bộ
>> Đậm đà canh chua cá chẽm
Bình luận (0)