Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ vừa hoàn tất báo cáo gửi cho Lầu Năm Góc và các nhà thầu quân sự Mỹ với nội dung cho thấy thiết kế của hơn 20 hệ thống vũ khí chủ chốt đã bị tin tặc sao chép. Trong số đó có những chương trình đóng vai trò cốt lõi của các hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay chiến đấu và tàu chiến, theo Reuters. Cùng lúc, truyền thông Úc cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp bản thiết kế trụ sở mới của Cơ quan An ninh tình báo nước này (ASIO).
|
Danh sách chấn động
Tờ The Washington Post ngày 28.5 dẫn báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ cho hay các thiết kế vũ khí bị đánh cắp bao gồm hệ thống tên lửa đánh chặn tối tân Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD của lục quân, lá chắn tên lửa đạn đạo Aegis của hải quân. Đây là những vũ khí đóng vai trò xương sống của lá chắn phòng thủ tên lửa khu vực ở châu Á, châu Âu và vùng Vịnh của Mỹ. Bên cạnh đó, báo cáo còn liệt kê các chiến đấu cơ F/A-18, F-35, máy bay đa năng V-22 Osprey, trực thăng Black Hawk và lớp tàu tác chiến cận bờ (LCS) thế hệ mới. LCS được xem là con bài mới trong chiến lược biển của Lầu Năm Góc và Mỹ đang triển khai một số tàu tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 4 chiếc đồn trú luân phiên tại Singapore.
|
Báo cáo không đề cập quy mô hoặc thời điểm diễn ra các vụ xâm nhập và không nêu danh thủ phạm. Tuy nhiên, theo The Washington Post, các nguồn thạo tin từ quan chức quốc phòng cấp cao lẫn trong ngành sản xuất vũ khí, đều chỉ tay về Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng với việc nắm được thiết kế vũ khí, Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ quân sự của nước này đồng thời làm suy yếu lợi thế quân sự của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. “Thật choáng váng. Chúng là toàn bộ những hệ thống vũ khí mang tính sống còn với an ninh quốc gia”, ông Mark Stokes thuộc Viện Project 2049, tổ chức nghiên cứu chuyên về an ninh châu Á, nói với The Washington Post.
Đến nay, Lầu Năm Góc chưa bình luận về báo cáo nói trên mà chỉ tuyên bố Bộ Quốc phòng Mỹ ngày càng lo ngại những âm mưu tấn công mạng đe dọa đến khả năng cạnh tranh về mặt vũ khí của nước này.
Úc cũng là nạn nhân
Cũng trong ngày 28.5, Đài ABC của Úc dẫn nguồn tin tình báo nói tin tặc Trung Quốc đã ăn cắp kế hoạch tuyệt mật về kế hoạch bố trí trụ sở mới của ASIO tại Canberra. Những tài liệu bị đánh cắp bao gồm bản đồ bố trí cáp của các hệ thống an ninh và viễn thông, chi tiết thiết kế sàn và vị trí các máy chủ. Theo chuyên gia Des Ball thuộc ĐH Quốc gia Úc, bản thiết kế chỉ rõ phòng nào sẽ được dùng để thảo luận những vấn đề nhạy cảm và làm sao cấy thiết bị nghe lén vào tường. “Một khi đã nắm trong tay bản thiết kế, người ta có thể bắt đầu lên kế hoạch đặt thiết bị nghe lén thông qua các kết nối điện thoại và wi fi”, ông Ball nói với ABC.
Hiện phe đối lập Úc đã yêu cầu mở cuộc điều tra chính thức về cáo buộc trên, theo AFP. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bob Carr từ chối bình luận về vụ việc mà chỉ khẳng định: “Chính phủ luôn cảnh giác trước nguy cơ an ninh mạng và chúng tôi không ngạc nhiên về những gì đang được đồn đoán”. Ông Carr cũng nói thêm là quan hệ Úc - Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Các cáo buộc vô căn cứ không giúp ích gì cho cuộc chiến chống tin tặc”.
Theo AFP, hồi đầu năm nay, hệ thống dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Úc tràn ngập mã độc, được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, với chức năng tìm kiếm các thông tin nhạy cảm. Trước đó, cũng vì lo ngại về an ninh mạng mà Tập đoàn Huawei, trụ sở chính ở Thâm Quyến, bị cấm tham gia đấu thầu hợp đồng xây dựng hệ thống băng thông rộng quốc gia của Úc.
Thụy Miên
>> Tin tặc Trung Quốc bị tố đánh cắp thiết kế trụ sở tình báo Úc
>> Tin tặc ở Trung Quốc là một "nghề" thông dụng
>> Tin tặc Trung Quốc chiếm thông tin phản gián của Mỹ
>> Tin tặc Trung Quốc “săn” tiêm kích tàng hình mới của Anh
>> Đài Loan tố bị tin tặc Philippines tấn công
Bình luận (0)