Ấn Độ đang chuẩn bị kế hoạch cho việc cải tiến tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Agni-V nhằm giúp tên lửa có tầm bắn trên 5.000 km này trở nên hiệu quả hơn và có thể tiếp cận nhiều mục tiêu khác nhau. Báo The Hindu dẫn lời ông Vijay Kumar Saraswat, Tổng giám đốc chương trình Nghiên cứu và phát triển quốc phòng, cho biết tên lửa Agni-V sẽ được lắp đặt thêm thiết bị chứa nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV). Theo các chuyên gia, MIRV có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc và khi được bắn đi, các đầu đạn sẽ tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau.
|
Liên tục phát triển
Thành công của Ấn Độ trong cuộc phóng thử Agni-V đầu tiên hồi tháng 4.2012 giúp nước này góp mặt vào câu lạc bộ các quốc gia phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo tờ The Times of India, New Delhi dự kiến tiến hành thêm 2 cuộc phóng thử trong năm nay.
Dòng Agni được xem là nền tảng chính tạo nên sức mạnh tên lửa Ấn Độ. Theo website India Strategic, kể từ năm 1989, một loạt tên lửa Agni đã được phát triển và thử nghiệm với tính năng không ngừng được cải tiến. Từ Agni-I với tầm bắn 700 - 800 km, Agni-II (2.000 - 3.000 km), Agni-III (3.500 - 5.000 km) đến Agni-IV (3.000 - 4.000 km). Nhưng chính tên lửa Agni-V, dài 17,5 m, nặng 50 tấn và tầm bắn trên 5.000 km được thử thành công năm ngoái mới giúp Ấn Độ sánh vai cùng Mỹ, Nga và Trung Quốc là những nước sở hữu tên lửa chiến lược có tầm bắn 5.500 km hoặc hơn.
Nếu suôn sẻ, Ấn Độ sẽ hoàn tất mọi thử nghiệm với Agni-V vào năm 2015 và ngay sau đó bắt tay vào phát triển Agni-VI. Hồi tuần trước, tờ Business Standard dẫn lời Giám đốc chương trình tên lửa Agni là Avinash Chander cho biết Agni-VI sẽ dài 20 - 40 m, nặng 55 - 70 tấn, tầm bắn ước chừng 6.000 - 10.000 km và mang được đầu đạn nặng 3 tấn.
Ứng phó đe dọa
Sau vụ thử thành công Agni-V hồi năm ngoái, Tổng giám đốc Saraswat khẳng định chương trình tên lửa của Ấn Độ dựa trên những mối đe dọa đã, đang và sẽ xuất hiện. “Những mối đe dọa đang dần xuất hiện sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy nhu cầu về vũ khí của chúng tôi”, trang tin Defence Now dẫn lời ông Saraswat nhấn mạnh. Một khi được triển khai, Agni-IV và Agni-V sẽ giúp Ấn Độ tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân trước những diễn biến đáng ngại trong khu vực. Với độ chính xác và tính cơ động cao, chúng sẽ mang lại cho quân đội Ấn Độ sự linh hoạt cần thiết trong các chiến dịch.
Giới chức Ấn Độ khẳng định chỉ xem các tên lửa Agni là công cụ răn đe và nước này không chạy đua vũ trang bất chấp “những động thái đáng ngại bên kia biên giới”. “Bên kia biên giới” dĩ nhiên là chỉ Pakistan và Trung Quốc, 2 láng giềng vẫn còn nhiều nghi kỵ với Ấn Độ. New Delhi và Bắc Kinh vừa xảy ra căng thẳng tại vùng tranh chấp chủ quyền trên bộ, đồng thời được cho là đang cạnh tranh ảnh hưởng trên các vùng biển trong khu vực. Nếu như tên lửa Agni-I và II được chế tạo nhằm đối phó Pakistan thì Agni-IV và V phản ánh trọng tâm chú ý của Ấn Độ vào Trung Quốc. The Times of India dẫn lời các chuyên gia cho biết nếu được phóng từ vùng đông bắc, chúng có thể bắn trúng các mục tiêu nằm sâu bên trong Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh.
“Đồ chơi” của Trung Quốc Hồi tháng 8.2012, trang Washington Free Beacon loan tin Trung Quốc phóng thử lần đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động DF-41. Trang này dẫn lời giới chuyên gia nhận định các tên lửa đạn đạo DF-31 (tầm bắn 7.200 - 8.000 km) và DF-31A (11.200 - 12.000 km) nhằm vào Nga và Ấn Độ, còn DF-41 (12.000 - 14.000 km) được thiết kế để xuyên phá hệ thống phòng thủ của Mỹ. |
Trùng Quang
>> Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Agni V
>> Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo Agni-V
>> Không quân Mỹ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa
>> Nga sẽ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới
>> Nga xác nhận phát triển tên lửa liên lục địa mới
>> Ấn Độ phóng thành công tên lửa liên lục địa
Bình luận (0)