Thủ tướng Chính phủ hôm qua ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đề án nhằm mục tiêu đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở VN.
|
Mỗi người một số định danh
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xác lập lộ trình thực hiện đề án bắt đầu triển khai từ tháng 7.2013 đến năm 2020, với từng mục tiêu nhiệm vụ và sản phẩm cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2013-2014 tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC…
Giai đoạn 2015-2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi toàn quốc. Từ năm 2016, tổ chức triển khai nhập thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân. Đến năm 2020, tất cả các công dân đều có mã số công dân.
Ngoài ra, đề án cũng đưa ra mục tiêu phát triển các loại thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để có thể thay thế nhiều loại giấy tờ hiện nay như khai sinh, đăng ký kết hôn, hộ khẩu…
Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng
Theo đề án, số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, đồng thời là số CMND mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm, cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đây là “số gốc” để truy nguyên chính xác về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và được sử dụng làm cơ sở để liên kết thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu. Các ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu ngành thông qua số định danh cá nhân kết nối, khai thác thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm thống nhất thông tin.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC, quản lý công dân thì việc cung cấp số định danh cá nhân thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, sẽ giúp tiết kiệm thời gian điền thông tin, ước tính khoảng trên 461 tỉ đồng/năm. Với số lượng bản sao/bản sao có chứng thực công dân phải nộp như hiện nay, chi phí tương ứng cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện các TTHC là khoảng 4.780 tỉ đồng/năm. Khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho công dân ở các cơ quan hành chính nhà nước, sẽ giảm được khoảng 2.010 tỉ đồng/năm từ việc bớt các hoạt động sao chụp, chứng thực để cung cấp các thông tin cá nhân (lợi ích này chưa tính đến chi phí tiết kiệm được của các cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ bản của công dân)…
Phó thủ tướng làm trưởng BCĐ thực hiện Đề án Để tổ chức thực hiện đề án này, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) do một phó thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các Phó trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Thành viên BCĐ hoạt động kiêm nhiệm và được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ. BCĐ có nhiệm vụ phê duyệt, triển khai kế hoạch đề án, chỉ đạo, đôn đốc các bộ ngành liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong đề án. Quyết định cũng nêu sẽ thành lập văn phòng BCĐ đặt tại Bộ Tư pháp để giúp việc cho BCĐ. Nguồn lực thực hiện đề án này sẽ được bố trí ưu tiên từ ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ chính thức từ nước ngoài. |
Thái Sơn
>> “Không nên quản lý dân cư theo hộ khẩu”>> Tuyển sinh đầu cấp Q.5 (TP.HCM): Xem xét từng trường hợp chuyển hộ khẩu
>> TP.HCM kiến nghị điều kiện nhập hộ khẩu "thoáng hơn
>> Ưu tiên khu vực xét theo hộ khẩu hay địa bàn học phổ thông?
>> “Siết hộ khẩu” tuyển sinh đầu cấp
>> Chuyển hộ khẩu sau ly hôn
>> Giải quyết hộ khẩu cho gia đình bà Nguyễn Thị Tám
>> 17 năm sống không hộ khẩu
>> Đoạn trường hộ khẩu: Không có lối ra
Bình luận (0)