17 năm sống không hộ khẩu

09/01/2013 03:55 GMT+7

Đó là tình cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Tám, tạm trú tại tổ 48, KP.4, P.16, Q.8, TP.HCM. Tuy đã sinh sống ổn định tại đây gần 17 năm nay nhưng vẫn không có hộ khẩu , CMND.

Vào khoảng năm 1980, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám, gốc ở Gò Vấp, tỉnh Gia Định (cũ) cùng 12 người con đi theo diện kinh tế mới đến xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Trong thời gian này, chồng bà do quẫn trí đã đem đốt hết giấy tờ nhà rồi sau đó sinh bệnh mà chết. Đến năm 1990, mấy mẹ con bà lại dắt nhau lên TP.HCM sinh sống tại kênh Nhiêu Lộc, P.11, Q.3, đến năm 1996 lại trôi dạt về P.16, Q.8 mua nhà và sống cho đến nay. Tuy đã sinh sống ở đây gần 17 năm trời, nhưng cả nhà chẳng hề có hộ khẩu; CMND được cấp ở Kiên Giang thì đã hết hạn từ lâu, nay muốn làm lại cũng không được, cuộc sống gặp biết bao khó khăn.

 17 năm sống không hộ khẩu
Không hộ khẩu, gia đình bà Tám gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: H.N

Chị Lê Ngọc Lan, con gái bà lấy chồng cũng chẳng thể đăng ký kết hôn vì không CMND, đến khi chia tay thì bị thiệt thòi đủ đường. Cũng may mấy đứa con của chị được ké vào hộ khẩu của cha ở Bến Tre nên cũng có giấy khai sinh đàng hoàng. Tuy nhiên, hộ khẩu ở Bến Tre cũng chỉ là đăng ký cho có, toàn bộ sinh hoạt, học hành của con cái lại đều ở TP.HCM nên vô cùng bất tiện. “Mai mốt, tụi nhỏ lớn lên tui không biết có làm CMND cho nó được không nữa”, bà Tám thở dài.

Tương tự, người con trai lớn của bà là anh Lê Hoàng Long cũng vậy, anh cũng lấy vợ nhưng không thể đăng ký kết hôn được. Hai vợ chồng anh đã có nhà cửa ở H.Bình Chánh, TP.HCM, nhưng chỉ sống theo kiểu tạm trú mà thôi. Còn anh Lê Ngọc Tân, con trai thứ của bà đến nay gần 40 tuổi cũng không CMND, không hộ khẩu, anh chẳng thể xin việc ở đâu được, đành an phận với công việc phụ hồ lúc có lúc không. Ngay bản thân bà Tám, nay đã già yếu muốn mua bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh cũng không được chấp nhận.

Vừa qua, con rể của bà là anh Vũ Viết Tĩnh đã cam kết bảo lãnh cho bà vào hộ khẩu của anh ở Q.Bình Tân, TP.HCM nhưng cũng không được. Anh Tĩnh cho biết ở Q.Bình Tân thì chấp nhận nhưng yêu cầu phải có xác nhận tại nơi đăng ký hộ khẩu cũ, trong khi đó, hộ khẩu cũ của bà Tám ở Gò Quao, Kiên Giang đã bị xóa từ hơn 20 năm nay nên không ai xác nhận cho. Vì vậy, gia đình bà Tám như rơi vào bế tắc.

Bà tâm sự: “Tôi đã già, chẳng cần gì cả, chỉ mong nhà nước có chính sách, linh động để các con, cháu của tôi có được cái CMND, chứ sống mà không có quyền công dân tối thiểu thì thật khổ sở”.

Hải Nam

>> Đoạn trường hộ khẩu: Không có lối ra
>> Đoạn trường hộ khẩu
>> Nhập hộ khẩu khống cho Việt kiều để trục lợi
>> Bắt 2 công an xã nhập hộ khẩu khống ăn tiền

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.